Đêm qua, Lễ trao giải Quả bóng Vàng không gọi tên cầu thủ nào của HAGL. 4/5 ngôi sao tranh Quả bóng Vàng đang đá cho Hà Nội FC, người còn lại thuộc biên chế Viettel. Ở hạng mục Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất, HAGL không có đại diện, kém Hải Phòng, Huế, Viettel và hiển nhiên là Hà Nội FC.
Hạng mục Quả bóng Vàng vinh danh những cầu thủ hay nhất hiện tại. Giải Cầu thủ trẻ khích lệ cho tương lai. Như vậy, cả hiện tại và tương lai, HAGL đều... mờ mịt. Khóa 1, 2 của HAGL đang chật vật, còn khóa 3, 4, 5 vẫn là dấu hỏi lớn.
HAGL (áo trắng) không được vinh danh ở hạng mục nào.
Khi vụ dàn xếp tỷ số nổ ra ở đội trẻ Đồng Tháp khiến 11 cầu thủ lĩnh án treo giò, người ta phải thừa nhận bầu Đức nói đúng. Ông từng chê trách đạo đức cầu thủ hiện nay và quyết tâm thay đổi điều đó qua phương châm đào tạo của HAGL - JMG.
Các cầu thủ HAGL rất ngoan, tư cách tốt, chăm chỉ, chuyên nghiệp và cư xử đúng mực. Rất ít người có thể phàn nàn về đạo đức của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn hay Văn Thanh. Đó là cái giỏi của bầu Đức trên khía cạnh đầu tư trồng người. HAGL cũng được yêu mến và có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng nhờ thứ bóng đá cống hiến, sạch sẽ. Tình cảm ấy, tiền bạc không mua được.
Dù vậy, bệ đỡ hoàn hảo không thể giúp "những đứa trẻ nhà bầu Đức" bứt phá, lọt vào nhóm 2 hoặc 3 cầu thủ đẳng cấp cao nhất. 5 năm qua, cái tên duy nhất của HAGL được gọi ở lễ trao giải là Xuân Trường với Quả bóng Bạc 2016.
Thành công của Trường "híp" năm ấy chủ yếu đến từ màn thể hiện ở AFF Cup 2016. Trong màu áo Incheon United, Xuân Trường dự bị mòn mỏi.
Xuân Trường chưa tiến bộ sau những chuyến "du học" bất thành.
Còn lại, Xuân Trường hay Công Phượng chỉ có tên ở hạng mục Cầu thủ được yêu thích nhất những năm trước với tiêu chí bầu chọn... chung chung. Không thước đo nào có thể định lượng Xuân Trường, Công Phượng được yêu mến hơn Quang Hải, Văn Hậu. Đánh giá về dàn sao HAGL nhiều năm qua luôn chung chung như thế. Cũng hay đấy, nhưng hay ở mức nào?
Trên khía cạnh thống kê, chỉ Minh Vương và Văn Toàn nổi trội về số bàn thắng, kiến tạo. Phần còn lại của HAGL không có gì đáng bàn. Xuân Trường đá "bình bình" trước khi chấn thương, Tuấn Anh mới trở lại, Hồng Duy tròn vai. Nếu những màn trình diễn ấy áp vào cầu thủ khác, chưa chắc họ đã được chú ý.
Đó là mặt trái của sự ngưỡng vọng. Hai quả đá phạt thành bàn của Xuân Trường còn được nhắc lại mãi, còn những đường chuyền hỏng, sự hụt hơi hay thiếu quyết tâm lại không bị nhắc đến nhiều.
HAGL sống trong sự chênh vênh. Khi những cầu thủ mà bầu Đức khẳng định có giá tới hàng triệu USD đã ở độ chín sự nghiệp, đội bóng phố Núi chỉ đứng cao nhất là thứ 8 V-League, thường xuyên đua trụ hạng. Thành tích nghèo nàn cấp CLB kìm chân Xuân Trường, Công Phượng. Nhưng ở cấp độ ĐTQG, tình hình cũng không hơn. Chỉ Tuấn Anh chắc suất. Số còn lại dù được HLV Park Hang Seo tạo điều kiện, song không chứng tỏ được nhiều.
Tuấn Anh là cầu thủ hiếm hoi có suất đá chính trên tuyển.
Vinh danh cá nhân từ lâu vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều, bởi bóng đá là môn chơi tập thể. Dẫu vậy, khi lứa cầu thủ được đánh giá tốt, lại hoàn toàn rơi rớt trong các cuộc bầu chọn và không ai đạt đến đỉnh cao chuyên môn, đó có thể xem như thất bại của hệ thống.
Bóng đá cần tình cảm của người hâm mộ, nhưng đỉnh cao bóng đá phải là chuyên môn và câu chuyện của những con số. Cristiano Ronaldo hay Lionel Messi không bận tâm dù họ nhiều người ghét thế nào. Những cầu thủ được yêu mến, ít bị ghét có khi lại không phải cầu thủ đẳng cấp.
Ghét bỏ là chuyện tất yếu của mọi cuộc cạnh tranh. Anh không bị ghét, tức là không có sức cạnh tranh khiến người ta phải chú ý.
Đấy cũng là câu chuyện bao năm nay của HAGL. Không chỉ sai lầm về định hướng xuất ngoại, HAGL còn không cho thấy nội lực thúc đẩy từ bên trong. Thúc đẩy ra sao khi cho mượn đến 9 cầu thủ, khiến băng ghế dự bị vừa mỏng, vừa yếu, rồi ông bầu lại nói đá tàng tàng như vậy cho vui!?
Không có động lực, rất khó vươn lên. Đừng nói đời cầu thủ chỉ cần được yêu thôi, danh hiệu không quan trọng. Nhiều cầu thủ HAGL sẽ tiếp tục được yêu mến, nhưng chắc chắn, họ cần nhiều hơn thế.