Tháng 3/2017, kỹ sư tên Hua (tên gọi tắt) tại công ty thiết bị hàng không GE Aviation, Cincinnati, Ohio, Mỹ - nhận được yêu cầu kết bạn trên LinkedIn (trang mạng xã hội về nghề nghiệp).
Hua từ Trung Quốc sang Mỹ học cao học, ngành kỹ thuật kết cấu công trình từ năm 2003. Đến năm 2007, anh lấy bằng tiến sĩ rồi về làm việc cho GE. Đầu tiên, Hua làm ở một cơ sở nghiên cứu của công ty ở Niskayuna, sau đó là tại GE Aviation.
Yêu cầu kết bạn trên LinkedIn mà Hua nhận được là từ Chen Feng, cán bộ tại trường Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh (NUAA), miền đông Trung Quốc. Giống như hầu hết những người sử dụng LinkedIn, Hua đã quen với việc kết nối trên mạng với các chuyên gia mà anh chưa quen biết ngoài đời, vì vậy anh thấy chuyện này rất bình thường. “Tôi không nghĩ nhiều khi nhận lời”, Hua nói với New York Times. Vài ngày sau, Chen gửi email mời Hua đến NUAA để thuyết trình và nói chuyện về một nghiên cứu.
Hua luôn mong muốn được sự công nhận trong môi trường học thuật. Khi lấy bằng tiến sĩ, ban đầu anh đã muốn trở thành giáo sư ở Trung Quốc hoặc Mỹ. Nhưng vì các nghiên cứu của Hua tập trung vào ứng dụng thực tế nhiều hơn, nên làm một công việc cụ thể trong ngành có ý nghĩa đối với anh hơn là làm trong trường. Tại GE Aviation, anh tham gia nhóm thiết kế liên quan đến cánh quạt quay của động cơ máy bay phản lực. Một trong những nội dung nhóm nghiên cứu là việc sử dụng vật liệu tổng hợp dựa trên carbon trong lưỡi quạt và vỏ máy bay, thay vì kim loại, nhằm giúp động cơ nhẹ hơn và có lợi thế thương mại.
Một nhà máy của GE Aviation. (Ảnh: Bloomberg)
“Tôi cảm thấy vinh dự khi được mời nói chuyện”, Hua nói. Đối với Hua, được công nhận ở quê nhà là một cảm giác thành tựu, đặc biệt vì anh lớn lên trong một ngôi làng nhỏ và là đứa trẻ duy nhất trong làng ở lứa đó đi học đại học. Chuyến đi, ngoài cơ hội tăng thêm uy tín, cũng là dịp Hua có thể trở về Trung Quốc để gặp bạn bè và gia đình.
Hua sắp xếp về Trung Quốc vào tháng 5/2017, để tham dự đám cưới của cháu trai và gặp lại người quen ở Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Dù vậy, có một vấn đề lớn với chuyến đi: Hua biết GE sẽ không đồng ý, vì lo ngại lộ các thông tin độc quyền.“Vì GE là một công ty công nghệ cao, họ sẽ rất khó chấp thuận ngay cả khi tôi trình bày tại các hội nghị ở Mỹ”, Hua nói.
Hua bảo Chen rằng anh sẽ chỉ có thể thảo luận về nghiên cứu vật liệu composite nói chung, không đi sâu vào các chi tiết cụ thể về những gì anh làm tại GE Aviation. Để chuẩn bị, anh xem lại các công trình từng làm khi lấy bằng tiến sĩ và thu thập thêm thông tin từ các bài báo khoa học. Anh cũng tải về máy tính xách tay một vài tài liệu đào tạo của GE, trong đó có các hướng dẫn từ chuyên gia GE về sử dụng vật liệu tổng hợp. Hua nghĩ rằng kết hợp các tài liệu vào bài thuyết trình sẽ giúp tiết kiệm thời gian.
