Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hẩm hiu số phận chai rượu vang Úc ở Trung Quốc

(VTC News) -

Những lô hàng rượu vang của Úc liên tục bị mắc kẹt tại các cảng, đồng thời, các hãng rượu nước này báo cáo doanh thu bằng 0 ở thị trường Trung Quốc.

Ở Bắc Kinh, hay bất kỳ thành phố lớn nào ở Trung Quốc, những nhà hàng Tây sang trọng mọc lên ngày một nhiều. Tại đây, người ta phục vụ thực khách món thịt bò bít tết sốt vang đỏ hay món cá hồi sốt bơ chanh, bên cạnh là một ly vang sậm màu ánh đỏ dưới những bóng đèn chiếu sáng sang trọng và tinh tế.

Trung Quốc là quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới về kinh tế. Điều đó không chỉ thể hiện thông qua những con số phân tích mà chính cả trong cách thay đổi thói quen ẩm thực, nhu cầu thưởng thức văn hóa cao cấp. Rượu vang, đồ ăn phương Tây là một trong những biểu hiện như vậy.

Một khách hàng chọn rượu vang tại một cửa hàng rượu ở Trung Quốc. 

Nhu cầu sử dụng rượu vang của Trung Quốc tăng nhanh trong vài thập kỷ gần đây. Thế nhưng, đất nước này không phải là cường quốc rượu vang. Hầu hết người dân quen uống rượu gạo và rượu cất theo các phương pháp đun nhiệt truyền thống. Vì thế, thị trường rượu vang Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm nhập khẩu.

Đứng đầu thị trường rượu vang ở đất nước tỷ dân vẫn là các dòng vang đến từ nước Pháp, được xếp loại cao cấp với vang trắng và vang nổ. Đối với dòng vang đỏ, Australia chiếm lĩnh thị trường này với trị giá xuất khẩu năm 2019 lên tới 1,2 tỷ USD. Quốc gia châu Úc thậm chí đã thiết kế hẳn một ngành công nghiệp chỉ để phục vụ cường quốc châu Á này.

Bi kịch cũng bắt đầu từ đây.

Trung Quốc – Thị trường khổng lồ

Tại Úc, những cánh đồng trồng nho phục vụ sản xuất rượu vang trải dài ở tất cả các bang, từ thung lũng Barossa ở South Australia cho tới thung lũng Hunter ở New South Wales. Tổng diện tích trồng nho phục vụ ngành công nghiệp rượu vang lên tới hơn 112.000 ha. Theo Wine Australia (Hiệp hội rượu vang Úc), hàng năm, ngành công nghiệp rượu vang đóng góp tới 35 tỷ USD cho nền kinh tế, bao gồm trồng nho, sản xuất rượu và ngành du lịch liên quan đến vườn cây…

Trước tháng 11/2020, Trung Quốc là thị trường rượu vang lớn nhất của Úc. Trong năm 2019, hơn 1/3 lượng rượu vang xuất khẩu của Australia cập cảng Trung Quốc. Đồng thời trong năm này, Australia đã bán rượu vang cho Trung Quốc nhiều hơn cả tổng lượng rượu xuất sang Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada cộng lại.

Thung lũng trồng nho của thương hiệu rượu vang Mc Laren ở miền Nam nước Úc.

Alister Purbrick, nhà sản xuất rượu vang Victoria thế hệ thứ tư, đồng thời là giám đốc điều hành của Tập đoàn Tahbilk, cho biết, ngành rượu vang của Australia phục vụ thị trường Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng chỉ thực sự phát triển kể từ 2015 – khi hai nước ký Hiệp định thương mại tự do, giúp giảm 14% thuế rượu từ Australia sang Trung Quốc.

Zheng Li, chủ một công ty kinh doanh rượu ở Hàng Châu, nhận định rượu vang Australia thành công ở Trung Quốc vì nó ngon hơn ở các nước khác, đồng thời cũng rẻ hơn. Ngoài ra, ở quốc gia uống rượu gạo với nồng độ cồn cao như Trung Quốc, rượu vang Úc “nhiệt” hơn, phù hợp hơn với người dân. Đồng thời, cách ghi nhãn của rượu vang Úc cũng dễ sử dụng, dễ hiểu hơn hệ thống ghi nhãn khu vực châu Âu. Trên hết, mức giá của rượu vang Úc phù hợp với đa số tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Thậm chí, ở phân cấp giá 10-20 USD/lít, rượu vang Úc chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần rượu vang nhập ngoại của Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhà sản xuất rượu vang Úc tin rằng, môi trường sạch, khí hậu trong lành của Úc đưa đến cho nước này danh tiếng về rượu vang. Không chỉ vậy, sự nỗ lực của nhiều năm phát triển thị trường, thậm chí là giáo dục lại người dùng về phong cách sử dụng rượu vang Úc đã đem đến thành quả này. “Sự bùng nổ rượu vang là kết quả nhiều năm làm việc của Australia, nhắm vào tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc bằng các chiến dịch quảng cáo và giáo dục”, theo Lee McLean - Giám đốc quan hệ chính phủ và đối ngoại của Wine Australia.

