Bóng đá TP.HCM đang trải qua giai đoạn khó khăn, khi cả hai đại diện là CLB TP.HCM và Sài Gòn thi đấu bết bát tại V-League 2022, thay nhau đứng ở hai vị trí cuối bảng.
Từng có thời làm mưa làm gió ở giải quốc gia, đóng góp nhiều tài năng cho đội tuyển, song hào quang của bóng đá TP.HCM chỉ còn là dĩ vãng, nép sau thực tế đáng buồn khi hai đội bóng TP.HCM chơi thiếu lửa, còn khán giả cũng chẳng buồn đoái hoài.
"TP.HCM từng là cái nôi của bóng đá Việt Nam, nơi sản sinh nhiều đội lớn và nhiều cầu thủ lớn", cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng chia sẻ với VTC News.
Quãng thời gian trung vệ sinh năm 1982 thi đấu cho Cảng Sài Gòn, từ giai đoạn 2005-2008, cũng là giai đoạn hoàng hôn của thế lực hùng mạnh một thời. Cuối năm 2008, phiên hiệu Cảng Sài Gòn bị xóa sổ, khép lại dấu ấn cuối cùng của thời kỳ bóng đá bao cấp tại TP.HCM.
Tuy nhiên, Lưu Ngọc Hùng chưa bao giờ thôi tự hào về truyền thống của bóng đá TP.HCM. Cụm từ "cái nôi" có thể gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận, TP.HCM và phía Nam nói chung từng là chốn hội tụ nhiều đội bóng mạnh và nung nấu bầu không khí bóng đá cuồng nhiệt với những trận cầu nảy lửa của Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM, Hải quan, Sở Công nghiệp hay Công nghiệp thực phẩm.
"Những trận đấu giữa Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM, khán giả luôn kéo đến kín sân. Các cầu thủ đi đến đâu, khán giả theo đến đó. Có những khán giả ở các tỉnh xa xôi cũng kéo về xem bóng đá, bình luận bóng đá. Không khí bóng đá ngày ấy sôi động với các trận derby nảy lửa bởi các đội đích thực được người hâm mộ yêu thương", ông Hùng kể lại.
Không chỉ được yêu mến, bóng đá TP.HCM chiếm vị trí quan trọng trong làng bóng đá cả nước từ sau năm 1975 đến đầu thập niên 2000. Các đại diện bóng đá TP.HCM từng 6 lần đoạt chức vô địch quốc gia, với Cảng Sài Gòn vô địch 4 lần các năm 1986, 1993/1994, 1997 và 2001/2002. Công an TP.HCM vô địch năm 1995 và Hải quan vô địch năm 1991.
Bóng đá TP.HCM cũng ghi dấu đậm nét trong dòng chảy lịch sử của bóng đá Việt Nam, khi sản sinh ra nhiều nhân tài như Đặng Trần Chỉnh, Nguyễn Hồng Phẩm, Lư Đình Tuấn, Hà Vương Ngầu Nại… hay sau này là Lê Huỳnh Đức, Huỳnh Hồng Sơn, Võ Hoàng Bửu, Nguyễn Văn Phụng… tạo nên hơn nửa số tuyển thủ ở các đội tuyển.
Bóng đá TP.HCM có một thời oanh liệt.
Tuyển thủ TP.HCM gần nhất đặt dấu giày vào chiến công của ĐTQG là Nguyễn Minh Phương, với cú đá phạt chuẩn xác để Lê Công Vinh đánh đầu ghi bàn tung lưới Thái Lan tại chung kết AFF Cup 2008.
Minh Phương có sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng với 4 lần vô địch V-League cùng vinh dự đeo băng thủ quân tuyển Việt Nam, nhưng không nhiều người biết ở điểm đầu sự nghiệp, tiền vệ tài hoa này từng phải đá... hậu vệ vì không cạnh tranh nổi với các đàn anh.
