1. General Motor
Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2021, tập đoàn ô tô hàng đầu nước Mỹ đã công bố thay đổi biểu tượng. Thiết kế mới sử dụng phông chữ thường thay cho kiểu viết hoa; chuyển sang màu sắc nhạt và đường nét bo tròn mềm mại hơn.
Theo GM, thay đổi lần này nhằm thể hiện mong muốn của hãng trong việc hướng tới một tương lai di chuyển không khí thải thông qua nỗ lực phát triển những chiếc xe điện hóa.
Biểu tượng mới của GM (phải).
2. Volkswagen
Đây là lần đầu tiên sau hai thập kỷ, tập đoàn ô tô lớn nhất châu Âu quyết định đổi biểu tượng. Thiết kế mới từ bỏ hình ảnh bóng bẩy vốn tồn tại từ năm 2000, để chuyển sang kiểu mới phẳng và đơn giản hơn - chỉ sử dụng hai sắc màu trắng-đen.
Biểu tượng mới được Volkswagen tuyên bố là để đánh dấu “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới”, nhằm nói tới nỗ lực của hãng trong việc phát triển các mẫu xe chạy điện phổ thông và đại trà, đáp ứng nhu cầu đi lại của số đông người dùng trên toàn cầu.
Biểu tượng mới của Volkswagen (phải).
3. Nissan
Được trình làng lần đầu trên chiếc SUV chạy điện Ariya, biểu tượng mới của Nissan có mục đích tương tự như của GM, khi thể hiện quyết tâm của hãng ô tô Nhật Bản trong việc phát triển các sản phẩm chạy điện.
Đại diện Nissan cho biết, thiết kế của biểu tượng mới mang ý nghĩa “hướng tới tương lai nhưng vẫn kết nối đầy tự hào tới những di sản phong phú và truyền thống sáng tạo của tập đoàn”.
Biểu tượng mới của Nissan (phải).
4. KIA
Được công bố cùng khẩu hiệu “Chuyển động truyền cảm hứng”, biểu tượng mới của KIA sẽ song hành với những mẫu xe điện sắp ra mắt của hãng ô tô Hàn Quốc chung tập đoàn với Hyundai này.
Việc KIA đổi biểu tượng cũng được giới chuyên môn đánh giá cao, trong bối cảnh thiết kế của những chiếc xe của thương hiệu Hàn Quốc ngày càng bắt mắt và hiện đại hơn - đòi hỏi một hình ảnh đại diện mới mẻ và “xứng tầm”.
Biểu tượng mới của KIA (phải).
5. BMW
Đây là lần đầu tiên BMW thay đổi biểu tượng sau 23 năm. Theo hãng ô tô hạng sang nước Đức, biểu tượng mới sẽ “phù hợp hơn với thời đại số”, biểu trưng cho sự cởi mở, rõ ràng, và thể hiện quyết tập của BMW trong việc “sẵn sàng vượt qua những thách thức để chiếm lĩnh cơ hội mà trào lưu chuyển đổi số đặt ra”.
Về thiết kế, thay đổi lớn nhất nằm ở viền ngoài có độ dày tăng lên, trong khi phần khung tròn màu đen bị loại bỏ hoàn toàn. Chi tiết xanh của biểu tượng cũng được tô đậm và làm phẳng thay vì để ở dạng 3 chiều như trước kia.
Biểu tượng mới của BMW (phải).
6. Toyota
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Toyota quyết định sử dụng biểu tượng mới. Các nhà thiết kế đã chuyển từ hình ảnh dạng 3 chiều sang dạng phẳng, nhưng vẫn giữ nguyên hình ảnh ba vòng tròn lồng vào nhau.
Thay đổi lần này được hãng xe hàng đầu Nhật Bản cho biết là “thể hiện mong muốn trường tồn trong thế giới số” và phù hợp với những yếu tố then chốt về nhận diện thương hiệu trên các dòng xe điện mới cũng như chiến lược kinh doanh trực tuyến mà hãng sẽ triển khai mạnh mẽ trong những năm tới.
Biểu tượng mới của Toyota (phải).
Đáng chú ý, dòng chữ TOYOTA thường xuất hiện kèm theo biểu tượng cũ cũng đã bị loại bỏ, cho thấy sự tự tin của hãng xe Nhật Bản đối với việc người tiêu dùng luôn có thể nhận ra hình ảnh của mình mà không cần “chú thích”.