Các nhà sản xuất và kinh doanh rượu Trung Quốc được đưa đến Úc cùng với các nhóm khách du lịch. Họ tới thăm các vườn nho, nếm thử sản phẩm, tìm hiểu về giá trị của vang và tô đậm văn hóa thượng lưu khi sử dụng rượu vang... Thậm chí, một số vườn nho ở Melbourne còn thuê phiên dịch tiếng Quan Thoại phục vụ các đoàn du lịch Trung Quốc.

Nỗ lực đó đã được đền đáp từ năm 2015, cho đến khi cuộc khủng hoảng quan hệ Trung Quốc – Australia xảy ra.

Thuế bán phá giá hơn 200%

Ngày 27/11/2020, Bộ thương mại Trung Quốc tuyên bố áp đặt mức thuế chống bán phá giá lên tới hơn 200% đối với rượu vang nhập khẩu từ Australia. Quyết định được cho là hệ quả của sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ vốn đang gặp nhiều khó khăn giữa hai nước thời gian gần đây.

Lý do được Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra là “đã tìm thấy mối quan hệ nhân quả giữa việc bán phá giá rượu vang Australia và thiệt hại đối với ngành sản xuất rượu vang của Trung Quốc". Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng từ 107,1% đến 212,1%.

Phía Úc dĩ nhiên không công nhận. Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud bác bỏ mọi cáo buộc về việc bán phá giá rượu vang sang thị trường Trung Quốc và khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho những cáo buộc này. Đồng thời, vị lãnh đạo này cáo buộc Bắc Kinh vi phạm các quy định của Hiệp định tự do thương mại hai nước đã ký trước đó cũng như của WTO.

Đến đầu tháng 12/2020, Trung Quốc tiếp tục giáng đòn “thuế chống trợ cấp” đối với rượu vang của Australia với mức áp là 6,3%.

Doanh số bán hàng bằng 0

Purdick – đại diện của Tahbilk Group, một tập đoàn kinh doanh rượu vang danh tiếng ở Úc, chia sẻ, 1/4 lượng hàng xuất khẩu từ nhà máy rượu gia đình Tahbilk là chuyển tới thị trường Trung Quốc. Tập đoàn đã có hơn một thế kỷ kinh doanh với người châu Á. Giờ đây, doanh nghiệp gần như chết đứng.

Rượu vang Úc được bày bán tại một siêu thị ở Trung Quốc.

Doanh số bán hàng vào Trung Quốc gần như bằng 0, hoặc cực kỳ nhỏ”, Purdick nói.

Nhà sản xuất rượu vang Jarrad White đầu tư gần 10 năm để chen chân vào thị trường khổng lồ Trung Quốc. Bỗng chốc, tương lai kinh doanh bị đe dọa xóa sổ chỉ trong vài tháng. Tính tới giữa năm 2020, 96% sản lượng rượu vang Jarressa Estate của ông được tiêu thụ tại Trung Quốc, tương đương với khoảng 7 triệu chai tiêu chuẩn mỗi năm.

Sau vụ áp thuế bán phá giá, White khẳng định ông không bán nổi dù chỉ là 1 chai lẻ. “Tình hình quá thê thảm, chúng tôi không thể trả nợ cho các nhà cung cấp nguyên liệu”, White cho biết.

Theo Hiệp hội Vang Australia, giá trị xuất khẩu vang vào thị trường Trung Quốc rớt xuống gần 0 trong tháng 12 năm ngoái. Tính cả năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 14%, xuống còn khoảng 1 tỷ đôla Australia (790 triệu USD).

Hiện tại, các nhà sản xuất rượu vang Úc đang tìm lối đi mới, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các thị trường tiềm năng gồm Kazakhstan và Uzbekistan hay Ấn Độ. Vương quốc Anh hậu Brexit cũng là thị trường mở cho Australia nếu hai bên tiến tới ký kết một hiệp định thương mại tự do.

Đồng thời, Australia tìm mọi cách giảm căng thẳng với Trung Quốc. Theo Purbrick đánh giá, kể cả khi thuế quan được nới lỏng, ngành rượu vang Australia vẫn sẽ phải không được phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc hoặc bất kỳ thị trường quốc tế nào.

"Chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm rất đáng quý từ tình cảnh hiện tại. Chúng ta phải làm thế nào để đồng hành lâu dài cùng một thị trường, khách hàng mà khi nó sụp đổ cũng không thể kéo theo mình", ông nói.

Minh Huy

Tin mới