Từ khi nhận biết những thăng trầm cuộc sống xung quanh, ông Đặng Tuấn – Chủ tịch UBND phường Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của vùng đất nơi mình sinh ra và lớn lên.
“Nơi ấy là vùng quê ven biển thuộc quận Hải An”, đứng trên đường dẫn lên cầu Tân Vũ – Lạch Huyện, ông Tuấn khẽ nói rồi hướng mắt nhìn những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, xa xa ẩn hiện cùng tầng tầng lớp lớp nhà máy, xí nghiệp triệu đô đang hoạt động hết công suất.
Nơi ông Đặng Tuấn - Chủ tịch UBND phường Tràng Cát (Hải An, Hải Phòng) chỉ tay trước đây là vùng bài bồi ven biển, nay là Khu Công nghiệp DEEP C hiện đại, với hàng loạt nhà máy triệu đô.
Từ một vùng bãi bồi hoang sơ nơi cửa biển
Trước đây, vùng ven biển quận Hải An nói riêng, vùng đất ven biển TP Hải Phòng nói chung mênh mông là sông nước hoang sơ, cây lau, sậy, sú, vẹt mọc khắp nơi. Người dân chủ yếu sống bằng nghề sông nước, hàng ngày khai thác, đánh bắt hải sản tự nhiên, mức thu nhập chưa cao.
Những năm gần đây, bức tranh hoang sơ ấy đã được điểm tô bằng nhiều công trình, dự án “lấp đầy” vùng sông nước mênh mông. Có thể kể tới là dải đất nối liền xuyên đảo Đình Vũ, một cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á nối với đảo Cát Bà.
Không những thế, hàng loạt chính sách, chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và TP Hải Phòng đã đưa nơi đây phát triển thành khu công nghiệp hiện đại với sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, các bến cảng hoạt động tấp nập ngày đêm, đem lại nguồn doanh thu lớn cho ngân sách thành phố trong các năm qua, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nổi bật trong số đó là hoạt động logistic tại các bến cảng, Khu vực Đình Vũ.
“Sự thay đổi ấy là quá lớn. Nhiều người con xa quê khi trở về đều không hình dung được sự đổi thay kỳ diệu đó. Tôi mong, thành phố tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế để ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, đẩy mạnh hơn sự phát triển của các vùng đất ven biển, trong đó có vùng đất ven biển của quận Hải An, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư”, ông Tuấn cười bảo.
Một góc Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng), nhiều dự án lớn đã được thu hút trong năm 2021.
Đến những khu công nghiệp triệu đô
Để mục sở thị sự thay da đổi thịt thần kỳ ấy, chúng tôi tìm tới Khu công nghiệp (KCN) Nam Đình Vũ (Nam Đình Vũ IP) nằm ở vị trí trung tâm Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải. Với tổng diện tích 1.329ha, đây là Khu kinh tế tổng hợp – Trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của TP Hải Phòng, vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước.
“Với sự đồng hành của TP Hải Phòng, tầm nhìn cũng như sự quyết tâm cao của doanh nghiệp, Khu công nghiệp Nam Đình Vũ hiện đã hoàn thiện giai đoạn 1 diện tích 370ha, tỷ lệ lấp 90%; giai đoạn 2 có diện tích 960ha đang thu hút đầu tư.
Khu công nghiệp đã hình thành nên chuỗi dịch vụ tương đối hoàn chỉnh với các dịch vụ cung ứng cảng biển, logistic, hậu cần và sản xuất, xử lý chất thải... giúp tiết giảm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển… tạo điều kiện cho nhà đầu tư được kết nối, hỗ trợ tối đa và tìm thấy cơ hội kinh doanh mới”, Ông Nguyễn Thành Phương – Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ – chủ đầu tư cho hay.
Minh chứng cho tầm nhìn chiến lược ấy chính là bước tiến dài trên con đường phát triển, hình thành nên một khu công nghiệp Nam Đình Vũ lấn biển có vị trí đắc địa như hiện nay, trở thành điểm sáng đầu tư của TP Hải Phòng.
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ thành lập năm 2009, được quy hoạch 4 phân khu chức năng bổ trợ lẫn nhau bao gồm: khu công nghiệp, khu cảng biển và hậu cần cảng, khu phi thuế quan, khu cảng dầu khí và hàng lỏng; cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ - hiện đại; cảng biển Nam Đình Vũ ngay trong nội khu công nghiệp.
Khác với các KCN trong TP Hải Phòng, 100% diện tích của KCN Nam Đình Vũ là khu vực ngập nước, phần lớn bãi bồi hoang hóa, ngập mặn. Năm 2009, Tập đoàn Sao Đỏ đầu tư xây dựng khu phi thuế quan, cảng biển và công nghiệp Nam Đình Vũ. Đây là dự án lấn biển với nhiều rủi ro và không hấp dẫn các doanh nghiệp tư nhân lúc đó.
Tuy nhiên, tư duy lãnh đạo công ty thời điểm này luôn nhất quán, Hải Phòng là thành phố cảng biển - công nghiệp nên phải tiến ra biển, từ đó xây dựng được khu cảng biển, khu công nghiệp thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với chi phí đáp ứng giá thành sản xuất và chi phí cho các nhà đầu tư rẻ nhất. Đồng thời, việc xây dựng và phát triển khu công nghiệp lấn biển sẽ không ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đến cuộc sống của người dân, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục vạn lao động.
