Tiến sĩ Văn học Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM cho rằng, những thể loại phim hài Tết "khiêu dâm" thể hiện tư tưởng bệnh hoạn, vô văn hóa của nhà sản xuất, cũng góp phần trực tiếp vào sự xuống cấp đạo đức xã hội.
- Bà nghĩ sao trước nhiều ý kiến cho rằng chưa bao giờ khán giả lại cảm thấy bội thực với ồ ạt những phim hài Tết thô tục, vô văn hoá được phát trên Youtube như hiện nay, thậm chí nhiều người cho rằng hài Tết Việt không khác gì phim khiêu dâm?
Dịp Tết Nguyên Đán là thời gian để tất cả mọi người nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí, điều này dẫn đến việc các nhà làm phim sẽ sản xuất năng suất hơn bình thường nhằm thoả mãn nhu cầu khán giả, cũng như tốt cho việc kinh doanh.
Vì thế sẽ xuất hiện không ít những nhà làm phim dạng “mì ăn liền” với những nội dung nhảm nhí, rẻ tiền, đáng nổi giận hơn là đánh vào yếu tố 18+.
Ngày Lễ Tết, người Việt chúng ta thường có những phong tục tập quán kiêng kỵ, ví dụ như kiêng quét nhà, nặng lời với nhau, đánh nhau, thành ra phim ảnh cũng sẽ hạn chế những điều trên, và để làm hài, thường sẽ nhằm vào tâm lý tình cảm của các cặp đôi.
Tôi thấy đáng buồn khi trên Youtube hiện nay những tên tuổi lớn vẫn chấp nhận đóng những loại phim còn thua cả “mì ăn liền”, nội dung không những nhảm, nhạt toẹt mà còn thô tục.
Từ bao giờ quan niệm làm phim phục vụ cho khán giả lại trở nên xuống cấp như vậy, các cô gái trong phim về bản làng ăn mặc không khác gì “gái ngành”, những câu thoại tưởng chừng ngô nghê của các diễn viên (có lẽ nhà sản xuất nghĩ phù hợp với người dân bản làng ngay thẳng, chất phác) lại không khác gì thoại trong phim khiêu dâm.
Vì con tôi thường bật Youtube lên xem để giải trí, nên tôi có biết đến những bộ phim này, ban đầu tôi còn hiểu nhầm cháu đang xem một bộ phim cấp 3, cho đến khi thấy những nghệ sĩ lớn trong hình ảnh đó, tôi bắt con dừng lại ngay lập tức. Xem những bộ phim như thế chẳng giải trí được gì, chỉ làm đầu óc thêm ngu muội.
- Các nhà làm phim đang cạn kiệt ý tưởng, hay hời hợt dễ dãi bằng cách đơn giản nhất để mua tiếng cười rẻ tiền là tục và hở, cứ càng tục tĩu, càng nhiều cảnh khoe da thịt càng tốt?
Như tôi đã chia sẻ, với tâm lý ngày Tết phải mang đến niềm vui, lan toả hạnh phúc, các nhà làm phim nhắm vào yếu tố tình cảm. Và những sản phẩm thô tục như thế này nói lên một tư tưởng bệnh hoạn, coi thường khán giả.
Tôi không tin những người lâu năm trong ngành nghệ thuật lại có thể lấy lý do cạn kiệt ý tưởng, chỉ có thể là coi thường khán giả chúng tôi, nghĩ ai cũng có tư tưởng bệnh hoạn như mình nên cho ra đời các sản phẩm như vậy để câu sự chú ý, câu lượt xem, thậm chí “câu những lời chửi bới”.
Nghệ thuật là những điều rất thiêng liêng, một người làm trong ngành nghệ thuật luôn được xem là người có sức sáng tạo cao hơn những người khác. Một người dân bình thường như tôi còn không cảm được chút nghệ thuật gì hay phải cười như thế nào trước những cảnh tục tĩu như thế thì không nên gọi đó là “cạn kiệt ý tưởng”.
Có bao giờ họ tự hỏi bản thân, vì sao hiện nay trên mạng có rất nhiều hiện tượng, ví dụ như cô bé bán kem trộn đang hot vì vừa livestream vừa đọc thơ đọc vè, tôi xem cô gái này còn thấy có tính giải trí hơn cái mà họ đang gọi là “phim hài”.
- Làm sao để chính khán giả văn minh tẩy chay những bộ phim được làm ra quá dung tục và nhảm nhí như hài Tết trên Youtube hiện nay?
Nói thật, tôi không nghĩ sẽ có người đồng tình nổi với những bộ phim như vậy, tôi nghĩ dạng phim như thế này chỉ nhắm vào mục đích muốn người ta chửi càng nhiều càng tốt, để câu view rẻ tiền.
Phim nào thì khán giả ấy, những người xem thể loại phim này có lẽ cũng không thể nghĩ gì khác ngoài chuyện tục tĩu để làm niềm vui, trong câu chuyện thường ngày với nhau cũng tục tĩu như vậy.