Sau khi đến Trung Quốc, Hua bắt chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Nam Kinh, và được chở đến nhà khách bên trong Đại học Nam Kinh. Sáng hôm sau, Chen và Hua đến gặp một người đàn ông được giới thiệu là Qu Hui, phó giám đốc Hiệp hội Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc tế tỉnh Giang Tô – một tổ chức phi chính phủ chuyên về thúc đẩy hợp tác khoa học. Qu tặng Hua trà Trung Quốc làm quà chào mừng. “Tôi rất vinh dự khi nhận món quà. Từ bé tôi đã thích uống trà”, Hua nói.
Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. (Ảnh: APRU)
Vài chục sinh viên và giảng viên tham dự buổi nói chuyện của Hua. Hua rất vui khi trả lời câu hỏi của họ. Anh nói: “Tôi nhớ một sinh viên đã hỏi cụ thể về kiến trúc của vật liệu mà tôi đang nói đến trong bài thuyết trình. Tôi trả lời đó là thông tin độc quyền của GE. Tôi chỉ sử dụng ảnh làm ví dụ, còn không thể chia sẻ chi tiết về những gì chúng tôi đang thiết kế hoặc sử dụng”.
Sau buổi thuyết trình, Chen đưa cho Hua một phong bì chứa số tiền trị giá khoảng 3.500 USD – chi trả vé máy bay và một khoản thù lao cho buổi nói chuyện. Sau đó, họ ăn tối với Qu và một vài giáo sư. Đêm đó, Hua bắt chuyến tàu trở lại Thượng Hải. Ngày hôm sau, anh bay trở lại Mỹ. Khi về nhà, Hua nhận ra đã quên xóa bài thuyết trình trong máy tính tại giảng đường ở Nam Kinh. Anh lo lắng vì các slide có một số hình ảnh có logo của GE. “Tôi gửi email cho một trong số các sinh viên và nói ‘bạn có thể xóa bài thuyết trình được không?’”. Hua tưởng câu chuyện đến đó là kết thúc.
Theo New York Times, từ vài chục năm qua, chính phủ Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch âm thầm nhằm đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ Mỹ. Ngoài vũ khí và thiết bị quân sự, các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã đánh cắp hoặc chuyển giao bất hợp pháp nhiều công nghệ khác, nhắm vào cả công nghệ thương mại như thuốc trừ sâu, hạt giống lúa, ô tô tự động và tua-bin gió. Hoạt động gián điệp này có thể đã mở rộng trong những năm 1980, với sự tham gia của cả những người trong và ngoài ngành tình báo.
Trung Quốc phủ nhận việc tham gia vào hoạt động gián điệp kinh tế, nhưng các quan chức Mỹ cho rằng Bắc Kinh ngầm thừa nhận chính sách này.
James Lewis, từng là nhà ngoại giao và hiện làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhớ lại một cuộc họp ông tham gia vào khoảng năm 2014. Tại đó, các đại diện của chính phủ Trung Quốc và Mỹ, bao gồm một sĩ quan quân đội Trung Quốc, thảo luận về chủ đề do thám. Lewis thuật lại: “Khi đó, một trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói: gián điệp không có vấn đề gì vì mọi người đều làm vậy, nhưng đó là vì mục đích chính trị và quân sự, vì an ninh quốc gia. Chúng tôi chỉ phản đối gián điệp kinh tế. Và đại tá quân đội Trung Quốc nói: Chúng tôi không vạch ra ranh giới giữa an ninh quốc gia và gián điệp kinh tế theo cách của các ông. Bất cứ điều gì xây dựng nền kinh tế đều tốt cho an ninh quốc gia”.
Theo NYT, Trung Quốc không chỉ dựa vào các cơ quan tình báo của mình mà còn dựa vào các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để thu thập thông tin độc quyền. Một báo cáo năm 2019 từ Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung Quốc, liệt kê vô số cách mà các công ty Trung Quốc giúp chuyển giao bí quyết chiến lược từ Mỹ về nước. Các phương thức này đa dạng, từ mua lại công ty Mỹ có quyền tiếp cận tài sản trí tuệ, đến thành lập liên doanh Mỹ - Trung Quốc và chia sẻ bí mật thương mại để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường. Các cuộc tấn công mạng trở thành một chiến thuật ngày càng phổ biến vì không phải lúc nào từ đó cũng có thể truy ngược lại sự liên kết với chính phủ Trung Quốc.
