UBND TP.HCM vừa có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đó, vị trí cảng nằm ở khu vực cù lao Con Chó, biệt lập với các khu vực lân cận; kết nối thuận lợi với Biển Đông theo luồng Vũng Tàu - Thị Vải, là luồng hàng hải quan trọng của khu vực Đông Nam bộ.
Mô hình Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
UBND TP khẳng định, việc xây Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa trong hoạt động quản lý vận hành khai thác cảng; theo hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường để siêu cảng này trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của thành phố và khu vực, thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Thành phố sẽ thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2 bến chính/7 bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030 đến năm 2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành các bến chính còn lại.
UBND TP.HCM cũng cho rằng, điều kiện để hình thành, phát triển thành công một cảng trung chuyển quốc tế cần có sự quan tâm của những hãng tàu lớn trên thế giới tham gia hợp tác, đầu tư, khai thác cảng.
Theo đó, trong quá trình triển khai đề án, hãng tàu MSC (hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay) rất quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư tại Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đang tích cực phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu đầu tư vào cảng.
UBND TP khẳng định, việc hãng tàu lớn tham gia là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển hiệu quả Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; góp phần thu hút nhà đầu tư lớn, có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến từ các nước phát triển; Thu hút vốn đầu tư lớn để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại.
Bên cạnh đó, khi đi vào hoạt động, Cảng Cần Giờ sẽ tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng, và tạo ra hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan...
Đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuê mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm (giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh).
Ngoài ra, việc phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, đổi mới doanh nghiệp cũng như hoạt động logistics, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam bộ.