Sau 9 vòng đấu, những cuộc cách mạng của Kiatisak đang cho thấy hiệu quả tức thời. Không giống 2 lần trước ở Hàm Rồng, Kiatisak đang cho thấy một tướng đánh trận đã thực sự trưởng thành.
Lần cuối cùng Kiatisak cầm sa bàn trên sân Pleiku cách đây 11 năm. Trong thời gian ấy, anh đã gây dựng được sự nghiệp tạm coi là lừng lẫy cùng các đội tuyển quê nhà, mà HCV SEA Games 2013, cú đúp vô địch AFF Cup 2014, 2016 đủ đưa anh vào ngôi nhà huyền thoại của các HLV giàu thành tích nhất Thái Lan.
HAGL bay cao cùng Kiatisuk. Ảnh: Quang Thịnh.
“Zico Thái” đã từng ôm mộng đưa người Thái vào World Cup, nhưng cũng chính giấc mơ vụn vỡ này khiến anh từ nhiệm đầu năm 2017. Tính cả quãng thời gian ngắn ngủi chèo lái CLB Port FC, Kiatisak đã "ngồi chơi xơi nước" hơn 3 năm, trước khi trở lại Pleiku theo lời mời từ bầu Đức.
Quãng nghỉ đó có lẽ là vừa đủ để một người có dòng máu bóng đá chảy rần rật như Kiatisak cảm thấy thèm và yêu công việc HLV. Những gì đẹp nhất, tinh hoa nhất và đam mê nhất Kiatisak dành cho HAGL, đúng vào lúc CLB được trao cơ hội gần như là cuối cùng để thoát cảnh “sống mòn”.
"HAGL không phải là một đội bóng yếu, đấy chỉ là một đội bóng thiếu sự cân bằng và thực dụng". Trong những lúc HAGL sa sút nhất, người yêu mến CLB này vẫn thường tự vỗ về, an ủi thế. Tài năng của Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh… thì không cần bàn cãi, vấn đề là HAGL thiếu một ông thầy đủ tầm để giúp họ trưởng thành.
Bầu Đức từng kỳ vọng vào đám trẻ của mình đến mức đốt cháy giai đoạn đôn cả lứa lên V-League 2015, để rồi mãi lận đận cùng những hạn chế không phải riêng của chúng mà của cả lò đào tạo danh tiếng một thời. Lớp học thầy Giôm gần như chỉ dạy bóng đá tấn công và cống hiến, hậu quả là HAGL 5 mùa giải liên tiếp chơi thứ bóng đá đẹp như cổ tích nhưng luôn trả giá đắt vì những bàn thua.
Băng ghế huấn luyện vì thế lúc nào cũng nóng như có lửa. Thầy Giôm không gánh nổi các học trò ruột của mình ở kỳ V-League đầu tiên, sau đó lần lượt đến và đi là HLV Nguyễn Quốc Tuấn, Dương Minh Ninh, Lee Tae-hoon, Nguyễn Văn Đàn… Hầu hết họ đều là “người nhà”, hiểu đội bóng từ chân tơ kẽ tóc, nhưng điểm chung: Thất bại.
Bởi vậy, khi bầu Đức gọi lại Kiatisak - một đứa con xa nhà đã rất lâu thì trong thâm tâm, ông vẫn thỏa hiệp với chuyện tiếp tục đá cho vui, và sự chuyển đổi trong cabin kỹ thuật cũng đơn giản chỉ do “tụi nhỏ nó thích thì chiều cho hết nhẽ”. Chính ông vào thời điểm đó cũng không còn nhiều động lực với sân cỏ nữa.
Tuy nhiên, Kiatisak đến không phải để đá vui, mục tiêu của anh là đá thắng. Một người chuyên nghiệp và tinh tế như “Zico Thái” không khó để nhận ra những điểm yếu của HAGL. Ngay sau màn chào hỏi đầy màu sắc văn nghệ sĩ, anh bắt tay vào làm cách mạng.
Với Kiatisak trên ghế lái, HAGL vẫn hiền hòa, thân thiện, thậm chí cởi mở hơn với người hâm mộ, nhưng thực tế ở bên trong, đội bóng đang gia cố thêm rất nhiều chất thép.
HAGL thắng 6 trong 7 trận gần nhất nhất và lên ngôi đầu bảng xếp hạng V.League. Ảnh: Quang Thịnh.
Sau rất nhiều năm, kể từ thời “dream team” của chính Kiatisak, HAGL trở lại với sơ đồ 3-5-2 dễ dàng biến thể thành 5-3-2 trong những hoàn cảnh khác nhau. Bố trí 3 trung vệ có thòng, có dập kiểu truyền thống (Memovic, Kim Dong Su, Hữu Tuấn), HLV Kiatisak công khai mục đích không để thua những bàn tức tưởi vì bị tạt cánh đánh đầu, hở lưng, hở sườn, vì đội hình phòng thủ bị xé nát mỗi khi đối phương tăng tốc.