Nhưng đáng lo ngại nhất là việc Trung Quốc tìm cách khai thác số lượng lớn người gốc Hoa ở phương Tây. Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, cùng với các tổ chức khác do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nỗ lực bồi dưỡng các điệp viên từ cộng đồng hải ngoại này. Sinh viên và giảng viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ là mục tiêu chính, cùng với nhân viên tại các tập đoàn Mỹ. Giới lãnh đạo Trung Quốc “đã sớm tuyên bố rằng tất cả người Trung Quốc đều thuộc về Trung Quốc, bất kể họ sinh ra hay sống ở quốc gia nào”, James Gaylord, một nhân viên phản gián đã nghỉ hưu của FBI, nói. “Họ bắt đầu kêu gọi người Mỹ gốc Hoa, nói không có xung đột giữa việc bạn là người Mỹ và việc chia sẻ thông tin với chúng tôi. Chúng tôi không phải là một mối đe dọa. Chúng tôi chỉ muốn có thể cạnh tranh và khiến người dân Trung Quốc tự hào. Bạn là người Trung Quốc, và do đó bạn phải thấy đất nước Trung Quốc thịnh vượng".
Hua không coi chuyến thăm Trung Quốc để chia sẻ chuyên môn kỹ thuật của mình là bất thường. Nhưng anh không hề biết rằng chuyến đi sẽ là khởi đầu một loạt các sự kiện mang lại cho chính phủ Mỹ một cái nhìn chưa từng có về chiến dịch gián điệp kinh tế của Trung Quốc, cũng như quy mô sâu rộng của nó.
Sau khi từ Trung Quốc về Mỹ, khoảng trưa 1/11/2017, vài giờ sau khi đến văn phòng tại GE Aviation, Hua nhận được cuộc gọi yêu cầu anh đến gặp nhân viên an ninh của GE. Trước đó, anh và những người khác trong nhóm đã được yêu cầu giao lại ổ cứng máy tính và máy tính xách tay công việc của họ để đánh giá bảo mật. Hua không thể không tự hỏi liệu điều này có liên quan gì đến chuyến đi Nam Kinh mà anh giấu công ty hay không.
Chẳng mấy chốc, nỗi sợ hãi của anh đã thành hiện thực: Các nhân viên an ninh GE muốn biết về chuyến đi của Hua đến Trung Quốc sáu tháng trước.
Sau khi nói chuyện, các nhân viên an ninh nói với Hua rằng FBI muốn gặp anh. Hai đặc vụ FBI – một trong số họ tên là Bradley Hull – bước vào phòng. Hull bắt đầu với những câu hỏi giống như GE hỏi Hua về chuyến đi Trung Quốc.
Hua run lên vì lo lắng, lặp lại các câu trả lời với công ty rằng chuyến đi chỉ để thăm bạn bè và gia đình. Hull tiếp tục hỏi nhiều hơn, và Hua nhiều lần sửa đổi câu chuyện của mình, cũng như để lộ sơ hở. Cuối cùng, anh được cho xem bằng chứng cho thấy mình đã gặp những người khác ngoài bạn bè và gia đình. Anh đã đến thăm Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh (NUAA).
Hua ngồi phịch lại xuống ghế như thể bị hất văng ra sau. Hull nói với anh rằng nói dối một đặc vụ liên bang là phạm tội. Anh khuyên Hua kể lại tất cả những gì có thể nhớ về chuyến thăm NUAA. Hua cuối cùng đã giải thích lý do tại sao anh đến thăm Nam Kinh và đã làm ở đó.
Theo Hua, anh đã cẩn thận để không tiết lộ bất kỳ thông tin nào thuộc quyền sở hữu của GE. Nhưng khi Hua kể thêm về chuyến đi, Hull tin chắc rằng người Hua đã gặp tại Nam Kinh là quan chức tình báo Trung Quốc, và họ đang tìm cách để kỹ sư này trở thành người giúp họ đánh cắp bí mật thương mại.
Hull đề nghị: FBI sẽ không đưa ra các cáo buộc chống lại Hua, nếu anh đồng ý hợp tác tham gia vào chiến dịch phản gián chống lại phía Trung Quốc.
