Báo cáo kết quả kinh doanh quý I mới công bố của 2 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường trong nước là Petrolimex và PV Oil cho kết quả trái ngược nhau. Trong khi nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng còn "ông lớn" PV Oil lại có quý kinh doanh đầu năm không mấy khả quan.
Cụ thể, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex đã ghi nhận hơn 67.432 tỷ đồng doanh thu thuần từ bán xăng dầu và cung cấp dịch vụ đi kèm chỉ trong 3 tháng đầu năm, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, giá vốn bán hàng trong quý I lên tới 63.873 tỷ đồng, tăng nhẹ so cùng kỳ và chiếm hơn 94% doanh thu thuần khiến lãi gộp chỉ còn 3.559 tỷ đồng. Doanh thu tài chính ghi nhận tăng 60% so với cùng kỳ lên 513 tỷ đồng nhờ tăng mạnh khoản lãi chênh lệch tỷ giá (281 tỷ đồng).
Trong quý I, ông lớn Petrolimex ghi nhận lãi ròng tăng hơn 50%. Ảnh: Phạm Thắng.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng 27% lên mức 382 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 22% lên 2.808 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 14% lên 207 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Petrolimex đạt 667 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến hết quý I, tổng tài sản của Petrolimex đạt 68.639 tỷ đồng, giảm gần 8% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 22% xuống hơn 9.000 tỷ đồng; Hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản với giá trị 14.581 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Ngoài ra, tập đoàn này còn có 4.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu.
Hết 3 tháng đầu năm, nợ phải trả của Petrolimex giảm 14% xuống 40.213 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 39.257 tỷ đồng, tổng nợ vay là 14.344 tỷ đồng chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.
Về phần PV Oil - nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước, riêng quý I công ty này cũng ghi nhận hơn 20.538 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm nên lợi nhuận gộp giảm 6% đạt 979 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, các chi phí đều tăng như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý nên lợi nhuận ròng quý này của PV Oil giảm hơn 6% so với cùng kỳ, đạt 266 tỷ đồng.
Đáng chú ý, so với ông lớn Petrolimex, hàng tồn kho của PV Oil ở mức thấp chỉ 3.283 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và trích lập dự phòng giảm giá khoảng 662 triệu đồng.
Theo giải trình của ban lãnh đạo PV Oil, trong quý I, sản lượng tiêu thụ và doanh thu tăng, tuy nhiên giá vốn lại tăng cao hơn nên dẫn tới lãi gộp giảm 6%, do đó làm lợi nhuận sau thuế quý I giảm.
Trong 3 tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước ghi nhận âm tới 2.678 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 156 tỷ đồng do tăng mạnh các khoản phải trả.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư 177 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 68 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 2.568 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 486 tỷ đồng.
Tương tự, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước cũng ghi nhận âm 3.676 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái cũng do tăng mạnh các khoản phải trả, chiếm 89%.
Trong quý I, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của PV Oil là âm 990 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động tài chính là 2.503 tỷ đồng nên lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm tới 2.164 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ âm 144 tỷ đồng.
Tại thị trường Việt Nam, Petrolimex sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, còn PV Oil chiếm khoảng trên 20%. Ảnh: Việt Linh.
Hiện, tại thị trường Việt Nam, Petrolimex sở hữu hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, còn PV Oil chiếm khoảng trên 20%. Ngoài ra, đây cũng là hai doanh nghiệp có số lượng điểm bán, cây xăng nhiều nhất.
Petrolimex hiện có 43 đơn vị thành viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc với 5.500 cửa hàng xăng dầu. PV Oil đang công ty vận hành và quản lý hơn 600 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hơn 3.000 đại lý.
Năm 2023, PV Oil đặt mục tiêu 50.000 tỷ đồng doanh thu (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 52% và 34% so với cùng kỳ.
Chủ tịch HĐQT Cao Hoài Dương nhận định năm 2023 là là giai đoạn khó khăn để tăng trưởng sản lượng như năm ngoái, bởi sản lượng cung - cầu xăng dầu đã dần ổn định sau dịch COVID-19 và chiến sự Nga - Ukraine.
Doanh nghiệp đầu mối này còn đối mặt với áp lực các nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn dự kiến bảo dưỡng trong năm nay, qua đó có thể làm ảnh hưởng đến công tác đảm bảo nguồn.