Còn khán giả là người có tri thức và nhận định, họ tò mò lúc đầu, họ vào mắng chửi vì quá giận dữ, nhưng sau đó sẽ bỏ qua những sản phẩm tương tự như thế.
- Điều đáng buồn là những bộ phim hài Tết này đều có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn, nhưng họ lại vô trách nhiệm với sản phẩm mình góp mặt, có phải chính những người làm nghề đang coi thường khán giả?
Những sản phẩm thô tục như thế này nói lên một tư tưởng bệnh hoạn, coi thường khán giả.
TS Thu Hà
Tôi đang nghĩ đến số tiền cát-xê họ nhận được khi tham gia những bộ phim này, liệu có đủ để họ sống cả đời không cần đóng phim nghệ thuật thực thụ nữa hay không?
Ở những nước có nền công nghiệp giải trí phát triển, dù tên tuổi lớn đến đâu chỉ cần từng đóng phim cấp 3, lộ ảnh nóng… sự nghiệp họ xem như tiêu tan. Không lẽ một người ngoài ngành như tôi còn hiểu được vấn đề này mà những nghệ sĩ của chúng ta lại không hiểu?
Vì đồng tiền đã làm họ coi thường khán giả, có thể thấy rất nhiều bình luận chửi bới những bộ phim này, nếu nói mục đích làm phim Tết cho tất cả mọi người chan hoà yêu thương nhau thì nên mạnh tay xoá bỏ những bộ phim dơ bẩn này vì nó chỉ khiến người ta thêm tức tối, giận dữ, không nói lời hay ý đẹp nào nổi nữa.
Và những người được gọi là nghệ sĩ kia, khi nhận những vai diễn như vậy, họ nên tự thấy hổ thẹn với danh xưng của mình, bản thân họ làm ô uế cái tên gọi ấy, làm hỏng hình ảnh đẹp đẽ của nghệ thuật, điện ảnh, khiến cho nhiều người nhìn vào những nghệ sĩ hài đang làm nghề chân chính bằng ánh mắt xem thường.
- Có khán giả còn gay gắt cho rằng, chưa chắc các ông/bà đạo diễn làm ra những phim ấy đã dám cho con cháu mình xem, vì họ ý thức hơn ai hết đó là những thứ nhảm nhí nhất, ăn xổi nhất, câu khách rẻ tiền nhất?
Tôi đồng ý với ý kiến này và không thấy có gì là gay gắt cả, tôi chỉ thắc mắc vì sao các ban ngành có chức trách kiểm duyệt, lại có thể để “xổng” một sản phẩm như thế đến với công chúng. Cái câu khách ở đây không phải tiếng cười, mà là tiếng chửi bới, thật đáng xấu hổ.
- Những cảnh phim, lời thoại tục tĩu, gợi dục khiến người xem, trong đó đặc biệt người trẻ, lệch lạc không nhỏ về tư duy, lối sống, rõ ràng nó đã góp phần đẩy đạo đức xã hội đi xuống?
Tết là những lúc chúng ta quay quần xem các chương trình giải trí, thậm chí có những gia đình quá bận rộn tụ tập trò chuyện quên mất những đứa trẻ, để mặc chúng xem Youtube, và chương trình này sẽ nối tiếp chương trình khác mà không để ý.
Trẻ con, những đứa trẻ đang tuổi trưởng thành thường có tâm lý không ổn định, dễ bị ảnh hưởng từ phim ảnh. Ngay cả bản thân mỗi người lớn chúng ta cũng từng như chúng, ai cũng từng vào vai 1 nàng công chúa, một đức vua, một hoàng tử hay là chú mèo máy Doraemon… đó là vì chúng ta thích mơ mộng và nhập vai vào những gì chúng ta xem.
Hay như một số chàng trai, cũng từng mơ lớn lên giỏi võ như Lý Tiểu Long, Hoàng Phi Hồng…rồi rủ nhau đánh trận giả, có thể nói, những bộ phim như thế này sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư duy của người trẻ. Họ sẽ học được gì từ những bộ phim này, sẽ mơ mộng điều gì?
Khi hình ảnh trang phục trong phim vừa thiếu vải vừa vô lý, lời thoại vô văn hoá, tục tĩu, thậm chí có thể gây hiểu nhầm lệch lạc oan uổng cho những người dân tộc, họ thật thà, chất phác chứ không thô tục, đáng kinh tởm như những gì phim dựng nên
Tôi gọi đó là những thứ rác rưởi, vô văn hoá, góp phần trực tiếp vào xuống cấp đạo đức xã hội.
Tôi tha thiết mong rằng các ban ngành liên quan hãy mạnh tay giải quyết những vấn đề này, vì sao không kiểm duyệt rà soát kỹ truớc khi phát hành mà để người dân phải lên tiếng mới bắt đầu thực hiện. Có lẽ chính vì những sự lỏng lẻo này một phần tạo nên tâm lý xem thường, càng dễ dàng cho ra những hạt sạn làm hoen ố hình ảnh rất đẹp của phim ảnh, người nghệ sĩ.
- Xin cám ơn bà về những chia sẻ trên!