HAGL đang khiến giới mộ điệu đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Chiến thắng 2-0 trước SHB Đà Nẵng vừa đưa đội bóng phố Núi trở lại đỉnh bảng. HAGL bất bại suốt 7 trận vừa qua (thắng 6), giữ sạch lưới 5 trận, thắng 4 trận liên tiếp, có 3 chiến thắng và trắng lưới liên tiếp trên sân khách.
Đó là những thống kê hiếm khi xuất hiện ở Pleiku, ngay cả khi HAGL giành cú đúp vô địch quốc nội năm 2003 và 2004. Kiatisak Senamuang ra đi mang theo đỉnh cao cuối cùng của HAGL, để rồi trở lại để mang nắng ấm rọi chiếu sân Pleiku một lần nữa.
Video: SHB Đà Nẵng 0-2 HAGL
Sự quyến rũ của phòng ngự
HAGL chỉ mất 3 cú sút để làm rung mành lưới SHB Đà Nẵng 2 lần. 5 ngày trước đó cũng tại Hòa Xuân, Hà Nội FC không ghi được bàn nào dù dứt điểm không dưới 6 lần về cầu môn của Nguyễn Tuấn Mạnh.
Đà Nẵng có hàng phòng ngự chắc chắn thứ ba V-League trước trận cùng tuyến giữa giàu kỹ thuật. HAGL khó có điểm nếu tấn công, đó là tinh thần được HLV Kiatisak quán triệt khi nói "hòa Đà Nẵng là thành công". Sau trận hòa 0-0 trước đội cuối bảng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Kiatisak cũng nói "nếu chơi tấn công nhiều hơn, có khi HAGL sẽ thua".
Kiatisak không thuộc tuýp yêu thích trường phái phòng ngự giống Diego Simeone hay Jose Mourinho. Bản sắc tuyển Thái Lan trong 4 năm đỉnh cao cùng Kiatisak là tấn công trên nền tảng những đường ban bật "tí tách" ở tốc độ cao mà giới mộ điệu gọi với cái tên "Thái-tik-tok".
HAGL bay cao trên ngôi đầu.
Lối chơi ban bật ấy chưa xuất hiện ở HAGL, hoặc nếu xuất hiện thì ở những thời điểm rất hiếm hoi. Kiatisak lựa chọn cho HAGL lối chơi phòng ngự phản công, bởi nhân sự hiện tại của CLB như được sinh ra để phục vụ lối đá này.
"Phòng ngự phản công" cũng là cụm từ biểu tượng của thành công của HAGL tính đến thời điểm sau vòng 8. Đội chủ sân Pleiku có hệ thống phòng thủ hiệu quả với sơ đồ 3 hậu vệ. Vắng Kim Dong-su do án treo giò, HLV Kiatisak sử dụng Lê Đức Lương, cầu thủ hầu như không được chơi bóng ở CLB TP.HCM mùa trước, để khỏa lấp khoảng trống.
Nhưng HAGL vẫn phòng ngự cực hay, với nhiệm vụ rõ ràng cho từng cá nhân, thay vì thủ với số đông và "nhắm mắt phá bừa" như dưới thời Lee Tae Hoon. Bộ ba hậu vệ chịu trách nhiệm kèm tiền đạo, còn các tiền vệ HAGL di chuyển liên tục để đoán bắt đường chuyền đối thủ.
Trong 30 phút cuối, Đà Nẵng chỉ có 1 cơ hội ăn bàn, lại xuất phát từ tình huống cố định, còn ở khâu dàn xếp tấn công, đội bóng của Lê Huỳnh Đức hoàn toàn bất lực.
3 cầu thủ HAGL (áo vàng) ào lên đầu hiệp 2 khi Đà Nẵng chưa kịp ổn định đội hình. Đội bóng của Kiatisak luôn tăng tốc trong 15 phút đầu hiệp 2.
Khối phòng ngự nhịp nhàng, lớp lang và bọc lót tốt của HAGL không chỉ khiến Đà Nẵng "tắt tiếng", mà còn đứng vững trước CLB Viettel, CLB TP.HCM, Hải Phòng và Hà Tĩnh, bốn đội bóng ghi tổng cộng 92 bàn mùa trước.
