Bị nhiễm COVID-19 không phải là một tội. Vô tình trở thành F1, F2 lại càng không phải là một tội! Tất cả mọi người dân từ Bắc chí Nam trên đất nước của chúng ta không một ai muốn bị nhiễm loại virus chết người nói trên cả.
Thế thì cư xử với họ theo cách khóa trái cổng nhà khi có người đi làm xa về quê ăn Tết như ở Thanh Hóa hay nhốt cả gia đình vì có người về từ vùng đỏ như ở Thái Bình là không hợp lý và cũng chưa chắc đã hợp pháp.
Về mặt pháp lý, Quốc hội chỉ ủy quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ “quyết định áp dụng một số biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết”.
Người dân về quê ăn Tết đang vướng phải các rào cản từ những quy định chống dịch khác nhau của mỗi địa phương.
Như vậy, chỉ có Chính phủ hoặc Thủ tướng mới có thẩm quyền yêu cầu người dân không ra khỏi nhà. Tất cả các cấp chính quyền địa phương từ tỉnh đến huyện và đến xã đều không có thẩm quyền này. Thiếu quyết định của Chính phủ hoặc của Thủ tướng, hạn chế quyền đi lại của người dân đơn giản chỉ là một sự lạm quyền.
Nguyen-Si-Dung.jpg
Thiếu quyết định của Chính phủ hoặc của Thủ tướng, hạn chế quyền đi lại của người dân đơn giản chỉ là một sự lạm quyền.
TS Nguyễn Sĩ Dũng
Tết nguyên đán đang đến gần. Từ đây đến Tết, sẽ có hàng triệu người dân sẽ về quê ăn Tết. Chờ đón họ là những quy định phòng chống dịch rất khác nhau do các địa phương khác nhau ban hành. 63 tỉnh, thành là 63 tổ hợp các quy định và các đòi hỏi khác nhau đối với những người về quê ăn Tết.
Có những quy định và đòi hỏi là hoàn toàn hợp lý nhưng cũng có những quy định và đòi hỏi chỉ hợp lý một cách vừa phải, và có cả những quy định và đòi hỏi là hoàn toàn bất hợp lý.
Những người dân có thể bị cách ly tập trung, mà cũng có thể chỉ bị cách ly tại nhà; có thể phải xét nghiệm âm tính trước khi được trở về, mà cũng có thể về nhà cách ly rồi mới cần xét nghiệm… và cũng có thể chỉ cần thực hiện 5K là đủ.
Sự trăm hoa đua nở này xảy ra trong khi tỷ lệ tiêm chủng tại các địa phương đều đã khá đồng đều và đã rất cao là không hợp lý. Nó không chỉ gây ra muôn vàn khó khăn, cản trở cho người dân về quê ăn Tết, mà gây tốn kém rất lớn cho cả người dân và cả các cấp chính quyền.
Nhận thức được điều trên, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành chấn chỉnh việc cách ly người về quê ăn Tết “mỗi nơi, một phách” gây khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các địa phương vẫn chưa có động thái điều chỉnh các quy định của mình. Tình hình trên cho thấy tiếp tục ủy quyền cho các địa phương ban hành các quy định phòng chống dịch là khó khăn.
Trước hết, do không được Quốc hội ủy quyền nên chính quyền địa phương không có thẩm quyền ban hành các quyết định phòng chống dịch hạn chế quyền của người dân, trong đó có quyền tự do đi lại. (Thực ra, theo quy định của Hiến pháp, các quyền của người dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật, nghĩa là chỉ bằng cách Quốc hội thông qua luật).
Thứ hai, phòng chống dịch là một công việc mang tính chuyên môn rất cao. Mà về chuyên môn, thì Bộ Y tế là cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Trên cơ sở của kiến thức, các số liệu và chứng cứ khách quan, Bộ Y tế là cơ quan có thể đề ra những quy định vừa bảo đảm tính khoa học, vừa bảo đảm tính hợp lý. Để bảo đảm hiệu lực cho các quy định được đề ra, Bộ Y tế có thể trình Chính phủ ban hành dưới hình thức là một văn bản của Chính phủ.
Thứ ba, nếu cứ để các địa phương tiếp tục ban hành các quy định, thì không thể có được tính đồng bộ, sự nhất quán của chính sách phòng chống dịch.
Tết Nguyên đán đã đến rất gần, những quy định dựa trên cơ sở của chứng cứ và phân tích khoa học và nhất quán do Chính phủ ban hành thống nhất cho cả nước là rất cần thiết. Những quy định như vậy sẽ vừa bảo đảm hiệu quả của hoạt động phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người dân về quê sum họp và đón mừng năm mới.
Video: Người lao động rời TP.HCM về quê tránh dịch