Đây không phải là hình thức lừa đảo mới, nhưng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi như lập các trang mạng xã hội ảo, tài khoản ảo, giả làm đại lý hoặc lập các website có tên miền giống các trang web bán vé máy bay chính thức, nhiều nạn nhân vẫn sập bẫy.
Hiện các hãng hàng không vẫn cho phép hành khách có thể hoàn vé, chính sách này giúp hành khách dễ dàng chuyển đổi hành trình, chuyến bay cho phù hợp với lịch trình cá nhân. Tuy nhiên chính điều này đã tạo kẽ hở để kẻ gian trục lợi, lừa đảo người mua.
Đầu tiên kẻ gian sẽ đặt mua vé cho khách đúng với hành trình bay, thông tin cá nhân mà khách cung cấp. Sau khi khách đã thanh toán tiền và có mã đặt chỗ trong tay, kẻ gian sẽ yêu cầu khách gọi lên tổng đài xác minh, tổng đài sẽ xác nhận vé máy bay đó thuộc về khách hàng, đúng hành trình, đúng số điện thoại người đi.
Sau khi xác nhận với tổng đài, khách đã yên tâm có vé máy bay Tết và không cảnh giác gì nữa. Từ đó kẻ gian sẽ thực hiện các bước hoàn đổi vé và lấy lại tiền. Như vậy là kẻ gian đã nghiễm nhiên bỏ túi tiền vé còn khách thì mất cả chì lẫn chài.
Đối với những hãng không cho phép hoàn vé thì vẫn chấp nhận cho khách thay đổi thông tin hành trình và chịu phí thay đổi, phí chênh lệch giá vé nếu có. Điều này cũng tạo điều kiện cho kẻ gian trục lợi.
Nhiều người sập bẫy khi mua vé máy bay Tết trên mạng. (Ảnh minh họa)
Kẻ gian sẽ thực hiện các bước đặt mua vé đúng với yêu cầu của khách nhưng chỉ vài ngày sau đó, chúng sẽ dùng mã vé đã đặt chỗ của khách để thay đổi hành trình và bán cho những người khác. Như vậy với một mã vé, kẻ xấu có thể thực hiện việc thay đổi hành trình và bán cho nhiều người và nghiễm nhiên lừa tiền của mọi người.
Thời điểm gần Tết, khi nhu cầu và giá vé tăng cao, nguy cơ khách mua vé máy bay bị lừa càng cao hơn. Vì thế, các hãng hàng không gần đây liên tiếp ra khuyến cáo, cảnh báo khách hàng về những chiêu trò mà kẻ xấu thường giăng ra để chiếm đoạt tài sản của người tiêu dùng vốn có tâm lý muốn mua vé máy bay giá rẻ.
Phương thức phổ biến nhất là kẻ xấu thường mạo danh là “người của hãng bay” để dễ dàng tiếp cận, tạo niềm tin cho khách hàng, đồng thời giới thiệu về việc mua - bán vé máy bay giá rẻ nhằm kích thích người mua. Sau đó, các đối tượng cung cấp mã giữ chỗ để khách hàng an tâm và nhanh chóng chuyển tiền, đặt cọc…Tiền cọc sau đó bị các đối tượng chiếm đoạt, không xuất vé hoặc xuất vé giả.
Các hãng hàng không khuyến cáo, người dân khi đặt dịch vụ nên tìm đến các doanh nghiệp lữ hành, đại lý vé máy bay uy tín. Tốt nhất nên đến tận nơi để được tư vấn, hỗ trợ nhằm giảm thiểu rủi ro.
Một chiêu trò nữa của kẻ xấu là để lấy lòng tin của khách hàng đặt mua vé điện tử, họ sẽ dựng lên những website có tên gần giống tên website của các hãng hàng không. Khách hàng tưởng đang liên hệ đặt dịch vụ trực tiếp với hãng nên vô cùng yên tâm nhưng sự thực không phải vậy.
Từ những website giả mạo này, khách hàng có thể bị mất tài sản, thậm chí khi truy cập vào những đường link lạ, khách hàng còn nguy cơ mất thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Do đó, các hãng hàng không nhấn mạnh người dân nên cảnh giác với mọi lời chào mời mua vé giá rẻ trên mạng. Không nên tin tưởng vào các hội, nhóm trên mạng xã hội và các đối tượng lạ mặt để đặt mua vé máy bay không rõ nguồn gốc.
Trước khi chuyển tiền cho bên bán, người mua cần đọc kỹ thông tin mã vé, kiểm tra hiệu lực và yêu cầu nhân viên của hãng kiểm tra lại các thông tin. Khi hoàn tất việc mua vé, lấy phiếu thu, hóa đơn và các chứng từ kèm theo để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Giá vé máy bay Tết Nguyên đán 2024 tăng cao
Khảo sát của VTC News cho thấy giá vé máy bay dịp Tết khá đắt đỏ, từ 5 - 10 triệu đồng cho vé khứ hồi hạng phổ thông, 16 - 19 triệu đồng cho hạng thương gia.
