Thời gian qua, liên tiếp xảy ra sự việc nhóm nữ sinh giải quyết mâu thuẫn bằng cách đánh, đạp, thậm chí dùng cả mũ bảo hiểm, gậy gộc... để hành hung bạn.
Mới đây, nhóm nữ sinh ở Hà Đông, Hà Nội đánh hội đồng hai bạn nữ lớp 9, trường THCS Phú Cường sau giờ tan trường. Clip ghi lại cho thấy, 3 nữ sinh đánh, sút liên tiếp vào phần bụng, đầu nạn nhân bằng chân và mũ bảo hiểm. Điều đáng nói, nhóm bạn đứng ngoài quay video clip, cổ vũ, mắng chửi bằng những từ ngữ thô tục, mà không hề can ngăn.
Hồi tháng đầu tháng 12/2020 cũng xảy ra sự việc nhóm nữ sinh lớp 9 ở Thanh Hoá cầm mũ bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu bạn, khiến nạn nhân phải nhập viện. Phẫn nộ hơn, khi sự việc xảy ra, rất đông học sinh khác đứng xung quanh chứng kiến, cổ vũ, thậm chí khen ngợi hành động đánh hội đồng của bạn mình. Trong khi đó, nguyên nhân của sự việc chỉ là mâu thuẫn về lời nói.
Chứng kiến sự việc đau lòng ấy, nhiều bậc phụ huynh vừa xót xa, cũng vừa lo sợ rằng liệu con mình đã, đang và sẽ có thể là nạn nhân của những vụ bạo lực học đường như vậy?
Nữ sinh lớp 9 ở Thanh Hoá bị bạn đánh hội đồng hồi đầu tháng 12/2020. (Ảnh minh hoạ)
Tiến sĩ tâm lý học Lê Mỹ Dung cho rằng, sự thật đáng buồn là chúng ta càng tuyên truyền nhiều về bạo lực học đường thì số vụ càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là sự tác động của phim ảnh, game, hay các chương trình giải trí lệch chuẩn.
Ở góc độ khác, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng còn yếu và thiếu, chưa đánh trúng vào tâm lý của đối tượng học sinh tuổi mới lớn, nhất là các bạn nữ. Chính vì vậy, những điều như khuyên bảo, hoà giải, ngăn chặn, giáo dục tích cực... vẫn "ngủ yên" trong các văn bản mà ít phát huy được giá trị thực tiễn, dẫn đến việc gia tăng bạo lực học đường thời gian qua.
TS Dung cho rằng, một đứa trẻ bị bắt nạt cho thấy các em đang ở thế yếu hơn. Vì thế trẻ thường có tâm lý bất an, lo sợ và tự nghĩ nếu nói ra sự thật thì đối phương sẽ trả thù.
Nếu bố mẹ tinh ý, quan sát, gần gũi con chắc chắn sẽ nhận ra điều này ở các biểu hiện: lo sợ, không vui vẻ, không hồ hởi, mệt mỏi, không muốn tiếp xúc với mọi người, tự ti, bất cần, học hành sa sút... Khi được hỏi đến các mối quan hệ bạn bè, trẻ sẽ thoái thác sang chuyện khác hoặc trả lời chống chế, đối phó cho qua chuyện.
Để ngăn chặn được tận gốc của bạo lực học đường, theo TS Dung, hơn ai hết phụ huynh phải là người hiểu con mình nhiều nhất, là niềm tin tuyệt đối để con tâm sự, sẻ chia và là chỗ dựa vững chắc của con. Bố me cũng phải là bác sĩ tâm lý giỏi nhất để điều trị lành vết thương mỗi khi con bị “va vấp”.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hiệp Hội tâm lý giáo dục, muốn giải quyết căn bản tình trạng bạo lực học đường thì gia đình và nhà trường phải kết hợp trong việc giáo dục học sinh, nhất là học sinh ở lứa tuổi nổi loạn.
Ngoài ra, các nữ sinh không nên đi một mình mà nên đi theo nhóm an toàn, đặc biệt nữ sinh hạn chế tối đa việc đi qua khu vực vắng người.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các cơ quan an ninh cần vào cuộc và có biện pháp mạnh với những người có hành vi hành hung, đánh người. Giáo dục tích cực, khuyên bảo, can ngăn là chưa đủ. Chúng ta chỉ có thể ngăn chặn hành vi côn đồ đó bằng luật pháp, bằng chế tài xử phạt mạnh tay.
TS Nguyễn Thị Hương, Đại học Sư phạm Hà Nội khuyên phụ huynh nên trang bị cho con 5 kỹ năng tránh bạo lực học đường:
Không công kích, gây hấn: Khi gặp những hội bạn quá khích các em nên tảng lờ lời công kích; không trao đổi ánh mắt và đếm từ 1 đến 5, bỏ đi thật nhanh.
Không cáu gắt, đàm phán thân thiện: Các em cần bình tĩnh, nói tốc độ chậm, rõ ràng, không to tiếng
Cương quyết, nói không với bạo lực: Nói với kẻ bắt nạt bằng các mệnh lệnh như: "Dừng lại ngay! Bạn đang làm tôi đau!". Không sử dụng các mệnh lệnh bị động như: "Đừng đánh tôi! Xin hãy tha cho tôi!".
Tìm sự hỗ trợ khẩn cấp: Đi nhanh đến nơi đông người hơn. Nếu không thể chống cự, cuộn tròn người để bảo vệ vùng ngực, bụng, hai tay che theo hình khiên bảo vệ đầu và tai.
Báo cáo sự việc mới người lớn: Thông báo ngay với gia đình, thầy cô giáo, hàng xóm, lớp trưởng, bạn thân… hoặc những người đi đường.