Để có mặt bằng sạch, Tập đoàn Sao Đỏ dự toán đầu tư hơn 9.000 nghìn tỷ đồng để triển khai dự án trong điều kiện, cơ sở hạ tầng của TP Hải Phòng chưa được hoàn thiện: chưa có cầu Đình Vũ - Cát Hải xuyên biển, chưa có đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Sân bay Cát Bi chưa được nâng cấp...
Minh chứng cho tầm nhìn chiến lược ấy chính là bước tiến dài trên con đường phát triển, hình thành nên một khu công nghiệp Nam Đình Vũ lấn biển có vị trí đắc địa như hiện nay, trở thành điểm sáng đầu tư của TP Hải Phòng.
“Tổng số dự án đã thu hút: 35 dự án, Tổng vốn đầu tư thu hút 770 triệu USD. Riêng năm 2021 thu hút được một số dự án tiêu biểu như: SLP Park Hải Phòng - Dự án cho thuê nhà xưởng, kho bãi, dịch vụ logistics với tổng mức đầu tư của 2 dự án là 30 triệu USD; BW Industrial – Nhà xưởng xây sẵn; Tập đoàn An Phát Holdings – Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng… ”, lãnh đạo Tập đoàn Sao Đỏ nhấn mạnh.
Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng) cũng là một dự án lấn biển, biến vùng đầm lầy hoang vắng trở thành một tổ hợp các KCN DEEP C phát triển năng động như ngày nay.
Không chỉ Nam Đình Vũ, KCN DEEP C (Hải An, Hải Phòng) cũng là một dự án lấn biển, biến vùng đầm lầy hoang vắng trở thành một tổ hợp các KCN phát triển năng động như ngày nay.
DEEP C được thành lập năm 1997, là đơn vị tiên phong đi đầu trong đầu tư xây dựng các KCN lấn biển với dự án phát triển KCN nghiệp Đình Vũ (nay được gọi là KCN DEEP C Hải Phòng I). Đây là dự án hợp tác liên doanh giữa cổ đông là UBND TP Hải Phòng và các cổ đông Bỉ.
Bước đi táo bạo của DEEP C vào thời điểm đó đã mở đường cho sự phát triển của mô hình KCN lấn biển sau này. Hiện nay tổ hợp KCN DEEP C tại Hải Phòng đã mở rộng ra thành 3 KCN: DEEP C Hải Phòng I, II, III với tổng diện tích hơn 1.700 ha. Trong đó, KCN DEEP C Hải Phòng I có tỉ lệ lấp đầy 95%.
Đến nay, DEEP C thu hút được hơn 140 dự án đầu tư thứ cấp trong các ngành công nghiệp và dịch vụ logistics với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 4 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động địa phương.
Khu công nghiệp DEEP C nằm tại vị trí chiến lược để phát triển sản xuất công nghiệp: gần cảng nước sâu Lạch Huyện, cửa ngõ giao thương của Hải Phòng, kết nối với mạng lưới đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái giúp đẩy mạnh kết nối vùng và tam giác kinh tế Hà Nôi, Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng thời giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa đến biên giới Trung Quốc. Điều này đặc biệt hấp dẫn với những nhà đầu tư mong muốn mở rộng sản xuất ở Hải Phòng, đồng thời duy trì cơ sở sản xuất tại Trung Quốc.
Một góc Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng.
Trải qua quá trình phát triển tại Hải Phòng, DEEP C có những đóng góp quan trọng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thành phố. Đặc biệt, nhờ sự chuyển dịch trọng tâm sang các dự án công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao như sản xuất thiết bị linh kiện điện tử và sản xuất ô tô, DEEP C thu hút được những nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực này như Pegatron và Pyeong Hwa Automotive, nhờ đó kéo theo các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng của các ông lớn này đến Hải Phòng.
“Mục tiêu của khu công nghiệp DEEP C không chỉ dừng lại ở thu hút đầu tư, mà còn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ những giá trị phát triển bền vững chung thông qua kế hoạch xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái.
Trong giai đoạn tới, DEEP C sẽ tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp, và các giải pháp tái chế như xây dựng đường từ nhựa tái chế… nhằm đem lại lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội cho cả DEEP C và cộng đồng”, ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của DEEP C chia sẻ.
Thông tin với PV VTC News, đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, tính đến hết năm 2021, Hải Phòng có 1.626,6 ha bãi bồi ven biển để lấn biển, bao gồm khu vực quận Hải An và huyện đảo Cát Hải. Trong đó đã lấn biển được 1.383,7 ha, còn lại 938 ha sẽ tiếp tục lấn biển trong những năm tới.
Tính đến hết năm 2021, các khu công nghiệp Nam Đình Vũ 1, Khu công nghiệp Deep C 2A, 2B, Nhà máy tổ hợp Vinfast, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, Khu Công nghiệp Xuân Cầu đã thu hút được 49 Dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đầu tư lên đến 25.414,9 triệu USD.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chính sách lấp biển, xây dựng các khu công nghiệp nêu trên của TP Hải Phòng là chính sách tốt, đem lại hiêu quả. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, chính sách này tạo ra bộ mặt mới cho vùng bãi bồi của thành phố Cảng.
"Rõ ràng, đây cũng là một trong những điều kiện để TP Hải Phòng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI trong năm 2021", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Cụ thể, năm 2021, TP Hải Phòng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,13 tỷ USD, tăng 91,44% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.