Hua biết anh phải cứu bản thân và gia đình. Vì mặc dù anh không chia sẻ bất kỳ bí mật thương mại nào tại buổi thuyết trình ở Nam Kinh, nhưng một số tài liệu anh đã tải xuống máy tính xách tay bị hạn chế xuất khẩu theo quy định của chính phủ. Vì vậy, anh có thể bị truy tố các tội hình sự.
Theo NYT, trong thập kỷ qua, một số cá nhân Trung Quốc cũng đã bị bắt vì cố gắng lấy bí mật thương mại trong nhiều ngành công nghiệp Mỹ. Một trường hợp đáng chú ý liên quan đến 6 công dân Trung Quốc ở Mỹ cố gắng ăn cắp hạt giống ngô độc quyền từ các nông trại ở Iowa và Illinois. Một kỹ sư người California tên là Walter Liew bị bắt quả tang đánh cắp bí mật liên quan đến việc sản xuất titan dioxit, được sử dụng làm chất tẩy trắng trong sơn và kem đánh răng. Một số cá nhân gốc Trung Quốc cũng bị truy tố trong những năm gần đây vì trộm cắp thông tin độc quyền liên quan đến đầu máy xe lửa, chất bán dẫn, pin mặt trời và các sản phẩm công nghệ cao khác.
Trung Quốc cũng có thể đã cố tuyển dụng những công dân gốc Hoa nước ngoài thông qua hàng trăm chương trình “nhân tài”. “Đó là phương tiện để đưa họ quay trở lại Trung Quốc, tham dự các hội nghị, thuyết trình, tạo cơ hội phát triển mối quan hệ. Sau đó mối quan hệ bị lợi dụng để lấy tài sản trí tuệ", Gunnar Newquist, một cựu đặc vụ phản gián nói.
Các vị khách thường được ở trong các khách sạn sang trọng, được đưa đi khắp nơi bằng xe limousine. Sau khi nhận được sự đối xử xa hoa này, một số người cảm thấy bắt buộc phải cung cấp thông tin mà ban đầu họ có thể không định chia sẻ.
Bắc Kinh cũng có các ưu đãi tài chính để giúp người Trung Quốc ở nước ngoài bắt đầu kinh doanh riêng ở Trung Quốc, những chương trình có thể sử dụng các bí mật thương mại.
Về chuyến đi của Hua, FBI nghi ngờ rằng tổ chức hiệp hội khoa học và công nghệ Giang Tô là bình phong cho chính phủ Trung Quốc và Qu Hui, người đưa trà cho Hua, là một sĩ quan tình báo.
Không có nhiều thông tin về Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc (MSS). (Ảnh minh họa: SCMP)
Các đặc vụ muốn tìm hiểu thêm về Qu. Họ nhìn thấy cơ hội điều tra xa hơn. Hua bắt đầu làm việc cho FBI, liên lạc với các đầu mối Trung Quốc của anh ta theo lệnh của FBI.
Khi liên lạc với những người ở Trung Quốc, Hua tự viết các tin nhắn theo mục đích FBI muốn. Một nhóm các nhà ngôn ngữ của cơ quan trong khi đó hỗ trợ đặc vụ Hull, người không biết tiếng Quan thoại, về những cách nói Hua có thể sử dụng.
Sau khi trở về từ Trung Quốc, Hua vẫn giữ liên lạc với những người ở Nam Kinh, để mở cơ hội cho những cuộc trao đổi học thuật tiếp theo. Theo chỉ đạo của Hull, anh gửi cho Qu tin nhắn qua WeChat vào ngày 20/12/2017. Anh nói với Qu rằng sẵn sàng quay lại thăm một lần nữa vào tháng 2/2018, một tuần trước Tết Nguyên đán.
Qu đồng ý. “Tôi sẽ liên hệ với bộ phận nghiên cứu khoa học ở đây để xem họ quan tâm công nghệ nào và cho anh biết cần chuẩn bị những gì”, Qu nhắn tin cho Hua vào ngày 9/1/2018.
