Tháng 4/2021, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương – Vũ Huy Hoàng bị tuyên phạt 11 năm tù. Ông Hoàng được đưa ra xét xử trong vụ án Nhà nước mất quyền kiểm soát khu “đất vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM, với diện tích hơn 6.000m2. Sau một quá trình chuyển nhượng lòng vòng, khu đất này rơi vào tay Sabeco Pearl, là một doanh nghiệp tư nhân thâu tóm.
Chuyển nhượng sai quy định đối với nhà đất công sản để cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm cũng là lý do khiến hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng – Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến lần lượt lĩnh các mức án 17 năm tù và 9 năm tù.
Ông Nguyễn Chiến Thắng (trái), Lê Đức Vinh và khu vực núi Chín Khúc.
Tại Khánh Hòa, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến “đất vàng”. Đó là các sai phạm tại Dự án tâm linh Cửu Long Sơn và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín khúc, tỉnh Khánh Hoà. Cả hai ông đều bị bắt về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cựu Bí thư tỉnh ủy Bình Dương – Trần Văn Nam là quan chức gần đây nhất bị khởi tố vì những sai phạm liên quan đến đất đai. Cụ thể là hai mảnh đất 43 ha và 145 ha ở vị trí đắc địa, trung tâm thành phố Thủ Dầu Một. Đối với hai mảnh đất này, ông Nam đều ký duyệt, cho phép áp mức giá rất thấp để giao quyền quản lý cho Tổng công ty 3/2. Sau đó, Tổng công ty 3/2 lại chuyển nhượng lòng vòng, khiến quyền sở hữu lô đất 43 ha rơi vào tay tư nhân, còn lô đất 143 ha hiện trở thành sân golf.
Việc quan chức gián tiếp biến "đất công" thành "đất tư" đã không còn hiếm. Từ Bắc vào Nam, hàng trăm vụ án liên quan đến đất đai đã khiến nhiều người có chức có quyền vướng lao lý trong những năm qua.
Bịt kẽ hở của Luật Đất đai 2013 là điều cấp thiết
Điều khiến nhiều người cảm thấy đau xót là, tại sao những cựu quan chức cấp cao kể trên đều vướng vòng lao lý vì đất đai. Trong khi họ là những cán bộ kì cựu, đã đảm nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng, có thâm niên cống hiến lâu năm trong bộ máy Nhà nước.
Đọc các bản kết luận điều tra, cáo trạng thì thấy phần lớn các cựu quan chức bị truy tố trong những vụ án này là do thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Nhiều vụ án, số thất thoát lên đến hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ nhưng các bị cáo luôn thanh minh “không vụ lợi”, “do tin tưởng cấp dưới”...
Khi hầu tòa, nhiều cựu quan chức cũng nêu lý do là muốn đơn vị của mình phát triển, thu hút đầu tư, hoặc xây dựng trụ sở mới khang trang hơn như trường hợp của Sabeco. Tuy nhiên, khi đào sâu hơn thì thấy được những mối quan hệ lợi ích, tình cảm đan xen. “Đất vàng” của Nhà nước vô hình trung trở thành một phần tài sản đánh đổi trong mớ quan hệ chằng chịt ấy.
Ông Vũ Huy Hoàng hầu tòa trong vụ án Sabeco
Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của các bị cáo, một phần nguyên nhân khác là do Luật Đất đai 2013 hiện còn có bất cập, kẽ hở. Cụ thể là trong vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, căn cứ để tính giá đất, đấu giá đất, giá bồi thường đất...
Cũng bởi thế mà vào tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai. Mới đây ngày 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ sửa đổi Luật Đất đai 2013. Theo đó, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội khóa XV.
Cả Chính phủ và Quốc hội đều đang tích cực trong quá trình sửa đổi, bịt những kẽ hở của Luật Đất đai 2013. Hy vọng với những động thái quyết liệt này, dư luận sẽ không phải chứng kiến thêm những quan chức, cựu quan chức cấp cao vướng vòng lao lý vì “đất vàng”.