Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, đến năm 2025 thực hiện việc điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện để mở rộng quận Hồng Bàng và thành lập quận An Dương, thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên (bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên).
Đến năm 2025, Hải Phòng thành lập thành phố thuộc thành phố tại huyện Thuỷ Nguyên. (Ảnh: TP Hải Phòng)
Theo quyết định, đến năm 2030, hệ thống đô thị của Hải Phòng gồm: Khu vực nội thị gồm 9 quận, trong đó có 7 quận hiện nay là Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An, Kiến An, Đồ Sơn, Dương Kinh và 2 quận thành lập mới là An Dương, Kiến Thụy; 1 đô thị loại III là TP Thuỷ Nguyên bao gồm toàn bộ đảo Vũ Yên; 4 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V.
Xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Thủy Nguyên và phát triển rộng ra các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Sau năm 2030, phát triển các huyện An Lão, Vĩnh Bảo và Tiên Lãng trở thành thị xã, huyện Cát Hải trở thành quận biển đảo.
Cũng theo quyết định, về kinh tế, tỷ trọng đóng góp GRDP của TP Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm.
Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7% (công nghiệp chiếm 46,8%); ngành dịch vụ chiếm 43,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%;
GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD.
Về phương hướng phát triển, Hải Phòng ưu tiên phát triển các ngành chủ lực có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của thành phố, gồm: Sản phẩm điện tử và công nghệ thông tin; dịch vụ cảng biển và logistics; thương mại.
Phấn đấu 3 nhóm ngành này chiếm tỷ trọng khoảng 55 - 60% giá trị tăng thêm trên địa bàn thành phố vào năm 2030.
Hải Phòng sẽ khuyến khích nhóm ngành kinh tế có nhiều triển vọng phát triển như: kinh tế số, kinh doanh bất động sản; dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ du lịch, văn hóa, nghệ thuật; dịch vụ y tế; dịch vụ giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao; điện gió ngoài khơi; xây dựng...
Thành phố tiếp tục duy trì hợp lý, hiệu quả và bền vững các nhóm ngành khai thác thế mạnh đặc trưng truyền thống của thành phố như sản xuất trang phục, sản xuất thiết bị điện; sản xuất máy móc, thiết bị; cơ khí tiêu dùng và cơ khí giao thông; chế biến nhựa, cao su; đóng mới và sửa chữa tàu biển...
Hải Phòng phát triển nhanh các ngành dịch vụ với chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch và thương mại.
Quyết định cũng nêu rõ, phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Đầu tư phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối hiện đại, thông minh, bền vững; đẩy mạnh thương mại điện tử; hình thành các sàn giao dịch hàng hóa và các cụm, khu vực hội chợ triển lãm.
Xây dựng mới các trung tâm thương mại, tài chính tầm cỡ quốc gia, quốc tế; các khu trung tâm dịch vụ thương mại gắn với dịch vụ cảng hàng không (Cát Bi, Tiên Lãng), đô thị mới Bắc sông Cấm (Thủy Nguyên), An Dương…
Hình thành các tuyến phố thương mại, dịch vụ, ẩm thực...ở khu vực nội thành lịch sử. Xây dựng các chợ đầu mối ở Đồ Sơn, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão…
TP Thủy Nguyên có diện tích hơn 26.000ha, định hướng là đô thị loại III vào năm 2025, hướng tới đô thị loại II vào năm 2035, đạt tiêu chí phát triển xanh - thông minh, gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố. Đến năm 2035, thành phố có khoảng 600.000 người và đến 2045 khoảng 725.000 người.