Hôm 24/4, WHO tổ chức một cuộc họp trực tuyến mà theo họ là sự kiện khởi động cho "một sự hợp tác mang tính bước ngoặt" để chống dịch COVID-19.
"Chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa chung mà chỉ có thể đánh bại bằng một cách tiếp cận chung. Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả khi sẵn có công cụ, chúng vẫn không có sẵn cho tất cả mọi người. Chúng ta không thể cho phép điều đó xảy ra", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói khi bắt đầu cuộc họp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tham gia vào cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: Reuters)
Sáng kiến mà WHO đưa ra là tăng tốc độ phát triển các loại thuốc, xét nghiệm, vaccine để ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị COVID-19, đồng thời đảm bảo người giàu cũng như người nghèo đều được tiếp cận các phương pháp điều trị.
Lãnh đạo tới các nước ở châu Á, Trung Đông và châu Mỹ, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel tham gia vào cuộc họp này. Nhưng một số nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga đều không tham gia.
Một phát ngôn viên của phái đoàn Mỹ tại Geneva trước đó nói rằng Washington sẽ không tham gia vào sáng kiến này.
“Mặc dù Mỹ không tham gia vào cuộc họp này, chúng tôi vẫn sẽ quyết tâm dẫn đầu trong các vấn đề y tế toàn cầu, bao gồm cả cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện tại”, người này cho hay.
Theo đại diện của Mỹ, Washington vẫn tiếp tục quan ngại sâu sắc về hiệu quả của WHO do những thất bại rõ ràng của họ đẩy đại dịch tới tình trạng hiện nay.
Hồi tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố cắt tài trợ cho WHO với cáo buộc tổ chức này chạm chạp trong việc đưa ra phản ứng trước đại dịch và thiên vị cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định virus sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài và kêu gọi Mỹ xem xét nối lại tài trợ.
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định WHO cần cải cách cơ bản sau đại dịch, đồng thời đề cập tới khả năng Mỹ có thể không bao giờ khôi phục tài trợ cho tổ chức này.