Apple vừa cập nhật danh sách sản phẩm đồ cổ (vintage) vào ngày 14/2, bổ sung iPhone 6 Plus và iPad thế hệ 4. Các sản phẩm được xem là đồ cổ khi thời gian ngừng phân phối từ 5 năm đến 7 năm. Ngoài ra, còn có danh sách sản phẩm lỗi thời (obsolete), dành cho các thiết bị ngừng phân phối trên 7 năm.
iPhone 6 Plus ra đời tháng 9/2014 cùng với iPhone 6 và ngừng sản xuất vào tháng 9/2016 sau khi iPhone 7 và 7 Plus xuất hiện. Tuy nhiên, iPhone 6 lại không phải “đồ cổ” do nó được bán trong thời gian dài hơn so với iPhone 6 Plus. Cụ thể, Apple phát hành lại iPhone 6 vào năm 2017 với tư cách iPhone tầm trung và vẫn được bán cho đến tháng 9/2018. Vì vậy, mất khoảng 2 năm nữa, iPhone 6 mới chung số phận với iPhone 6 Plus.
iPhone 6 Plus.
Bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus gây chú ý khi là iPhone đầu tiên hỗ trợ tính năng thanh toán Apple Pay. Đó cũng là năm đầu tiên Apple cung cấp hai phiên bản kích cỡ cho iPhone. Apple áp dụng chiến lược này từ đó tới nay.
Trong khi đó, iPad thế hệ 4 được giới thiệu tháng 11/2012, là iPad đầu tiên dùng cổng kết nối Lightning. Ngoài ra, nó còn nhanh hơn gấp đôi và đồ họa tốt hơn gấp ba so với phiên bản tiền nhiệm. Theo MacRumors, nội bộ Apple đánh dấu iPad thế hệ 4 là “đồ cổ” từ tháng 11/2021 nhưng đến nay mới chính thức công bố.
Ngoài ra, Apple còn đưa các model Mac mini giữa năm 2010 và cuối năm 2012 vào danh sách lỗi thời.
Theo chính sách của Apple, các sản phẩm đồ cổ vẫn có thể được sửa chữa và thay thế linh kiện tại các nhà cung cấp dịch vụ Apple, bao gồm cửa hàng bán lẻ Apple Store và đối tác độc lập, trong thời hạn tối thiểu 5 năm kể từ lần cuối lên kệ. Thời hạn cũng có thể kéo dài lâu hơn (tối đa 7 năm) theo quy định của pháp luật, đặc biệt hạn sửa pin trên máy Mac lên tới 10 năm. Với các sản phẩm lỗi thời, Apple không cung cấp dịch vụ sửa chữa phần cứng. Người dùng chỉ còn cách tìm đến các cửa hàng sửa chữa được Apple chứng nhận nếu có điều gì không may xảy ra. Tuy nhiên, các cửa hàng này cũng không thể đặt linh kiện dành cho các sản phẩm lỗi thời.