"Năm 18 tuổi, vị trí tiền vệ giữa ở Cảng Sài Gòn toàn các cầu thủ nổi tiếng như Hồ Văn Lợi, Võ Hoàng Bửu, Trần Quan Huy. Tôi còn trẻ nên khó cáng đáng, cạnh tranh. Các thầy Tam Lang và Đặng Trần Chỉnh thấy tôi có kỹ thuật, lại trẻ khỏe nên để đá hậu vệ biên", Minh Phương kể lại.
Câu chuyện của Minh Phương cho thấy mức độ cạnh tranh khốc liệt của Cảng Sài Gòn thời hoàng kim. Các cầu thủ Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM,... lên tuyển như "trẩy hội", có thời điểm cạnh tranh vị trí ở CLB khốc liệt không kém đội tuyển, bởi bóng đá TP.HCM có quá nhiều hảo thủ trong đội hình.
Theo cựu trung vệ Lưu Ngọc Hùng, nhắc đến Cảng Sài Gòn nói riêng và bóng đá TP.HCM nói chung mà chỉ nhắc đến thành tích thì chưa đủ. Quan trọng là khí chất và sự cống hiến, đó là lý do bóng đá TP.HCM được yêu mến và vang danh suốt nhiều năm.
Video: Chung kết Cúp Quốc gia 1999-2000 giữa Cảng Sài Gòn và Công an TP.HCM (Nguồn: Kênh BTL Quang Huy)
"Nói đến bóng đá TP.HCM là phải nói đến cống hiến. Các cầu thủ thi đấu tận hiến, vô tư nên được người hâm mộ yêu thương. Họ nhìn thấy tính cách hào sảng của mình, khát vọng về cái đẹp của mình trong cách chơi của cầu thủ. Người hâm mộ thương cầu thủ, bởi họ hiểu đây chính là đội bóng của mình", ông Hùng đánh giá.
Chia sẻ với báo chí, cựu danh thủ Hà Vương Ngầu Nại cắt nghĩa cách chơi của các đội TP.HCM là đề cao cái đẹp, sự khéo léo và tận hiến. Dù bóng đá TP.HCM có nhiều đại diện, mỗi đội một cách chơi riêng, nhưng phong cách bóng đá TP.HCM là cống hiến, nhiệt tâm và lôi cuốn, mang tính trình diễn và luôn hướng tới người hâm mộ.
"Phong cách chơi của bóng đá TP.HCM là ban bật nhỏ, đá mềm mại, khéo léo tận dụng kỹ thuật, phát huy tối đa chất nghệ sĩ trên sân nên luôn tạo sự lôi cuốn, đẹp mắt với nhiều pha bóng hay, trận đấu hấp dẫn đi vào lòng người. Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là tư cách và đạo đức của cầu thủ. Chúng tôi được dạy không đá láo, đá xấu đối phương", cựu danh thủ Hà Vương Ngầu Nại chia sẻ.
Tuy nhiên, "cái chết" của phiên hiệu Cảng Sài Gòn cuối năm 2008 cùng nỗi đau mang tên Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành giai đoạn 2012-2013 đã đẩy bóng đá TP.HCM rơi vào khủng hoảng.
Cảng Sài Gòn biến mất, kéo theo sự suy tàn của những đế chế hùng mạnh một thời. V-League 2009, CLB TP.HCM (đội Cảng Sài Gòn đổi tên) đứng chót bảng và xuống hạng. V-League chính thức không còn đại diện nào của bóng đá TP.HCM.
Tuy nhiên, TP.HCM vẫn là mảnh đất đầy "cám dỗ" với những người làm bóng đá. Năm 2010, đội Quân khu 4 của HLV Vũ Quang Bảo nhận gói tài trợ, đổi tên thành Navibank Sài Gòn, rồi "chuyển khẩu" vào trong Nam.
