Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hai nhà khoa học tuổi Tý nhiều lần được thế giới vinh danh

Trần Xuân Bách và Vòng Bính Long là hai nhà khoa học tuổi Tý, sinh năm 1984, sở hữu hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học được công bố và vinh danh trên thế giới.

PGS.TS Trần Xuân Bách

Năm 2019, Tạp chí PLoS Biology (Mỹ) công bố danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất. Trong danh sách này có nhiều nhà khoa học Việt Nam, đặc biệt có PGS.TS Trần Xuân Bách (giảng viên Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội).

Cái tên Trần Xuân Bách (1984) từng được biết đến là Phó giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam khi được bổ nhiệm vào năm 2016. Nhà khoa học này sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vốn là học sinh chuyên Toán Tin trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên.

PGS.TS Trần Xuân Bách (giảng viên Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội).

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Y tế công cộng năm 2006, Trần Xuân Bách trở thành giảng viên của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội (từ 2006 đến nay).

Từ năm 2009-2012, Trần Xuân Bách hoàn thành bằng tiến sĩ tại Canada và sau tiến sĩ ở Mỹ. Anh là một trong những người Việt hiếm hoi tốt nghiệp và lấy bằng tiến sĩ với điểm trung bình tuyệt đối (4.0/4.0) tại Đại học Alberta, Canada.

Không những thế, nhà khoa học trẻ người Việt còn đạt Giải thưởng INSIGHT dành cho Nghiên cứu tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng, Đại học Alberta, Canada năm 2010 . Anh còn nhận giải thưởng của Alberta Innovates Health Solutions, Canada năm 2012 với học bổng để thực hiện các nghiên cứu y tế.

Tiếp đó, Trần Xuân Bách hoàn thành bậc sau tiến sĩ tại trường Y khoa danh tiếng hàng đầu Hoa Kỳ - Đại học Johns Hopkins. Đầu năm 2015, anh tiếp tục được bổ nhiệm chức danh Assistant Professor (Phó giáo sư dự khuyết) kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Mỹ.

Đến nay, anh được bổ nhiệm làm Giáo sư trợ giảng tại đây (Trần Xuân Bách cũng đang là một trong những giáo sư trẻ tuổi nhất của Trường Đại học Johns Hopkins).

Là một giảng viên, mong mỏi lớn nhất của Trần Xuân Bách là hướng dẫn và giúp đỡ thế hệ trẻ theo đuổi ước mơ nghiên cứu và khám phá Y học. Anh hướng dẫn nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công tại Đại học Y Hà Nội, Đại học Texas tại Houston, Hoa Kỳ...

Cùng với nghiên cứu, giảng dạy, nhà khoa học tuổi Tý này còn tham gia rất tích cực trong các hoạt động của mạng lưới khoa học quốc tế, để có cơ hội trao đổi những kết quả nghiên cứu và tiến bộ y học khắp thế giới.

TS Vòng Bính Long

TS Vòng Bính Long (sinh năm 1984), giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) được bầu chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018 ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học - sáng tạo.

Anh cũng là gương mặt tiêu biểu có nhiều thành quả nghiên cứu ở lĩnh vực về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, bệnh ung thư.

TS Long cho biết ông bị cuốn hút khi có cơ hội tiếp cận lĩnh vực công nghệ Nano dùng trong Y học. Thế nên từ những năm tháng ở Nhật Bản cho đến nay, ông lao vào nghiên cứu về vật liệu nano - polymer có hoạt tính sinh học để điều trị các bệnh viêm nhiễm, và cả bệnh ung thư.

TS Vòng Bính Long, giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM).

Trong đó phải kể đến hai hướng nghiên cứu chính của anh được công bố trên những tạp chí uy tín là “Phát triển liệu pháp thuốc nano dùng để trị bệnh viêm và ung thư đại tràng” đăng trên tạp chí Gastroenterology năm 2012 và Biomaterials năm 2015; “Gel có khả năng làm tăng sinh mạch máu tại những vùng mô bị thiếu máu trong điều trị bệnh tim mạch” được công bố năm 2018 trên tạp chí Biomaterials…

Những nghiên cứu của TS Long được ứng dụng vào thực tế, góp phần giảm viêm hiệu quả với các bệnh đường tiêu hóa như viêm đại tràng, viêm gan, và là hệ hydrogel có khả năng phóng thích khí nitric oxide dùng trong điều trị bệnh tim mạch.

Những năm qua, TS Vòng Bính Long tham gia trên 50 hội nghị trong nước và quốc tế với vai trò là tác giả báo cáo chính và có hơn 15 báo cáo được nhận giải thưởng xuất sắc nhất tại các hội nghị.

Năm 2015, TS Long giành giải thưởng Nhà nghiên cứu trẻ tại Hội nghị Vật liệu Sinh học châu Á; giải thưởng Taylor & Francis dành cho nhà khoa học trẻ tại Hội nghị châu Á về nghiên cứu các Gốc tự do tại Thái Lan. Năm 2017, ông được trao giải thưởng tại Hội nghị vật liệu sinh học Nhật Bản.

Đặc biệt, mới đây nhất, ông được Trung ương Đoàn, Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh là Gương mặt nổi bật của giải thưởng “Quả cầu vàng”, được trao cho 10 nhà nghiên cứu khoa học trẻ.

Dù nghiên cứu là công việc gặp nhiều khó, nhưng nhà khoa học tuổi Tý này cho biết chưa từng có ý định đi theo một công việc khác.

Minh Khôi (tổng hợp)

Tin mới