Vé máy bay Tết 2024 đang tăng mạnh. (Ảnh minh họa)
Trên các trang web bán vé máy bay trực tuyến, giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024 trên nhiều chặng bay đang dao động từ 4,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).
Cụ thể, giá vé khứ hồi chặng đi ngày 8/2/2024 (tức chiều 29 Tết) và chặng về ngày 15/2/2024 (mùng 6 Tết) chuyến TP.HCM - Hà Nội của hãng VietJet Air có giá 5.600.000 đồng/vé, Vietnam Airlines: 6.500.000 đồng/vé, Bamboo Airways: 7.200.000 đồng/vé và Vietravel Airlines: 6.200.000 đồng/vé (giá vé đã được làm tròn).
Giá vé khứ hồi chặng TP.HCM - Vinh (Nghệ An) của VietJet Air là 5.700.000 đồng/vé; Bamboo Airways có giá 7.200.000 đồng/vé và Vietnam Airlines: 9.950.000 đồng/vé.
Chặng TP.HCM – Hải Phòng, vé bay của VietJet Air giá 6.200.000 đồng; Vietravel Airlines: 4.100.000 đồng; Bamboo Airways:6.300.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.100.000 đồng.
Chặng bay Hà Nội - Nha Trang ngày 11/2 (mùng 2 Tết), ngày về 17/2 (mùng 8 Tết) của VietJet Air có giá 5.900.000 đồng; Bamboo Airways: 6.700.000 đồng và Vietnam Airlines: 7.200.000 đồng.
Cũng đi ngày 11/2 và về 17/2, chặng bay Hà Nội - Đà Lạt của VietJet Air có giá 4.800.000 đồng; Bamboo Airways: 7.200.000 đồng. Cá biệt giá vé của hãng hàng không Vietnam Airlines, cao nhất lên tới 9.960.000đồng.
Còn chặng bay Hà Nội - Phú Quốc trong ngày này, giá vé của VietJet Air là 5.700.000 đồng; Vietnam Airlines: 8.400.000 đồng; Vietravel Airlines: 11.100.000 đồng.
Trong khi đó, chặng Hà Nội - Đà Nẵng của VietJet Air là 3.400.000 đồng; Vietravel Airlines: 3.300.000 đồng; Bamboo Airways: 5.200.000 đồng và Vietnam Airlines: 5.100.000 đồng.
Trả lời về việc giá vé máy bay Tết đắt đỏ, đại diện một hãng bay lý giải, dịp Tết Nguyên đán bao giờ cũng là cao điểm nhất năm khi lượng khách tăng đột biến.
“Năm nay, nhiên liệu và tỷ giá cũng cao hơn hẳn. Cụ thể, giá nhiên liệu bay tăng từ hơn 110 USD/thùng lên hơn 130 USD/thùng và tỷ giá cũng tăng khoảng hơn 10%. Đây là những khó khăn trong kinh doanh của hãng, việc tăng giá vé để bù chi phí là cần thiết”, vị này nói.
Cũng theo vị đại diện này, năm nay một số hãng bay dần thu hẹp quy mô, giảm số lượng máy bay rất mạnh. Khi nguồn cung sụt giảm nhưng cầu tăng đột biến khiến việc phục vụ đi lại của khách trong dịp Tết sẽ có nhiều thách thức.
Cung cấp thông tin cho VTC News, hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Bamboo Airway cho biết, đến thời điểm này các hãng đã tăng chuyến khai thác để phục vụ hành khách.
“Vietnam Airlines Group tăng thêm hơn 100.000 chỗ, tương đương gần 550 chuyến bay, nâng tổng số lên thành 2,1 triệu chỗ với 10.700 chuyến bay cho mùa cao điểm Tết từ ngày 25/1 đến 24/2/2024 (tức từ ngày 15 tháng 12 năm Quý Mão đến 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay giữa TP.HCM/ Hà Nội và Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Nha Trang, Phú Yên, Phú Quốc...”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Bamboo Airways cũng đã ký hợp đồng thuê thêm 2 tàu bay Airbus A320/A321 và bổ sung vào đội tàu bay khai thác từ ngày 1/1/2024, tăng trên 20% tải cung ứng phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Bamboo Airways tập trung tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội – TP.HCM, giữa Hà Nội/TP.HCM với Đà Nẵng và các đường bay địa phương có nhu cầu cao như TP.HCM – Vinh/Thanh Hóa/ Hải Phòng. Ngoài ra, hãng cũng tăng cường các chuyến bay đêm trên đường bay TP.HCM – Hà Nội/Vinh/Đà Nẵng với các mức giá linh hoạt, hấp dẫn.