Đến lúc này, các đặc vụ liên bang đã nhận được lệnh để điều tra hai địa chỉ email mà Qu sử dụng trao đổi với Hua: jastxyj@gmail.com và jastquhui@gmail.com. May mắn, họ phát hiện ra mỗi địa chỉ email là ID Apple được sử dụng cho iPhone, được liên kết với tài khoản iCloud có dữ liệu sao lưu định kỳ từ điện thoại. Trong số đó, tài khoản liên kết với jastquhui@gmail.com đã mở ra một “kho báu”.
Thông tin trong các tài khoản giúp FBI xác nhận điều mà họ nghi ngờ từ lâu: Qu làm việc cho tình báo Trung Quốc. Tên thật của anh ta là Xu Yanjun, làm tại Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc từ năm 2003. Sau 6 lần thăng chức, Xu trở thành phó giám đốc cơ quan phản gián ở tỉnh Giang Tô. Giống như rất nhiều người, Xu cũng chụp ảnh các tài liệu quan trọng bằng iPhone - thẻ căn cước công dân, phiếu lương, thẻ bảo hiểm y tế, đơn xin nghỉ phép... Ở đó, các nhà điều tra tìm thấy đoạn ghi âm cuộc trò chuyện năm 2016 với một giáo sư NUAA, trong đó Xu nói về công việc tình báo của mình và những rủi ro liên quan đến các chuyến đi. Xu nói với giáo sư: “Lãnh đạo yêu cầu lấy tài liệu về máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ. Ông không thể có được nó nếu chỉ ngồi ở nhà”. Việc phát hiện ra bằng chứng về danh tính của Xu trong tài khoản iCloud tạo nên một bước ngoặt.
Ứng dụng lịch của Apple mà Qu đã sử dụng để ghi chú như nhật ký công việc. (Ảnh minh họa)
FBI lúc này đã quyết định xây dựng hồ sơ truy tố chống lại Xu và bắt giữ anh ta nếu có thể.
Về phần Hua, anh đã bị GE cho nghỉ việc không lương ngay sau khi gặp FBI. Dưới sự chỉ đạo của FBI, anh tiếp tục trao đổi với Xu qua WeChat và email, bày tỏ mong muốn chia sẻ thông tin.
“Mới đây tôi nghe đồn đoán về việc sa thải nhân viên trong bộ phận của mình. Tôi không muốn bị ảnh hưởng, nhưng khả năng là có”, anh viết trong tin nhắn ngày 23/1/2018. “Đó là lý do tại sao tôi đang cố gắng hết sức để thu thập càng nhiều thông tin càng tốt”. Xu hỏi liệu Hua có thể gửi tài liệu liên quan đến thông số kỹ thuật và quy trình thiết kế để xây dựng vỏ bọc cho cánh quạt không. Hua làm theo và gửi một tài liệu có tiêu đề “Đánh giá đồng thuận về thiết kế hộp đựng quạt GE9X". Tài liệu có vẻ hữu ích nhưng không chứa bất cứ thứ gì có giá trị thực do đã được GE chỉnh sửa.
Mồi câu này dù vậy vẫn phát huy tác dụng. Xu gửi thêm một danh sách “các yêu cầu trong nước” về những thông tin mà anh ta muốn Hua thu thập, chẳng hạn như loại phần mềm được sử dụng để thiết kế các cấu trúc tổng hợp.
Vào ngày 5/2/2018, khoảng một tuần trước khi Hua sắp xếp đến thăm Nam Kinh lần nữa, Xu yêu cầu anh sao chép danh mục tài liệu trên máy tính xách tay thành một tệp có thể mang theo. Tài liệu sẽ đưa ra một bức tranh toàn cảnh về công việc mà nhóm của Hua tại GE đang làm. Quan trọng hơn, nó sẽ chỉ ra những thông tin mà Xu có thể tiếp cận.
Nhưng FBI chưa bao giờ có ý định cho Hua đến Trung Quốc. Vào ngày 7/2/2018, anh gửi cho Xu một tin nhắn nói rằng không thể đi vì sếp đã yêu cầu anh đến Pháp vào tháng 3 để công tác, và có rất nhiều việc phải làm để chuẩn bị cho chuyến đi đó. “Bố mẹ tôi (ở Trung Quốc) cũng thất vọng lắm”, anh nói.