Về cơ bản, sơ đồ này cần 2 cầu thủ chạy cánh vừa nhanh vừa có kỹ năng cầm và chuyền bóng, lại dám bó vào trong để tạo đột biến. Hồng Duy và Văn Thanh đang có phong độ tốt, là lựa chọn lý tưởng cho Kiatisak thực hiện những phương án leo biên. Bàn thắng của Văn Thanh vào lưới Viettel là điển hình cho hiệu quả của việc “nhập thành”.
Chưa có nhiều cơ hội sử dụng Tuấn Anh và cũng không hẳn đã phát huy những gì tốt nhất của Xuân Trường, Kiatisak vẫn vận hành được một tuyến tiền vệ ổn định và có chiều sâu. Ở đó, người ta thấy Minh Vương, Công Phượng, Văn Toàn đang “lột xác”.
Minh Vương, trước đây nổi tiếng với những cú luân lưu hỏng, hoặc nhớ đời câu than thở “dành cả thanh xuân để trụ hạng”, thì nay đã cười rạng rỡ với những bàn thắng thuộc hàng siêu phẩm. Từ một chú ong cần mẫn, dưới tay Kiatisak, cầu thủ người Thái Bình đã trở thành bộ óc sáng tạo của tuyến giữa.
Công Phượng cũng khiến người ta bất ngờ với vai trò đa dạng của anh. Phượng bây giờ kiến tạo cả những đường chuyền 30-40 m đúng đà chạy của Văn Toàn như đặt. Phượng bây giờ lùi về “giữ chốt” như một chân phòng ngự từ xa. Phượng bây giờ làm bàn theo phong cách ít chạm mà quan trọng hơn, từ xa bất ngờ xâm nhập vào điểm nóng.
Văn Toàn đương nhiên đang là cầu thủ quan trọng nhất của HAGL. 6 bàn thắng đủ nói lên tất cả, nhưng có một điều không thể hiện trong các con số thống kê, đó là “khí chất” của Toàn.
Chẳng còn thấy một chú dã tràng xách xe không chạy trong vô vọng, đôi khi đấm ngực, dỗi dằn đồng đội vì những bàn thua, Toàn của hiện tại là gương mặt “sát thủ” mang vẻ mặt thư sinh.
Anh chạy ít hơn, bởi khoảng trống tự nó đã được tạo ra bởi Washington Brandao. Khi Toàn chạy ít hơn, thì bàn thắng lại về với anh nhiều hơn, đó là câu chuyện phân phối sức, phân chia nhiệm vụ mang dấu ấn Kiatisak.
Bầu Đức bắt đầu lạc quan về thành tích của HAGL ở V.League 2021. Ảnh: Quang Thịnh.
Cởi bỏ áp lực
Vì chính Kiatisak cũng cần cải thiện thành tích của mình trong quá khứ. Anh không thành công lắm với các nhiệm kỳ 2006, 2010 chính tại Pleiku, nhưng lần này đã khác. Anh có trong tay những cầu thủ tấn công tốc độ, khéo léo, hiểu ý nhau. Đó là những tài nguyên thật gần gũi với anh trong giai đoạn thăng hoa cùng tuyển Thái.
Kiatisak với bản tính dễ mến, dễ gần cũng là một chuyên gia tâm lý. Việc đặt chiếc xe bus 3 trung vệ phía sau mang đến cảm giác vững tin, thì những lời động viên, khích lệ “làm đi, làm những gì các bạn muốn” khiến cầu thủ tuyến trên vụt sáng theo những cách khác thường.
Văn Toàn sút xa gần 30 m tung lưới Đà Nẵng, Minh Vương vuốt bóng cầu âu hạ gục CLB Nam Định, Công Phượng xé lưới đội Viettel bằng chân trái cứa lòng…, đấy là những hình ảnh hiếm gặp hoặc lâu rồi mới trở lại trong bản năng của những viên ngọc thô U19 ngày nào.
Vẫn tấn công bùng cháy mà không thua, hết trận này qua trận khác, HAGL đích thực bây giờ mới được sống bằng ngọn lửa của riêng mình. Bầu Đức đã ra sân, dấu hiệu cho thấy ông để lại nỗi “trầm cảm” sau lưng.
Và Kiatisak, ông đã tự ghi tên mình là HLV có khởi đầu tốt nhất trong lịch sử CLB phố núi. Chuỗi trận thăng hoa vẫn chưa dừng lại, dù gần nhất, CLB Nam Định đã đưa ra lời cảnh báo về một HAGL mới mẻ, mạnh mẽ và khó lường nhưng vẫn có thể bắt bài.
Thực tế là không đội bóng nào hoàn hảo, không HLV nào thắng mãi và cũng chưa thể nhận định về mùa giải này của Kiatisak. Nhưng sau 9 vòng V-League 2021, chí ít thì những cuộc cách mạng chớp nhoáng của ông thầy người Thái cũng xây đắp được niềm tin lớn cho HAGL: Những đứa trẻ rồi cũng trưởng thành!