Ký hợp đồng lao động chưa đủ căn cứ
Kết luận của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công năm 2016 của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ: “Dù cơ bản thực hiện tốt quy định, chưa phát hiện hành vi tham nhũng, dù vậy vẫn còn hàng loạt tồn tại, hạn chế cần khắc phục”.
Cụ thể hơn, theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH giao quỹ lương công chức và số lao động hợp đồng không đầy đủ căn cứ, không rõ ràng công chức và lao động hợp đồng, chưa được phê duyệt của Bộ Nội vụ. Điều đó dẫn tới quỹ lương giao tăng hơn 8,1 tỷ đồng. Việc giao dự toán thực hiện chính sách người có công với cách mạng chậm, phải thay đổi nhiều lần và cao hơn thực tế, dẫn tới dư hơn 587 tỷ đồng và phải hủy bỏ hơn 453 tỷ đồng.
Qua kiểm toán chi tiết 7 dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Bộ LĐ-TB&XH cũng phát hiện nhiều vấn đề sai sót. Điển hình là công tác thiết kế còn hạn chế, phải thay đổi nhiều lần làm tăng chi phí; một số dự án có khối lượng thừa một số hạng mục, hoặc thiết kế không phù hợp, nên phải điều chỉnh.
Thực hiện chưa đúng quy định trong đấu thầu về chọn nhà thầu, ký hợp đồng chưa phù hợp với tính chất công việc; tiến độ hoàn thành một số dự án chậm. Đến hết năm 2016 còn 12 dự án nợ đọng hơn 9,1 tỷ đồng.
Hàng loạt sai phạm quản lý tài chính, sử dụng tài sản công tại Bộ LĐ-TB&XH:
Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) nghiệm thu dự án phần mềm quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam hiện còn thiếu một số chức năng so với thiết kế ban đầu, nhà thầu tự thay đổi, bổ sung một số tính năng không có trong thiết kế, nhưng vẫn được nghiệm thu.
Trường thu học phí vượt trần
Trong quản lý sự nghiệp giáo dục đào tạo, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, một số trường thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH thu học phí vượt trần quy định. Điều đó dẫn đến việc miễn, giảm học phí vượt quy định. Cụ thể, có 3/5 cơ sở đào tạo được kiểm toán thu học phí vượt mức quy định đối với hệ cao đẳng và đại học chính quy; còn thu ngoài quy định một số khoản tiền như tiền thi lại, tổ chức lễ tốt nghiệp, lệ phí thi cải thiện điểm, thi lại tốt nghiệp, phôi bằng...
Hầu hết các trường thuộc bộ này quản lý thực hiện tách nhỏ việc mua sắm thiết bị, sửa chữa tài sản thành các gói dưới 100 triệu đồng để được mua sắm theo hình thức trực tiếp (không thông qua đấu thầu), theo kiểm toán, cách làm đó chưa đúng quy định.
Công tác tuyển sinh của trường nghề trong ba năm (2014, 2015, 2016) cho thấy không đạt kế hoạch. Ví như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định năm 2016 chỉ tuyển được gần 599 chỉ tiêu, đạt 38% kế hoạch; Trường Đại học Lao động Xã hội - cơ sở Sơn Tây chỉ tuyển được 46 chỉ tiêu, bằng 18% kế hoạch...
Video: BOT liên tiếp sai phạm, chuyên gia lên tiếng
Với Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề”, có tổng kinh phí thực hiện 18.886 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách trung ương là 8.986 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, dù kinh phí cho chương trình lớn nhưng đế tiến độ thực hiện chậm; trong thực hiện ký kết hợp đồng chưa quan tâm thương thảo để giảm giá.
Hợp đồng ký còn có điều khoản tạm ứng 2 lần với số tiền bằng 75% giá trị hợp đồng, vượt 25% so với quy định...
Từ kết quả trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý về tài chính hơn 9,3 tỷ đồng; kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần chỉ đạo các đơn vị có liên quan chấn chỉnh các tồn tại trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ dự án, quyết toán dự án…
Về việc quản lý đất đai của Bộ LĐ-TB&XH, theo Kiểm toán Nhà nước, còn tồn tại một số vấn đề chưa giải quyết dứt điểm. Cụ thể, hiện bộ này quản lý, sử dụng 54 cơ sở nhà, đất làm trụ sở, nhưng còn 12 cơ sở bị tranh chấp, lấn chiếm hoặc hồ sơ pháp lý chưa rõ ràng (tổng diện tích 112.926m2); một số đơn vị có các hộ dân ở đan xen trong khuôn viên; 20 cơ sở chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...