Xu, có lẽ thất vọng vì cuộc gặp không diễn ra, nhắn lại: “Chúng ta có thể giải quyết tất cả những vấn đề này vào lần tới khi anh quay lại không?”
Sự quan tâm của Xu tiếp tục được khơi dậy một tuần sau đó, khi Hua gửi email bản sao danh mục tài liệu trên máy tính xách tay, loại bỏ mọi thông tin mà GE xem là nhạy cảm. Xu đề xuất gặp Hua ở một nơi nào đó ở châu Âu, sau khi Hua đến Pháp vào tháng 3. Cho đến thời điểm này, họ đã liên lạc qua email và WeChat, nhưng, dường như rất sốt xuột, Xu đã cố gắng gọi video cho Hua khi đã gần 10 giờ tối ở Cincinnati. Hua ở nhà, nhưng không có các đặc vụ FBI ở bên cạnh để hướng dẫn anh phải làm gì, nên anh không trả lời. Khoảng một giờ sau, theo chỉ dẫn của Hull, anh nhắn tin cho Xu: “Xin lỗi vì đã lỡ cuộc gọi. Tôi đang cho con ngủ”. Anh nói thêm rằng sẽ đến Pháp từ ngày 25/3 đến ngày 6/4.
Khi Xu và Hua nói chuyện vào ngày hôm sau để sắp xếp địa điểm gặp mặt, Hua đề nghị đến Bỉ, Đức hoặc Hà Lan. Bên ngoài, lý do của anh là để tránh các đồng nghiệp GE, nhưng lý do thực sự là FBI muốn cuộc họp diễn ra ở một quốc gia mà họ có thể dễ dàng bắt giữ Xu. Chính phủ Pháp ít có khả năng chấp thuận điều này.
Brussels, Bỉ.
Vào tuần cuối cùng của tháng 3/2018, Hua bay tới Brussels, Bỉ, cùng với Hull và các đặc vụ khác. Trong khi đó, Xu đã bay đến Amsterdam, Hà Lan. Anh muốn gặp Hua ở đó, nhưng FBI muốn Xu đi Bỉ. Đằng sau hậu trường, các nhà chức trách Mỹ đã làm việc để đảm bảo có được sự hợp tác từ chính phủ Bỉ. Hull yêu cầu Hua giải thích với Xu rằng anh ấy không thể đến Amsterdam vì sếp yêu cầu anh đến thăm một nhà máy ở Bỉ. Đổi lại, họ có thể gặp vào ngày 1/4 ở Brussels.
Việc thay đổi kế hoạch khiến Xu bối rối. Xu đề nghị họ nên gặp nhau ở Amsterdam, vì việc đến một quốc gia mới để dự cuộc họp mà không có sự chấp thuận trước của cấp trên ở Trung Quốc sẽ bị coi là sai quy định. Sau đó, anh đề xuất họ gặp nhau ở Rotterdam – sau đó Hua có thể quay lại Brussels cùng ngày.
FBI đã phải đưa ra một lý do khác để Hua từ chối Xu. “Chủ nhật là lễ Phục sinh, sếp của tôi rất coi trọng dịp này”, Hua nhắn tin cho Xu qua WeChat. “Ông ấy đã đặt trước bữa trưa cho cả đoàn và yêu cầu chúng tôi tham dự”. Tóm lại, không có cách nào anh có thể rời khỏi Brussels.
Xu cuối cùng nhượng bộ.
Cuộc họp được ấn định vào 3 giờ chiều. Xu đến quán cà phê trước vài giờ, cùng với đồng nghiệp từ bộ an ninh. Hai người đàn ông đi qua các phòng trưng bày gần đó. Khi họ đến gần quán cà phê, cảnh sát liên bang Bỉ xuất hiện bắt giữ.
Ngoài hai điện thoại thông minh và khoảng 7.000 euro, Xu và đồng nghiệp của anh ta còn có 7.000 USD – số tiền mặt mà có lẽ họ định đưa cho Hua vào chiều hôm đó. Sáu tháng sau, Xu bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với cáo buộc gián điệp kinh tế.
