Video: Hoa khôi Bế Thị Băng làm mọi việc thuần thục chỉ với một chân
Ở tuổi 35, Hoa khôi Bế Thị Băng (quê Cao Bằng) đã gặt hái cho mình hàng loạt các thành tích đáng nể như: Quán quân vẻ đẹp Vầng trăng khuyết; Công dân trẻ tiêu biểu 2020; Thanh niên sống đẹp 2019; Thanh niên khuyết tật tiêu biểu 2020; giải Nhất Vũ điệu riêng mình 2021… trở thành đại sứ Mottainai. Gần đây, chị vinh dự được mời làm giám khảo cho một số cuộc thi như “Iron woman award 2021” (Người phụ nữ sắt)...
Để có ngày hôm nay, cô gái trẻ Bế Thị Băng phải trải qua những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần sau vụ tai nạn kinh hoàng cướp đi của chị một bên chân phải.
Bước ngoặt tuổi 24
Năm 24 tuổi, khi vừa tốt nghiệp chuyên ngành Y khoa, Đại học Thái Nguyên, trên đường đi làm, Băng va chạm với chiếc xe tải. Do vết thương quá nặng, các bác sĩ buộc phải tháo khớp háng cắt bỏ chân phải để bảo toàn tính mạng cho chị.
"Tỉnh dậy sau 4 ngày mê man, mất đi một chân, tôi không dám nhìn thẳng vào những vết thương ấy, mà luôn nhắm mắt vào và dùng tay để cảm nhận", chị Băng tâm sự.
Hoa khôi Bế Thị Băng được vinh danh tại chương trình "Toả sáng nghị lực Việt". (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Khoảnh khắc đó, chị chỉ biết nhắm mắt lại, lặng nghe tiếng máy thở oxy chầm chậm từng nhịp như đang cào xé tâm hồn, ước mơ và hoài bão của cô gái trẻ. Chị không còn sức để hoảng loạn nữa.
Đêm đó nằm cạnh cửa sổ, chị nghe tiếng các bác sĩ trao đổi với bố mẹ, gia đình cần chuẩn bị tâm lý để đưa chị về quê. Cơ hội sự sống lúc này của chị chỉ còn lại 5%. Nghe giọng nói yếu ớt xen lẫn tiếng khóc của bố xin bác sĩ hãy cho con gái ở lại với hy vọng "còn nước còn tát", lòng chị đau thắt như có hàng trăm vết dao cứa. Chính bố là người tiếp thêm động lực để chị tiếp tục chiến đấu.
Hàng ngày, Băng nghe đài FM để biết mọi người đang làm gì. Một lần nghe chương trình "Quà tặng âm nhạc", chị thấy có người con gửi đến mẹ những câu nói yêu thương, chàng trai gửi đến bạn gái những lời tỏ tình thầm kín... Chị nhận ra rằng, cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp lắm, mình phải tiếp tục tận hưởng cuộc sống này một cách trọn vẹn nhất.
Sau 2 tuần điều trị, bệnh tình của chị có nhiều chuyển biến tích cực, các bác sĩ cũng bất ngờ về điều đó. Khi mọi thứ ổn định, chị được ra viện. Không muốn gia đình lo lắng, chị chủ động đề nghị bố mẹ cho ở lại Hà Nội.
Dần dần, chị làm quen với đôi nạng gỗ như một đứa trẻ tập đi bước đi đầu đời. Có những cú ngã "trời giáng", khiến chị tím cả khuỷu tay và đầu gối, đập đầu vào giường, vết thương rớm máu. Gần hai chục ngày, chị đi được những bước đầu tiên với nạng, chân trái dần có cảm giác trở lại. Ba tháng sau, chị đi thạo hơn. Khi đã làm chủ được nạng rồi, chị quên đi vết thương và dần thích nghi với nó.
Ba tháng sau, chị tìm cách đi làm lại, lần đầu tiên chị ra đường, chống nạng lên xe buýt, cảm giác này vừa quen vừa lạ. Ngay sau khi bước lên xe, mọi người bắt đầu xì xào bàn tán: "Sao phải chống nạng thế kia", "xinh xắn mà mất một chân, đến khổ"… Lòng chị nặng trĩu, nước mắt chảy thành hàng.
"Tôi tìm cách mặc những chiếc váy dài, lắp chân giả để che đi khiếm khuyết ấy. Nhưng khi tôi đi chân giả thì mọi người nói tôi đi không bình thường, con gái bị thọt chân... lại một lần nữa tôi suy nghĩ về cuộc sống của mình." Tất nhiên, chị không thể làm thay đổi suy nghĩ của người khác, nhưng chị có thể khiến người khác chấp nhận mình. Từ đó chị ít suy nghĩ về những lời nói xung quanh của mọi người và tự tạo cho mình một cuộc sống riêng.