Tuy nhiên, phòng ngự tốt chỉ có tối đa 1 điểm, còn để lấy 3 điểm, HAGL phải tấn công. 5 trận đấu dẫn trước đối thủ mùa này, HAGL thắng cả 5 và luôn ghi thêm ít nhất một bàn sau khi mở tỷ số. HAGL không chỉ bảo vệ lợi thế, mà còn biết cách nới rộng cách biệt bằng lối đá chủ động.
Dưới thời Kiatisak, HAGL không ào lên áp đặt đối thủ, mà chơi cầm chừng, chắc chắn, lựa chọn thời điểm vùng lên và chuyển trạng thái ở tốc độ chóng mặt.
Đội bóng phố Núi ghi 2 bàn vào lưới CLB Bình Định trong 3 phút, 3 bàn vào lưới Viettel trong 11 phút, đều ở thời điểm 15 phút đầu mỗi hiệp. Trước Đà Nẵng, bài đánh úp của Kiatisak lại phát huy tác dụng khi Nguyễn Văn Toàn sút xa trái phá ở đầu hiệp 2, khi Đà Nẵng còn chưa kịp ổn định đội hình sau giờ nghỉ.
Sự quyến rũ của HAGL thời Kiatisak nằm ở sự khó lường.
So với Thái Lan, sản phẩm đỉnh cao nhất của Kiatisak trong 8 năm huấn luyện, HAGL chưa đạt độ nhuần nhuyễn và tinh tế bằng, nhưng cách chơi của đội bóng phố Núi hiện tại vẫn phảng phất nét chiến thuật quyến rũ.
Khó đoán biết HAGL sẽ chơi thế nào, tăng tốc ở quãng thời gian nào hay dùng miếng đánh gì để quật ngã đối thủ. Đó là hình bóng của quân vương.
Đua vô địch, tại sao không?
"HAGL không còn là tập hợp của những cầu thủ 'dễ thương', mà đội bóng này mạnh và đẳng cấp thực sự. Cộng với nội lực có sẵn, HAGL đang là ứng viên vô địch, không thể khác được", BLV Quang Huy phân tích với VTC News sau trận thắng của HAGL.
Đến lúc này, Kiatisak vẫn chưa nói về tham vọng xưng vương của HAGL, song ông sẽ phải đề cập đến vấn đề này sớm thôi. Thành công hôm nay của đội bóng phố Núi là tập hợp của thiên thời, địa lợi, nhân hòa, khi các cầu thủ đang ở độ chín sự nghiệp, đã tích lũy đủ đớn đau sau thất bại.
Dàn cầu thủ ấy được gặp Kiatisak, chiến lược gia có đẳng cấp, vị thế và nụ cười ngoại giao đậm đặc "chất Thái" như được sinh ra cho ghế HLV trưởng HAGL.
Sau trận thắng CLB TP.HCM, bầu Đức nói HAGL cần thêm 5 trận nữa để được coi là "ổn định". Đội chủ sân Pleiku đã đi được phân nửa chặng đường. Nếu thắng tiếp Nam Định và Hà Nội FC ở hai trận kế tiếp trên sân nhà, HAGL không chỉ chứng minh vị thế ứng viên, mà còn tiến một bước rất dài tới ngôi vương.
HAGL có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Với 19 điểm sau 8 vòng, HAGL chỉ còn kém thành tích của đương kim vô địch Viettel ở giai đoạn một mùa trước 3 điểm, trong khi còn tới 5 trận chưa đấu.
Lịch sử chứng minh các nhà vô địch V-League cần thắng tối thiểu 53% số trận cả mùa. HAGL chỉ cách cột mốc này 4 chiến thắng nữa, dù vẫn nắm trong tay 10 trận chưa đấu (nếu lọt vào nhóm đua vô địch).
Mùa trước, Viettel thắng 6/7 trận ở giai đoạn hai, thành tích HAGL khó lặp lại bởi các trận đua tranh trong nhóm vô địch luôn khó khăn hơn, song nếu tích lũy điểm số tốt ở giai đoạn một, HAGL không cần thắng quá nhiều ở giai đoạn sau đó để vô địch.
Quan trọng hơn, cách đá của HAGL tạo cho người xem cảm giác thầy trò Kiatisak luôn biết chiến thắng, dù có chơi tốt hay không. Phía trước HAGL đang là khoảng trời rộng mở, và chắc chắn, đội bóng phố Núi sẽ không dừng lại ở đây.