Trước Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở Việt Nam, bắt đầu với hai bệnh nhân ở Hải Dương và Quảng Ninh. Sau khi giải trình tự gene, các chuyên gia xác định nhiều trường hợp trong đợt bùng phát này nhiễm biến chủng virus mới từ Anh.
Cuối năm 2020, Thủ tưởng Anh Boris Johnson ban hành lệnh thắt chặt hạn chế trong dịp Giáng sinh, thúc đẩy quan chức Hà Lan, Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác dừng nhập cảnh, du lịch từ nước này. Động thái này được đưa ra sau khi Anh bùng phát hàng loạt ca mắc COVID-19 liên quan biến chủng virus mới có tên B117.
Đến nay, quốc gia này phát hiện 2 biến chủng mới của SARS-CoV-2. Cả hai loại này đều được đánh giá là rất đáng lo ngại và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Biến chủng này còn được gọi là VOC202012/01 (viết tắt của Variant of Concern - biến chủng cần được quan tâm, do Public Health England đặt tên). Đây cũng là biến chủng đánh dấu cho đợt bùng phát COVID-19 mới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 90 quốc gia, vùng lãnh thổ đã phát hiện người nhiễm biến chủng B117, trong đó có Việt Nam.
Các quan chức y tế tại Anh cảnh báo biến chủng B117 của SARS-CoV-2 có khả năng lây truyền cao hơn tới 70%. Tháng 12/2020, chủng này bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trong các mẫu dịch tễ ở thị trấn Kent, miền Nam nước Anh. Những mẫu này thực tế được thu thập ở bệnh nhân từ đầu tháng 9/2020.
Biến chủng virus mới B117 có chứa 23 đột biến bất thường. (Ảnh: NAIDS)
Theo CNN, giống các biến chủng mới của SARS-CoV-2, B117 mang dấu vết di truyền dễ theo dõi và nhanh chóng lây lan ra toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa cho kết luận nó có thể nguy hiểm hoặc dễ lây lan hơn hay không.
Dù vậy, nhóm tư vấn các mối đe dọa virus của chính phủ Anh cho biết họ nhận thấy "khả năng lây truyền tăng đáng kể so với các biến thể khác" của B117. Do đó, giới chức lên tiếng cảnh báo để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc.
Khi xem xét kỹ bộ gene của nó, giới nghiên cứu bất ngờ bởi biến chủng có tới 23 đột biến khác nhau. Theo Chris Whitty, Giám đốc y tế của Anh, số lượng này nhiều bất thường. Đây là biến chủng gây ra hơn 60% ca nhiễm mới ở London. Con số này tăng gần gấp đôi chỉ trong tuần trước. Các nhà khoa học nghi ngờ kết cấu với 23 đột biến bất thường là thủ phạm khiến virus lây lan nhanh hơn.
Gần đây, các chuyên gia tại Anh cảnh báo biến chủng virus mới B117 có thể gây tử vong cao hơn từ 30 đến 70%. Kết luận này được đưa ra dựa trên nghiên cứu do NERVTAG thực hiện và công bố vào ngày 12/2. Theo nghiên cứu, biến chủng này "có liên quan việc tăng nguy cơ nhập viện và tử vong so với các chủng virus nCoV khác". Thông tin được thu thập từ nhiều cơ sở dữ liệu tại các bệnh viện trên toàn nước Anh.
Biến chủng virus mới gây ra tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng vọt tại Anh và thế giới trong thời gian qua. (Ảnh: Getty)
Đây là biến chủng virus mới nhất mà các chuyên gia tại Anh phát hiện. Trong biến chủng B1525, các nhà khoa học phát hiện một loạt đột biến đáng lo ngại như E484K. Đây là loại protein trên SARS-CoV-2, đóng vai trò quan trọng với cơ chế xâm nhập tế bào cơ thể người. Đột biến này từng xuất hiện ở biến chủng tại Nam Phi, Brazil và được cảnh báo là có khả năng lẩn trốn các kháng thể, chống lại vaccine.
Theo Guardian, biến chủng B1525 do các chuyên gia tại Đại học Edinburgh phát hiện khi giải trình tự gene các bệnh nhân ở 10 quốc gia như Đan Mạch, Mỹ, Australia. 32 trường hợp nhiễm biến chủng virus B1525 đã được ghi nhận tại Anh. Trong đó, trường hợp sớm nhất là vào tháng 12.
Nhóm nghiên cứu cho biết biến chủng này có nhiều điểm tương đồng bộ gene của chủng B117, từng được phát hiện lần đầu tại thị trấn Kent, miền Đông nước Anh.
Biến chủng virus mới B1525 được phát hiện thông qua giải trình tự bộ gene người mắc Covid-19 của 10 quốc gia. (Ảnh: Ammar Awad/Reuters)
Theo tiến sĩ Simon Clarke, Đại học Reading, giới nghiên cứu chưa rõ biến chủng virus mới này sẽ lây lan thế nào. Nếu nó đột biến thành công, khả năng cao B1525 sẽ né tránh được vaccine hoặc tăng khả năng tái mắc COVID-19 cho nhiều bệnh nhân.
Bên cạnh đó, mức tác động của các đột biến đối với khả năng lây nhiễm và độc tính của chủng virus mới vẫn còn là ẩn số. Trước mắt, việc virus mang đột biến E484K có thể giúp chủng B1525 kháng lại một vài vaccine ở mức độ nhất định, tương tự biến chủng Nam Phi.
Theo Giáo sư Jonathan Stoye, Viện trưởng Viện Francis Crick, Anh, biến chủng này đang lan rộng nhưng chưa có gì chắc chắn để kết luận về độc lực của nó. Ông cũng không ngạc nhiên khi biến chủng mới chứa một số đột biến quen thuộc. Tuy nhiên, việc phát hiện ra đột biến như E484K đặt vấn đề cần phải điều chỉnh công thức vaccine để bảo vệ con người khỏi ngày càng nhiều biến chủng virus mới.
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 719 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.
Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.
Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.