Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hàng không cấp tập bay đêm dịp nghỉ lễ 30/4

(VTC News) -

Giai đoạn cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (từ 26/4 - 2/5), do nhu cầu quá lớn, các hãng hàng không phải tăng cường hàng nghìn chuyến bay vào khung giờ ban đêm.

Vietnam Airlines cho biết, phục vụ nhu cầu du lịch của hành khách dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và cao điểm hè, hãng khai thác và mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay vào khung giờ muộn từ sau 21h hàng ngày trên các đường bay giữa Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn...

Hiện tại, Vietnam Airlines ghi nhận hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (27-28/4), chỉ số lấp đầy của nhiều đường bay đã đạt 70 - 90% như Hà Nội - Huế, Chu Lai, Quy Nhơn, Đồng Hới, Nha Trang; TP.HCM - Phú Quốc, Tuy Hòa, Đồng Hới, Đà Lạt, Vân Đồn…

Các chuyến bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng, Phú Quốc cũng lấp đầy hơn một nửa và dự báo tiếp tục tăng mạnh trong tuần gần nghỉ lễ.

Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, trong các nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 - 1/5, hãng tăng thêm 86.000 ghế, tương đương trên 450 chuyến bay.

Trong số 450 chuyến bay tăng thêm này, có hơn 200 chuyến được khai thác vào khung giờ ban đêm.

Tiếp đến, vào dịp lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Vietjet tiếp tục tăng tần suất bay giữa Hà Nội và TP.HCM với Điện Biên lên 28 chuyến bay/tuần (từ 3 đến 11/5).

Trước đó, Cục Hàng không cho biết, đã chỉ đạo tăng tham số điều phối giờ hạ, cất cánh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong đó có khung giờ ban đêm, nhằm giúp các hãng hàng không tối ưu hóa lịch bay, tăng giờ khai thác đội máy bay, đồng thời giảm thời gian quay đầu máy bay phù hợp với điều kiện khai thác của từng cảng hàng không, sân bay.

Các hãng hàng không tăng chuyến bay đêm để đáp ứng lượng cầu lớn dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. (Ảnh minh hoạ: Cục hàng không).

Thiếu hụt máy bay đúng mùa cao điểm

Ngành hàng không hiện phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng. Nguyên nhân chính đến từ việc nhà sản xuất động cơ triệu hồi động cơ máy bay để kiểm tra, sửa chữa. Có 42 máy bay của Vietjet, Vietnam Airlines trong diện triệu hồi. Đến nay có 22 máy bay đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa, 22 chiếc còn lại sẽ lần lượt dừng khai thác để kiểm tra động cơ trong năm.

Ngoài ra, khủng hoảng về chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật hàng không sau COVID-19 dẫn tới thiếu vật tư phụ tùng và công tác định kỳ, bảo dưỡng động cơ tàu bay bị kéo dài. Ban đầu nhà sản xuất Pratt & Whitney thông báo cần trung bình 18 tháng để kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế động cơ sau khi tháo khỏi máy bay. Nhưng thông tin cập nhật mới nhất là thời gian bảo dưỡng động cơ có thể kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027.

Theo tính toán của Cục Hàng không, dịp hè 2024, cần khoảng 24 - 26 triệu ghế để đáp ứng nhu cầu của hành khách và dự kiến các hãng sẽ thiếu từ 24 - 26 máy bay trong đợt này.

Phương án thuê máy bay đã được các hãng tính đến từ lâu, Song hiện máy bay vừa đắt đỏ vừa khan hiếm. Ví dụ, thời điểm trước Tết 2024, giá thuê máy bay Airbus A321 là 2.300 USD/giờ thì đến nay mức giá đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ.

Trong bối cảnh này, các hãng hàng không phải nỗ lực xoay xở, áp dụng nhiều phương án, trong đó có việc cấp tốc sử dụng máy bay thân rộng.

Vietnam Airlines cho biết, dự kiến cuối tháng 5/2024 sẽ tiếp nhận máy bay Boeing 787-10 thứ 5 trong tổng số 8 chiếc theo hợp đồng thuê mua máy bay, đồng thời là máy bay thân rộng thứ 30 của hãng. Vietnam Airlines hiện là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam khai thác loại máy bay thân rộng hiện đại nhất và có kích thước lớn nhất này.

Việc đưa đội máy bay thân rộng vào khai thác đường bay ngắn là bài toán khó cho việc cân đối chi phí. Vì chi phí động cơ và một số bộ phận kỹ thuật của loại tàu bay này là rất lớn nếu phải hạ/cất cánh thường xuyên hơn (bay đường dài thì 12-16 tiếng mới hạ/cất cánh 1 lần, nếu bay nội địa thì 1-2 tiếng đã phải hạ/cất cánh 1 lần). Mặc dù vậy, trong nhu cầu cấp thiết hiện nay thì hãng vẫn cần có phương án thay thế kịp thời, đảm bảo nhu cầu đi lại trong nước.

PHẠM DUY

Tin mới