Cuối năm 2010, ông bầu Nguyễn Đức Thụy khi ấy đang sở hữu đội Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh chơi ở giải hạng Nhì đã mua lại suất đá hạng Nhất mà đội Hòa Phát V&V của HLV Nguyễn Văn Tiến vừa giành được.
Xuân Thành Sài Gòn của những Huỳnh Kesley Alves (giữa), Antonio Carlos chỉ đá V-League trong 2 năm.
Đội bóng của bầu Thụy sau đó chuyển vào TP.HCM, chuyển tên thành Xuân Thành Sài Gòn. Nhờ tiềm lực tốt, Xuân Thành Sài Gòn vô địch hạng Nhất 2011, thăng hạng lên chơi V-League 2012. Đây cũng là mùa giải duy nhất, Navibank Sài Gòn và Xuân Thành Sài Gòn thi đấu cùng nhau ở V-League
Cuối mùa 2012, Navibank Sài Gòn bị giải thể. Đến năm 2013, đến lượt Xuân Thành Sài Gòn rời cuộc chơi.
Đến năm 2016, đội Hà Nội đổi tên thành Sài Gòn, rồi chuyển vào TP.HCM tập luyện và thi đấu. Năm 2017, CLB TP.HCM của HLV Lư Đình Tuấn lên hạng.
Hy vọng ngày bóng đá TP.HCM trở lại hoàng kim lại trỗi dậy. Năm 2019, CLB TP.HCM của HLV Chung Hae-seong về nhì tại V-League. Một năm sau, Sài Gòn giành hạng ba chung cuộc sau gần nửa chặng đường dẫn đầu V-League.
CLB TP.HCM từng có cả Phi Sơn (số 10) và Công Phượng (số 21).
Nhưng thành công của cả hai đội chỉ kéo dài ngắn ngủi. CLB TP.HCM rơi tự do ở V-League 2021 khi xếp thứ 11, kém 5 bậc so với mùa 2020. Sài Gòn còn chơi tồi hơn khi đứng áp chót, chỉ hơn đội bét bảng SLNA 3 điểm.
Cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm ở mùa 2022 khi Sài Gòn đứng bét bảng, còn CLB TP.HCM đứng áp chót. Cả hai đội mới có tổng cộng... 3 trận thắng từ đầu mùa. Một đội ghi bàn kém nhất, đội còn lại phòng ngự lỏng lẻo nhất với số bàn thua vượt quá đầu hai dù mới đá 11 trận.
Có lẽ, người hâm mộ bóng đá TP.HCM phải quen dần với việc hạ thấp kỳ vọng. Trận derby Sài Thành lúc 19h15 tối nay là chung kết ngược, nơi những người cùng khổ đại chiến để tìm đường sinh tồn. Phải đối đầu để giành giật quyền ở lại V-League, bóng đá TP.HCM chưa bao giờ khốn khổ đến thế.
"TP.HCM không có nổi một đội bóng ra hồn là có lỗi với nhân dân", chuyên gia Đoàn Minh Xương chia sẻ ở cuộc họp giữa Thành ủy TP.HCM và đại diện các CLB.
Theo ông Xương, ngày nào các CLB còn làm bóng đá kiểu ăn xổi, thiếu căn cơ bền vững, không chú trọng đào tạo trẻ, ngày ấy khó khăn còn bủa vây sân Thống Nhất.
Vấn đề khiến bóng đá TP.HCM đánh mất mình đã được chỉ ra, đó là tư duy bóng đá kiểu thời vụ, thiếu nhất quán giữa CLB và trung tâm đào tạo trẻ, chất lượng cầu thủ bản địa yếu, hay bản sắc lối chơi hào sảng trước kia đã nhạt nhòa...
Nhưng tìm ra vấn đề là một chuyện. CLB TP.HCM lẫn Sài Gòn phải gồng mình chiến đấu để tồn tại, trước khi nghĩ tới cải tổ đội bóng. Trận derby Sài Thành tối nay, có lẽ chỉ còn chút lửa trên phương diện đó.