Ngày 30/1, bác sĩ Tôn Minh Trí, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận và xử trí kịp thời cho người bệnh sốc phản vệ độ 3 do ăn tôm.
Bệnh nhân là ông K.A.T (59 tuổi, Việt kiều Úc) bị nổi mề đay, miệng sưng vù sau khi ăn món tôm hấp khoảng 10 phút.
Khai thác bệnh sử ghi nhận ông T có cơ địa dị ứng hải sản, cùng kết quả đo huyết áp 91/55 mmHg (bình thường 140/80mmHg).
Bác sĩ Tôn Minh Trí nhận định, bệnh nhân sốc phản vệ độ 3 với tôm. Người bệnh được tiêm adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 10 phút, người bệnh giảm sưng miệng, hết ngứa, được chuyển đến khoa Hồi sức cấp cứu (ICU) để tiếp tục theo dõi sát.
Người bệnh được truyền adrenaline chống sốc theo phác đồ của Bộ Y tế. (Ảnh: Nguyễn Trăm)
Sau 24 giờ theo dõi, bệnh nhân không còn bị sốc phản vệ, da không còn nổi ban, ăn uống bình thường. Trước giờ xuất viện, ông T cho biết, cách đây hơn 1 tuần, ông cũng bị ngứa, nổi mẩn đỏ khi ăn tôm nướng. Ông T được mọi người đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu với chẩn đoán sốc phản vệ nhẹ.
Bác sĩ Trí cho biết, người có cơ địa dị ứng với hải sản (tôm, cua, mực…) cần thận trọng khi ăn những thực phẩm này để tránh nguy cơ xảy ra sốc phản vệ nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, khi ăn hải sản uống kèm rượu bia, mức độ dị ứng sẽ nặng hơn.
Sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ:
Nhiều trường hợp sốc phản vệ lúc đầu thể hiện qua da (da đỏ ửng) nhưng người bệnh lầm tưởng do uống bia. Đến khi diễn tiến hạ huyết áp, trụy mạch rất dễ tử vong do không được cấp cứu kịp.
Các mức độ của sốc phản vệ diễn ra nhanh chóng. Khi phát hiện sốc phản vệ (ngứa, da đỏ ửng, nổi mề đay…), người bệnh ngừng ngay việc tiếp xúc với tác nhân (thức ăn, thuốc…) và đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ Trí khuyên người có cơ địa dị ứng không chọn các món dễ gây dị ứng; chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chế biến kỹ lưỡng để tránh ngộ độc. Đồng thời, không ăn bất cứ loại thức ăn nào từng gây sốc phản vệ.