Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hàng không tung vé rẻ, du lịch được kích cầu cách nào?

(VTC News) -

Các hãng hàng không tung ra nhiều ưu đãi về vé máy bay cũng như kết hợp ưu đãi về nghỉ dưỡng, tác động lớn tới việc xây dựng sản phẩm du lịch.

Bà Đoàn Thị Lộc, Phó giám đốc Saigon Tourist cho biết như trên tại tại hội nghị “Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế” tổ chức ở FLC Quy Nhơn chiều 30/5.

Vé máy bay giảm, du lịch đa dạng

Theo bà Lộc, giá vé máy bay chiếm 1/3 chi phí tour du lịch, việc giảm giá mang tới sự phong phú và đa dạng cho các sản phẩm du lịch. Hiện nay, xu hướng thị trường luôn muốn có chuyến nghỉ dưỡng giá cả hợp túi tiền.

Hội nghị "Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi kinh tế" tổ chức ở Quy Nhơn chiều 30/5.

Khi các hãng hàng không muốn kích cầu du lịch nội địa thì nên đưa ra nhiều lựa chọn như sắp xếp thời gian bay phù hợp, đa dạng.

Bên cạnh đó, các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách, ví dụ như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn thì giờ chỉ cần 6 khách.

“Điều này tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro”, bà Lộc nói.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Quang, Tổng giám đốc công ty Dolphin Tour cho rằng bối cảnh hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp phải sáng tạo.

“Với du lịch, hàng không, việc khách quốc tế đến Việt Nam còn phụ thuộc vào nền kinh tế của họ. Đơn vị nào nắm bắt được xu thế này có cơ hội sinh tồn tốt hơn, đón sóng cơ hội tiếp sau, nếu chờ đợi thì sẽ khó bắt kịp xu thế mới”, ông Quang nhận định.

Du lịch lộ điểm yếu vì COVID-19

Ông Lưu Đức Kế, Phó Giám đốc công ty truyền thông Du lịch Việt, cho biết làm kinh doanh thì phải xác định tự cứu mình trước. Nhưng khi dịch bệnh xảy đến, Thủ tướng có rất nhiều chỉ đạo, người dân và doanh nghiệp ấm lòng, rất mong có hỗ trợ. 

“Nhưng tôi thấy hơn 100 ngày là quá lâu, doanh nghiệp du lịch vẫn không biết có được hỗ trợ không. Nói hàng không trỗi dậy thì chỉ dám nói là du lịch gượng dậy. Nếu có cứu trợ thì phải cứu kịp thời, cấp cứu nếu không doanh nghiệp cũng ra đi khi dịch tan”, ông Kế nói.

Ông Kế cho rằng COVID-19 đã khiến ngành du lịch lộ rõ điểm yếu, ví dụ như xác định thị trường. Từ đó, ông Kế cho rằng cần cơ cấu lại thị trường.

“Khách Trung Quốc chiếm khoảng 35-40%, năm ngoái là 5,8 triệu lượt. Nhưng không ai tính được tổng doanh thu. Nếu biết cách làm, chỉ cần đón 3 triệu mà doanh thu gấp đôi”, ông nói.

Theo ông Kế nếu các doanh nghiệp Việt Nam biết làm thị trường Trung Quốc thì vẫn có thể giữ quan hệ đôi bên cùng có lợi.

“Mình có quyền chọn phân khúc. Chúng tôi nói nôm na có khách Trung Quốc chuẩn, và khách Trung Quốc 0 đồng. Nếu hàng không dám sòng phẳng, thì không phải né tránh thị trường Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty truyền thông Du lịch Việt cho rằng chúng ta đang chung tay khởi động lại du lịch nội địa, nhưng muốn sống được phải nhờ thị trường quốc tế.

“Chúng ta đang khởi động lại du lịch nội địa, nhưng muốn sống được phải nhờ thị trường quốc tế. Từ nay đến 1/7 - ngày dự kiến đón khách quốc tế theo Nghị quyết 79, tôi không biết còn gì thay đổi không, nhưng chúng ta phải chuẩn bị, khắc phục những điều chưa tốt để đón tiếp khách quốc tế bài bản”, ông Kế nhấn mạnh.

Xây dựng thị trường rộng mở

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa chia sẻ thị trường du lịch nội địa đã khai thác ở mức độ nào đó nên khi giảm giá hàng không, du lịch sẽ kích cầu.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp không nên giảm giá vô hạn. Ngoài giảm giá, ngành du lịch còn phụ thuộc vào lịch học sinh nghỉ hè dài vì người Việt đi du lịch theo lịch học của trẻ con, nhiều gia đình đi du lịch vì chiều con là chính.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa. 

Trong khi đó, du lịch với khách quốc tế gắn với di sản văn hóa. Hiện nay, những điểm đến du lịch di sản dành cho khách quốc tế vắng khách. Ngành du lịch cần nhu cầu lớn từ du khách nước ngoài mới phục hồi được.

Dự đoán tăng trưởng doanh thu du lịch năm nay tăng 1,6-1,9%, năm sau tăng 9% như vậy chúng ta không khủng hoảng. Nhưng chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng mất ba đến 10 năm đễ phục hồi kinh tế thế giới.

Chúng ta có thể hướng đến thị trường Đông Bắc Á trước, sau đó là Đông Nam Á, tiếp theo là châu Âu để phát triển du lịch. Chúng ta có thể đưa ra hai kịch bản: kịch bản thứ nhất là phát triển du lịch vùng, du khách sẽ không ra khỏi vùng đó; kịch bản thứ hai là phải kiểm tra y tế với khách quốc tế vào Việt Nam.

Khách quốc tế trước khi đi du lịch cần kiểm tra sức khỏe, nếu âm tính với Covid-19 tại thời điểm đi thì được đăng ký đi du lịch.

Khi khách nhập cảnh sẽ kiểm tra sức khỏe lần hai, nếu âm tính thì được nhập cảnh. Sau đó, tiếp tục cách ly 14 ngày và kiếm tra lần ba. Nếu làm được như vậy thì có thể đón khách Đông Bắc Á, Đông Nam Á và đảm bảo an toàn.

"Nhưng khách du lịch nước ngoài liệu có chấp nhận quy trình kiểm tra như vậy? Vì họ phải được tự do di chuyển, muốn đi để thăm thú di sản, tìm hiểu văn hóa. Hiện nay, Chính phủ đang tìm phương án để lọc dần và tìm cách đón khách ngoại quốc vào Việt Nam", ông Nghĩa nói.

Nguồn:

Tin mới