Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hạm đội 7 của Mỹ phủ nhận bị Trung Quốc 'trục xuất' khỏi Biển Đông

(VTC News) -

Hải quân Mỹ lên tiếng không lâu sau khi Trung Quốc nói trục xuất khu trục hạm Mỹ sau khi chiến hạm này đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

"USS Curtis Wilbur không bị "trục xuất" khỏi lãnh thổ của quốc gia nào. USS Curtis Wilbur đã tiến hành chiến dịch tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, sau đó tiếp tục triển khai các hoạt động bình thường trong vùng biển quốc tế", Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho hay. 

Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Tian Junli - phát ngôn viên Bộ tư lệnh Chiến khu phương Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nói PLA đã "trục xuất" tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ sau khi khu trục hạm này đi qua cái mà Bắc Kinh gọi là "lãnh hải Trung Quốc ở quần đảo Tây Sa" trên Biển Đông. 

Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. 

Tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa, thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Ông Tian nói Mỹ là "kẻ gây rối" trên Biển Đông, nói thêm rằng Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình cũng như hòa bình và ổn định của khu vực.

Hạm đội 7 của hải quân Mỹ khẳng định tuyên bố của PLA là tuyên bố mới nhất của chuỗi các hành động của Trung Quốc nhằm "xuyên tạc" các hoạt động hàng hải hợp pháp của Mỹ, đồng thời phản ánh các yêu sách hàng hải phi lý của Bắc Kinh tại Biển Đông. 

"Hành vi của Trung Quốc trái ngược với việc Mỹ tuân thủ luật pháp quốc tế và tầm nhìn của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tất cả các quốc gia lớn và nhỏ, phải được bảo đảm về chủ quyền của mình, không bị ép buộc và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực quốc tế đã được chấp nhận", Hạm đội 7 của hải quân Mỹ nhấn mạnh. 

Hôm 20/5, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ cho hay, khu trục hạm USS Curtis Wilbur đang thực hiện hoạt động tuần tra nhằm "khẳng định quyền tự do hàng hải" gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nơi mà Trung Quốc có các tuyên bố chủ quyền phi pháp.

"Luật pháp quốc tế không cho phép đơn phương áp đặt bất cứ yêu cầu xin phép hoặc thông báo trước về việc đi lại vô hại", thông cáo của hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết. 

Sau khi Tổng thống Biden tiếp quản Nhà Trắng, Mỹ tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, liên tục điều tàu chiến đến Biển Đông thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, thể hiện cam kết với các quốc gia trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào hòa bình và an ninh ở Biển Đông”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nêu rõ.

Song Hy

Tin mới