Tại phiên tòa tuyên án Xu, các chi tiết về nhân vật này được tiết lộ nhiều hơn. Giống như Hua, Xu sinh ra trong một gia đình bình thường, cố gắng hết mình để có điểm số cao, trở thành người đầu tiên trong gia đình học đại học. Điểm khác giữa họ là năm 2003, năm Hua sang Mỹ, thì Xu bắt đầu làm việc cho Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc.
Trong một phiên tòa kéo dài hai tuần ở Cincinnati vào tháng 10/2021 — hơn ba năm sau khi Xu bị dẫn độ sang Mỹ - đại diện cho anh ta là nhóm bao gồm năm luật sư từ Taft, Stettinius và Hollister, một công ty luật hàng đầu. Theo NYT, Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc đã chi trả hàng trăm nghìn USD phí pháp lý cần thiết cho vụ của Xu.
Công ty luật Taft, Stettinius và Hollister.
Người bào chữa lập luận rằng Xu bị lừa và mục đích đằng sau những trao đổi của anh ta với Hua không phải là để đánh cắp bí mật thương mại mà chỉ đơn giản là để tạo điều kiện giao lưu học thuật giữa Hua và các nhà khoa học Trung Quốc. Ralph Kohnen, một trong những luật sư bào chữa, cho biết trong phần tranh luận cuối, “điều xảy ra ở đây là ông Xu, thân chủ của tôi, đã trở thành một con tốt, trong tình thế căng thẳng khi các ngành công nghiệp Mỹ đang cố gắng khai thác Trung Quốc và cả cố gắng hòa thuận với Trung Quốc”.
Công tố viên thì cho rằng Xu đã theo đuổi tài sản trí tuệ tại các công ty hàng không vũ trụ ở Mỹ và châu Âu một cách có hệ thống, thông qua hoạt động gián điệp mạng và những người anh ta kết nối. Nhiều bằng chứng trong đó được lấy từ tài khoản iCloud của Xu - kho lưu trữ cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của điệp viên này. Xu thường sử dụng lịch trên iPhone của mình như một cuốn nhật ký, ghi lại không chỉ các sự kiện trong ngày mà còn cả những suy nghĩ và cảm xúc cá nhân.
Cũng được sao lưu vào iCloud là các tin nhắn mà Xu đã trao đổi với một số nhân viên khác trong ngành hàng không vũ trụ của Mỹ. Một trong số họ là Arthur Gau từ công ty Honeywell ở Phoenix. Gau làm chứng tại phiên tòa rằng Xu đã trả cho anh ta 5.000 USD và đài thọ vé máy bay đến Trung Quốc cho chuyến thăm Nam Kinh năm 2017 để thuyết trình. (Vào tháng 5/2021, Gau nhận tội ở Arizona khi bị cáo buộc xuất khẩu thông tin được đánh dấu kiểm soát mà không có giấy phép). Một vài trường hợp khác cũng xảy ra tương tự.
Tại phiên tòa xét xử Xu, công tố cũng trích dẫn bản ghi âm cuộc gặp kéo dài 4 giờ giữa Xu và một số kỹ sư Trung Quốc. Tại sao Xu ghi lại cuộc trò chuyện này là điều không thể giải thích được nhưng trong đó, anh ta đề cập đến cách tiếp cận để thu thập thông tin từ những người Trung Quốc ở nước ngoài.
“Là các chuyên gia ở nước ngoài, họ sẽ rất khó có thể trực tiếp lấy các lô dữ liệu lớn do an ninh của công ty họ rất chặt chẽ”, Xu nói với các kỹ sư, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét các rủi ro. Tại một thời điểm khác trong cuộc trò chuyện, anh ta nói về cách phát hiện những đối tượng tiềm năng ở các công nghệ cụ thể. “Ví dụ, nếu tôi là dân máy bay, thì tôi sẽ tìm đến Boeing hoặc Lockheed, phải không? Hãy tìm họ ở Lockheed Martin”, Xu nói. “Sau khi tìm được người, tôi sẽ tìm hiểu xem người này đang làm gì? Phụ trách thiết kế tổng thể hoặc hệ thống điện tử chẳng hạn”.
