Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hai đàn voi rừng liên tục phá hoại hoa màu ở Đắk Lắk

(VTC News) -

Đắk Lắk bắt đầu vào mùa khô, nhiều đàn voi rừng liên tục phá hoại hoa màu, tài sản của người dân và các công ty lâm nghiệp tại địa phương.

Ngày 16/3, một lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, tại địa phương vừa xuất hiện 2 đàn voi rừng, phá hoại một số hoa màu, tài sản của người dân và các công ty lâm nghiệp.

Cụ thể, đàn thứ nhất gồm 6 con voi trưởng thành, di chuyển đến khu vực hồ Ea Súp thượng (xã Cư Mlan, huyện Ea Súp) hơn nửa tháng nay để tìm nguồn thức ăn nước uống xung quanh hồ.

Voi rừng được cứu hộ, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk.

Đàn thứ hai có 4 con voi di chuyển từ khu vực quản lý của Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa (xã Ia J’lơi, huyện Ea Súp) đến khoảnh 7, tiểu khu 14 thuộc lâm phần do Công ty Cổ phần Hoàng Anh Đắk Lắk quản lý (thuộc địa phận xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) và quanh quẩn ở khu vực này gần 10 ngày nay.

Trước đó, ngày 5/2, 2 con voi rừng khác cũng ghé qua khu vực các tiểu khu 133, 138, dọc theo bờ suối Ea H’leo, thuộc quản lý của Công ty TNHH Cao su và Lâm nghiệp Phước Hòa để kiếm thức ăn và nước uống.

"Nhận được tin báo, cán bộ Trung tâm đã đến hiện trường kiểm tra dấu vết và thu thập mẫu phân đem về xét nghiệm AND để xác định những con voi hoang dã này thuộc đàn nào trong 5 đàn hiện có tại ở Đắk Lắk", lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho hay.

Cách dùng chuông để xua đuổi voi rừng. (Ảnh: Văn Thụ)

 

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết thêm, thời điểm này đang vào giữa mùa khô nên tần suất voi rừng di chuyển về các khu vực gần nương rẫy để tìm thức ăn, nước uống có xu hướng tăng.

"Để tránh xung đột giữa voi và người, Trung tâm đã và đang phối hợp, hướng dẫn các đơn vị, người dân ở gần khu vực thuộc hành di chuyển của voi chủ động các biện pháp xua đuổi an toàn, tuyệt đối không được sử dụng các công cụ, hung khí xua đuổi gây nguy hiểm cho cả voi và người", lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk nói.

Video: Voi rừng được cứu hộ, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk.

 

HIỀN MAI

Tin mới