BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, thông thường mũi 2 tiêm vaccine gì thì mũi 3 sẽ tiêm vaccine đó.
Trong khi đó, theo BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nếu trước đó một người tiêm tiêm trộn 2 loại vaccine COVID-19 mà vẫn đảm bảo an toàn thì họ hoàn toàn có thể tiêm các mũi vaccine bổ sung khác mà không phải lo lắng.
"Ví như một người tiêm mũi 1 Moderna, mũi 2 là Pfizer thì người đó có thể tiêm mũi 3 bất kỳ loại nào trong hai loại này. Thậm chí, chúng ta có thể tiêm mũi 3 bằng vaccine khác thay mà vẫn đảm bảo an toàn. Bởi hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh việc tiêm bổ sung mũi 3 bằng vaccine khác sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ", BS Khanh nhấn mạnh.
BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam.
Khoảng cách tiêm mũi 2 và 3 là bao lâu?
Theo BS Nguyễn Hồng Hà, các nhà sản xuất trên thế giới khuyến cáo, khoảng cách giữa mũi 2 và 3 thường là 6 tháng. Tuy nhiên, thế giới hiện chưa nhiều nước triển khai tiêm mũi 3 cho người dân mà tập trung bao phủ hết 2 mũi. Việt Nam cũng vậy, Bộ Y tế ưu tiên những nơi có dịch, nơi hoàn thành tiêm mũi 1 thì sẽ được tiêm mũi 2 với mục tiêu bao phủ vaccine nhanh nhất, rộng nhất.
"Vừa qua Bộ Y tế đề nghị các địa phương dựa trên tình hình thực tiễn để lập kế hoạch tiêm bổ sung mũi 3, 4. Đây chỉ là việc lập kế hoạch sắp tới vì còn phụ thuộc vào số lượng vaccine về Việt Nam là bao nhiêu nữa. Nếu triển khai tiêm bổ sung mũi 3 thì sẽ ưu tiên những người tiền sử bệnh nền nặng như: ung thư, người ghép tạng, suy giảm miễn dịch”, BS Hà chia sẻ.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giám sát công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Thái Bình.
BS Trương Hữu Khanh cũng cho hay, hiện các nhà sản xuất vaccine trên thế giới đều khuyến cáo khoảng cách giữa mũi 2 và 3 là 3 - 6 tháng tuỳ loại.
Về nguy cơ tiêm mũi 3 sẽ có phản ứng như mũi 1 và 2, các chuyên gia đều nhận định đó là những phản ứng bình thường có thể xảy ra khi tiêm chủng. Khi tiêm vaccine COVID-19 mũi 3, mỗi người có thể gặp những phản ứng này. Vì vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo người dân nên tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về theo dõi trước và sau tiêm chủng để đảm bảo sức khoẻ.
Hiện nước ta đã tiêm được hơn 80 triệu liều vaccine COVID-19 cho người dân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 31/10, Bộ đã phân bổ khoảng 109 triệu liều vaccine COVID-19. Tính tới chiều 2/11, Việt Nam tiêm được tổng số 83.131.464 liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 58.013.895 liều, tiêm mũi 2 là 25.117.569 liều.
Hiện 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95%; 9 tỉnh, thành phố tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%.
Riêng 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam tiêm được 38,2 triệu liều vaccine (chiếm 46,6% cả nước); tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 91% và tỷ lệ đủ 2 liều vaccine là 46% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Đến nay, một số tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em.