Các tin nhắn trong tài khoản iCloud của cũng cho phép các nhà điều tra biết thêm được rằng Xu đã giúp điều phối một chiến dịch gián điệp mạng nhắm vào một số công ty công nghệ hàng không. Những cuộc tấn công bắt đầu vào năm 2010, ngay sau khi Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) thuộc sở hữu nhà nước thông báo chọn một liên doanh giữa GE Aviation và Safran để cung cấp động cơ tùy chỉnh cho máy bay chở khách thương mại sản xuất trong nước đầu tiên của Trung Quốc, C919. Theo các báo cáo, mặc dù COMAC đã sẵn sàng mua các bộ phận cần thiết để chế tạo máy bay từ các công ty này, nhưng chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang tìm cách lấy tài sản trí tuệ từ các nhà cung cấp đó để có thể sản xuất trong nước.
Máy bay C919.
Công tố lập luận tại phiên tòa rằng Xu đóng một vai trò trong những nỗ lực này. Trong tài khoản iCloud của anh ta có một số tin nhắn mà Xu đã trao đổi với một kỹ sư sản xuất làm việc cho Safran tên là Tian Xi, cho thấy họ âm mưu xâm nhập vào mạng máy tính công ty. Kế hoạch là để Tian - người đang làm việc tại một nhà máy Safran ở Giang Tô - cài đặt phần mềm độc hại do Xu cung cấp vào máy tính xách tay của một nhân viên Safran đến từ Pháp. Phải mất nhiều tuần kế hoạch mới thành công. Tian gửi cho Xu một tin nhắn đắc thắng vào ngày 25/1/2014, nói, “Ngựa đã được đưa vào thành” - ám chỉ “con ngựa thành Troy”, một loại phần mềm độc hại.
Kết thúc phiên tòa, Xu bị kết tội âm mưu và cố gắng thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế và trộm cắp bí mật thương mại. Các luật sư của Xu dù vậy vẽ nên một bức chân dung đầy thiện cảm về điệp viên này, mô tả anh ta là một người đàn ông tốt bụng, thích chơi bóng đá với con trai và thường xuyên xách đồ giúp những người hàng xóm lớn tuổi. Họ chỉ ra rằng Xu chỉ đơn giản là đang làm công việc của mình, đồng thời nói thêm rằng “anh ta không phải là kẻ chủ mưu”. Họ lập luận rằng một bản án khoan hồng sẽ là phù hợp bởi vì chính phủ Mỹ dù sao cũng không thể mong muốn ngăn chặn hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc (nếu có) chỉ bằng cách trừng phạt nghiêm khắc một sĩ quan tình báo.
Vào ngày 16/11/2022, Xu bị kết án 20 năm tù. Bản án hiện đang được kháng cáo.
Việc bắt giữ và truy tố Xu được cho là giúp các cơ quan Mỹ tìm hiểu thêm về bản chất có hệ thống của hoạt động gián điệp kinh tế của Trung Quốc. Theo FBI, nếu chỉ một quan chức cấp tỉnh có thể làm được những gì Xu đã làm, thì có thể hình dung các hoạt động tổng thể phải lớn đến mức nào.
Cảm giác về quy mô đó cũng xuất phát từ hai bản cáo trạng được công bố tại tòa án liên bang ở Quận Columbia vào năm 2019 và 2020, nêu tên 5 tin tặc máy tính ở Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc xâm nhập vào hơn 100 doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận và cơ quan chính phủ ở Mỹ và các quốc gia khác. Các tin tặc thuộc nhóm APT41, mà Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn. Nhóm này cũng không chỉ giới hạn hành vi trộm cắp trong tài sản trí tuệ và thông tin kinh doanh.
Hua trong khi đó đã dành vài năm để xây dựng lại cuộc sống của mình. Trong thời gian giúp FBI, anh thất nghiệp vì bị GE sa thải sau khi cho nghỉ phép vài tháng. Cuối cùng anh tìm được công việc tại một công ty kỹ thuật không liên quan đến chuyên môn.
Tuy nhiên, anh không thấy mình là nạn nhân. “Tại sao tôi lại nhận lời mà không hỏi ý kiến sếp, gia đình? Tôi chịu hậu quả cho những gì mình làm".