Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga với tổng chiều dài 13,05 km, hai ga đầu là ga Cát Linh (Phố Cát Linh) và ga Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa). Có 13 đoàn tàu được chế tạo theo phạm vi dự án, mỗi đoàn có 4 toa tàu, với sức chở tối đa 960 hành khách (152 chỗ ngồi, 808 chỗ đứng). Trên mỗi toa tàu có các vị trí ghế ngồi dành cho khách ưu tiên (người khuyết tật, trẻ em, người già, phụ nữ) và vị trí cho người khuyết tật dùng xe lăn.
Ga trung tâm Cát Linh gồm hai tầng, hành khách có thể dùng thang máy hoặc thang bộ để lên nhà ga từ dưới hè đường. Nhà ga cũng có thang máy thẳng dành riêng, lối dẫn định hướng cho người khuyết tật.Hành khách có thể tuỳ ý lựa chọn sử dụng thang bộ hoặc thang máy.
Tầng 1 là khu vực khách mua vé tàu. Đi qua cổng soát vé, khách có thể lên tầng 2 để chờ tàu.
Ngoài bảng biển chỉ dẫn, 2 tầng nhà ga đều bố trí nhân viên trực hướng dẫn hành khách và thông qua hệ thống loa phát thanh như tại sân bay.
Bảng chỉ dẫn được đặt ngay tại phòng chờ dành cho hành khách rộng rãi và thoáng mát.
Theo bảng, biển chỉ dẫn, hành khách có thể dễ dàng tìm thấy quầy bán vé trực tiếp...
...hoặc quầy bán vé tự động. Máy bán vé tự động được hiển thị bằng tiếng Việt và tiếng Anh, hành khách chỉ cần chọn ga đến và đưa tiền vào máy để nhận vé, biên lai, tiền thừa.
Đây là tấm vé một lượt của tuyến tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông. (Giá vé dự kiến ở mức 8.000 - 15.000 đồng/vé lượt, 30.000 đồng/vé ngày và 200.000 đồng/vé tháng dành cho khách phổ thông. Ngoài ra, sẽ có cơ chế miễn, giảm giá vé cho đối tượng ưu tiên).
Có vé, hành khách mới có thể đi qua cửa an ninh để tiếp cận đoàn tàu.
Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành trong quý II/2021. Vào giờ cao điểm, cứ 6 phút sẽ có một đoàn tàu vào ga, với sức chở tối đa 960 người/đoàn, còn giờ bình thường là 10 phút/chuyến.
Nhân viên an ninh luôn có mặt ở những vị trí quan trọng để phản ứng kịp thời cũng như hỗ trợ khách.
Đoàn tàu điện mở sẵn cửa chờ đón khách.
Chuẩn bị lên tàu...
Bên trong khoang tàu sạch sẽ, thoáng mát.
Phía trên có bố trí những tay nắm quen thuộc dành cho hành khách đứng.
Chỗ ngồi không có nhiều, chủ yếu là để phục vụ người già, người khuyết tật, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai.
Sơ đồ điểm đến và đi cùng đèn báo trạng thái được bố trí ngay trong khoang hành khách. Hành khách có thể bấm nút để lựa chọn điểm đến, đi.
Nhân viên an ninh cũng có mặt trên chuyến tàu, sẵn sàng hỗ trợ hành khách.
Tuyến đường sắt trên cao được kỳ vọng giảm tắc nghẽn giao thông tại những tuyến đường trọng điểm của Hà Nội.
Cận cảnh khoang lái tàu điện.
Tàu điện đang chạy qua vành đai 2 Hà Nội.
Chuyến tàu đến ga cuối cùng của hành trình.
Kết thúc chuyến hành trình trải nghiệm tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Đèn xanh báo hiệu hành khách có thể di chuyển qua cửa để ra khỏi nhà ga.
Hành khách phải di chuyển qua cửa an ninh trước khi rời khỏi nhà ga.
Hành khách rời khỏi ga Yên Nghĩa có thể sử dụng thang máy...
...hoặc thang bộ.
Theo dự kiến của Bộ GTVT, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được bàn giao cho Hà Nội trong 3 đến 4 tuần, sau khi công tác kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, tài sản hoàn thành. Các công tác này sẽ được giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt (thuộc Bộ GTVT) và Công ty Metro Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội) thực hiện.
Hiện nay, công việc còn lại của dự án là công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống. Tư vấn ACT đã kiểm tra, đánh giá toàn bộ phạm vi công việc (bao gồm công trình và thiết bị).
Được biết, để đảm bảo việc kết nối các tuyến buýt hiện có tại Hà Nội sẽ được điều chỉnh, bố trí lại. Việc điều chỉnh luồng tuyến đảm bảo đồng bộ, tăng cường kết nối ngang từ 12 nhà ga với các tuyến buýt, giảm dần kết nối dọc.
Ngoài ra, Sở GTVT Hà Nội dự kiến cấm ô tô (trừ xe buýt) trên đường Giảng Võ nhỏ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để tạo hành lang bổ sung tăng cường cho các tuyến xe buýt lưu thông kết nối ga Cát Linh với điểm trung chuyển Kim Mã và ngược lại; giải tỏa việc lấn chiếm hành lang vỉa hè, cải tạo lại vỉa hè trên đoạn tuyến Giảng Võ (đoạn từ Hào Nam tới Nguyễn Thái Học) để hành khách có không gian đi bộ từ ga Cát Linh tiếp cận với điểm trung chuyển xe buýt tại số 1 Kim Mã.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 868,04 triệu USD (tương đương 18.001,59 tỷ đồng), tốc độ thiết kế tối đa 80km/h, toàn bộ tuyến là tuyến trên cao, có 12 nhà ga, khoảng cách giữa các ga là 1.152,3m.
Chủ đầu tư là Bộ GTVT; Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt - Bộ GTVT; Tư vấn giám sát là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh, Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải. Tổng thầu là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần tập đoàn phát triển thiết kế xây dựng đô thị Bắc Kinh.
Dự án được khởi công ngày 10/10/2011; Hoàn thành giải phóng mặt bằng tháng 8/2015; Thông dầm toàn tuyến ngày 8/10/2016; Thông ray toàn tuyến ngày 16/1/2017; Thông điện toàn tuyến ngày 31/7/2019.