Vũ điệu “bốc lửa” chỉ với một chân
Bế Thị Băng biết đến múa như một môn thể thao rèn luyện sức khỏe. Khi đưa tay đắm chìm trong điệu nhạc, chỉ cảm thấy đây chính là đam mê của mình. Từ lần đó chị hay tập múa trong nhà vệ sinh, phòng trọ...
Không ai biết chị có thể múa cho đến khi chị đăng ký tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2019”. Phần thi tài năng, chị đã liều múa trên một chân chỉ sau 3 ngày rèn luyện trước ngày thi chung kết. Đó cũng là lần đầu tiên chị múa trên một sân khấu lớn, có rất nhiều khán giả và cả ban giám khảo.
Video: Bế Thị Băng nhảy bốc lửa trên một chân
Sự tỏa sáng của Bế Thị Băng trong đêm chung kết khiến nhiều người bất ngờ. Trải qua ba vòng thi, chị vượt qua 8 đối thủ để trở thành "Hoa khôi Liên hoan vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2019" một cách xứng đáng. Sau cuộc thi, chị được nhiều người biết đến và ưu ái đặt cho biệt danh "nghệ sĩ múa trên một chân”.
Sau cuộc thi Bế Thị Băng được được một số nơi mời làm mẫu ảnh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tình yêu cổ tích với chồng ngoại quốc
Cuối năm 2016, trong một lần tiễn bạn ra sân bay đi du học, chị tình cờ gặp một chàng trai người Đức sang Việt Nam du lịch. Chị chỉ đường giúp anh. Sau đó như một cơ duyên đã định sẵn, hai người lại gặp nhau ở Hồ Tây. Lần này anh nhờ chị làm hướng dẫn viên du lịch cho mình. Đến ngày anh về nước, chị bất ngờ nhận được lời cầu hôn từ anh.
Không muốn mình trở thành gánh nặng của người khác, chị từ chối lời cầu hôn của anh. Nhưng bằng tình yêu, anh đã giúp chị mở cánh cửa trái tim tưởng chừng đã đóng chặt từ lâu. Sau đó, hai người quyết định về quê ra mắt bố mẹ. Rất may, trong lần đầu tiên ra mắt, chàng rể ngoại quốc đã chiếm được cảm tình của bố mẹ vợ. Năm 2017, anh chị kết hôn và có cuộc sống hạnh phúc viên mãn. Hiện tại chồng của chị đang ở Đức để hoàn thành công việc của một giáo sư toán học.
"Anh ấy đã làm thay đổi suy nghĩ về cuộc sống của tôi rất nhiều. Không có gì quan trọng hơn hai từ nhân phẩm, khiếm khuyết chỉ là sự tồn tại khác biệt và hạnh phúc đến khi mình biết yêu thương", chị Băng nói về chồng bằng chất giọng đầy yêu thương, tự hào.
"Hoa khôi một chân" có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với chồng người Đức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Thời gian gần đây, chị hoạt động khá sôi nổi trên mạng xã hội với vai trò là người truyền cảm hứng, xoá đi sự kỳ thị trong cộng đồng. Chị thường chia sẻ các bài đăng, video ngắn mang tính giải trí về cuộc sống thường ngày. Có những video của chị lên đến hàng triệu người xem.
Bạn Nguyễn Văn Trưởng (30 tuổi) cho biết: “Mình bị mất một bàn tay do tai nạn lao động. Mình cũng đã từng bị suy sụp, mặc cảm với đôi tay của mình. Năm 2019, mình tình cờ biết đến chị Băng qua mạng xã hội. Chính chị là người đã tiếp thêm động lực và niềm tin cho mình về cuộc sống rằng mình có thể "tàn" nhưng không "phế". Mỗi ngày mình đều lướt mạng xã hội để xem hôm nay chị Băng có video mới hay không, mình coi đây như một niềm vui nho nhỏ mỗi ngày".
Bế Thị Băng đã thành công trong việc biến điều tưởng là kết thúc thành một khởi đầu hoàn toàn mới và truyền cảm hứng cho hàng nghìn người khuyết tật . Ước mong lớn nhất của chị bây giờ chính là truyền cảm hứng cho những người kém may mắn như mình có thêm nghị lực để sống tiếp, làm nhiều việc có ích cho đời.