Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hành trình đưa 117.600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên về Việt Nam

(VTC News) -

Sau nhiều ngày đàm phán, 10h sáng, lô vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 số lượng 117.600 liều đã đến sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, song song với việc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước, Bộ Y tế cũng tích cực, khẩn trương phối hợp với các đơn vị trên thế giới để có vaccine cho Việt Nam.

Ngoài vaccine Pfizer (Mỹ), Nga, Trung Quốc, Bộ Y tế vẫn tiếp tục đàm phán với một số tổ chức, công ty khác để làm sao cho đủ vaccine cho mọi người.

Trong đó, đặc biệt là vaccine AstraZeneca của hãng dược AstraZeneca, Vương quốc Anh. Để có được vaccine này, Việt Nam trải qua nhiều ngày đàm phán, thương thảo dưới sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Y tế và Công ty Cổ phần vaccine Việt Nam (VNVC).

Lô vaccie AstraZeneca đầu tiên về Việt Nam sáng nay 24/2.

Ngày 28/1, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc của Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 của Hãng được AstraZeneca cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.

Quyết định này dựa trên phân tích 23.745 người từ 18 tuổi trở lên, với 232 trường hợp mắc COVID-19 có triệu chứng từ các thử nghiệm lâm sàng pha III của Vương quốc Anh và Brazil do Đại học Oxford thực hiện.

Ngay sau đó một ngày, chiều 29/1 tại cuộc họp bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 của Astra Zeneca cho trường hợp khẩn cấp phòng, chống dịch. Đây là vaccine COVID-19 đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, sau khi trao đổi, đàm phán, đại diện Astra Zeneca cam kết cung cấp cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều trong năm 2021 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài 30 triệu liều trên, Bộ Y tế cho biết chương trình COVAX - Giải pháp tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu, do Liên minh Vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) và WHO cũng xác nhận viện trợ cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine AstraZeneca.

Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam sẽ nhận khoảng 60 triệu liều vacine AstraZeneca từ cả nhập khẩu và của COVAX.

Về công tác vận chuyển và bảo quản vaccine, tháng 1/2021, Bộ Y tế cấp phép cho VNVC là đơn vị duy nhất tại Việt Nam triển khai kho bảo quản vaccine COVID-19 khi về tới Việt Nam.

Cùng với đó, cuối tháng 2/2021, Bộ Y tế cũng ban hành quyết định kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 của COVAX với 11 đối tượng ưu tiên.

Các đối tượng ưu tiên bao gồm: Nhân viên y tế, nhân viên tham gia phòng chống dịch; nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng công an; lực lượng quân đội; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Video: Lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca đầu tiên cập bến TP.HCM

Để phục vụ việc bảo quản vaccine, 3 kho lạnh âm sâu đến -86 độ C và 51 kho lạnh nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C của Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng được Bộ Y tế cấp chứng nhận.

Hệ thống thiết bị vận chuyển vaccine chuyên dụng của đơn vị này có khả năng lưu trữ khoảng 170 triệu liều vaccine. Đây là điều kiện quan trọng để đơn vị này tiến đến nhập số lượng lớn vaccine COVID-19 cần lưu trữ ở nhiệt độ âm sâu.

Tại mỗi kho lạnh âm sâu đều có một kho rã đông được kiểm soát nhiệt độ luôn dưới 8 độ C để đảm bảo vaccine được rã đông an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Sức chứa mỗi tủ gần 100.000 liều vaccine, 3 kho lạnh âm sâu của VNVC tại khu vực TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với 30 tủ âm sâu (18 tủ tại TP.HCM, 5 tủ tại Đà Nẵng và 7 tủ tại Hà Nội) có thể lưu trữ lên tới 3 triệu liều vaccine cùng lúc.

VNVC cũng cho biết, kho lạnh âm sâu có nhiệt độ rất thấp, với khả năng duy trì nhiệt độ không đổi, có thể đặt chính xác nhiệt độ theo nhu cầu, trong khoảng từ -40°C đến -86°C. Tủ lạnh âm sâu là thiết bị y tế có sự phân bố nhiệt độ bên trong rất đồng đều, đảm bảo các chất hữu cơ luôn được giữ trong cùng một điều kiện nhiệt độ. Đây chính là điều kiện cần thiết cho công việc lưu trữ bảo quản và cung ứng vaccine COVID-19 “đặc biệt” trên toàn thế giới, đang được nhiều quốc gia ráo riết đầu tư.

Đặc biệt, tủ lạnh siêu âm -86°C sử dụng gas lạnh và công nghệ làm lạnh ghép tầng, và cũng là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có hệ thống cảnh báo qua GSM và chức năng điều khiển thiết bị từ xa.

Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine COVID-19 Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên.

Tất cả các kho lạnh, xe lạnh, thùng vận chuyển, tủ lạnh sử dụng trong quá trình vận chuyển vaccine đều được thẩm định, đánh giá đạt điều kiện bảo. Quy trình bảo quản, vận chuyển vaccine tuân thủ theo đúng GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc), GDP (thực hành tốt phân phối thuốc) theo quy định của Bộ Y tế… sẵn sàng đón nhận vaccine COVID-19 về Việt Nam dự kiến vào ngày 28/2.

10h sáng nay 24/2, lô vaccine phòng COVID-19 AstraZeneca đầu tiên về tới sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM. Sớm hơn dự kiến 4 ngày.

Theo đại diện VNVC, đây là lô đầu tiên trong hợp đồng được ký kết 3 bên giữa đơn vị này với AstraZeneca và Bộ Y tế. Sau khi thông quan, lô vaccine này chuyển thẳng tới kho đông lạnh của VNVC tại đường Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, TP.HCM để bảo quản.

Vaccine lần này được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam với số lượng hơn 117.600 liều. Số vaccine trên sẽ ưu tiên tiêm cho những người nguy cơ cao, với khoảng hơn 50.000 người, mỗi người tiêm 2 mũi. Ngay trong chiều nay, Bộ Y tế sẽ họp khẩn về việc kiểm định chất lượng và dự kiến các phương án sẽ tiêm cho những đối tượng có nguy cơ cao.

Vaccine AstraZeneca sử dụng vector virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường tinh tinh được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2.

Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó. Vaccine AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8 độC) trong ít nhất 6 tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có.

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca được cấp phép có điều kiện hoặc phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp ở gần 50 quốc gia, trải dài trên bốn châu lục bao gồm Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia Mỹ Latinh, Ấn Độ, Moroco và Vương quốc Anh.

Vaccine đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này. Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.

Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine COVID-19 Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.

Phạm Quý

Tin mới