"Tôi muốn đội bóng và học viện phải tồn tại mãi", ông Đoàn Nguyên Đức nói sau khi tuyên bố câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai đổi tên. Đó là điều chưa từng xảy ra trong hơn 20 năm đội bóng phố núi xuất hiện ở sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Để đội bóng HAGL tồn tại mãi thì cái tên của CLB không thể được giữ như nguyên bản.
Khi "đổi tên" là xu hướng
HAGL không còn là riêng, là duy nhất trong tên của CLB gắn liền với hơn 2 thập kỉ làm bóng đá của bầu Đức. Tuy nhiên, đó là cách để thương hiệu bóng đá có dấu ấn sâu đậm bậc nhất của Việt Nam có thể "tồn tại mãi" như lời ông chủ đội bóng phố núi.
Bầu Đức thông báo CLB HAGL đổi tên, gắn với thương hiệu của doanh nghiệp tài trợ. (Ảnh: HAGL)
Câu hỏi được đặt ra là cái tên mới và cả đường hướng phát triển đội bóng sẽ kéo dài trong bao lâu. Đó là câu chuyện muôn thuở mà người hâm mộ luôn đặt ra mỗi khi các CLB V.League đổi tên.
Các CLB chuyên nghiệp Việt Nam được đặt tên theo một số "trường phái". Ở thời điểm hiện tại, chiếm đa số là các CLB được đặt tên theo địa phương gồm Hải Phòng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Quy Nhơn Bình Định, Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Khánh Hòa, Sông Lam Nghệ An và Công an Hà Nội. Một nhóm gắn tên doanh nghiệp từ ngày đầu là Viettel, HAGL, Becamex Bình Dương.
Nhóm còn lại là các CLB gắn tên nhà tài trợ và cứ vài năm lại thay đổi một lần, gồm Thép Xanh Nam Định, Đông Á Thanh Hóa. Trong những năm trước, khi dòng tiền mà các doanh nghiệp đổ vào bóng đá còn nhiều, đây mới là nhóm chiếm đa số.
Việc một số CLB chuyển từ nhóm này sang nhóm đầu tiên trong thời gian gần đây thực ra chưa chắc là tín hiệu tốt bởi đôi khi đó là dấu hiệu cho thấy một đội bóng gặp khó khăn về tài chính.
Hầu hết các đội bóng, trừ nhóm thứ hai, có điểm chung là đổi tên rất nhiều. Hơn 20 năm từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên, chỉ hai CLB giữ nguyên tên đội suốt thời gian dài là Becamex Bình Dương và HAGL (cùng 21 năm). Ngoài ra, CLB Viettel mới xuất hiện ở V.League từ năm 2019 cũng sử dụng tên nguyên bản.
Cái tên thực ra cũng chỉ có giá trị trên giấy tờ. HAGL có gắn tên doanh nghiệp nào khác thì người hâm mộ vẫn gọi đội bóng phố núi là HAGL. Vấn đề sâu xa hơn là bản sắc của đội bóng, câu cấu tổ chức, định hướng phát triển gắn với cái tên ấy.
Không chỉ là chuyện cái tên
Cái tên là định danh thương hiệu, xác định cá tính của đội bóng, rằng họ là những người thế nào, bản sắc của họ ra sao, họ đen, trắng hay màu gì?
Phía sau cái tên là câu trả lời về hình hài thực sự của tổ chức, về thứ có thể khiến công chúng yêu mến và gắn bó với họ. Thông qua cái tên, một CLB tạo được sự gắn bó máu thịt với cộng đồng của họ (và cộng đồng địa phương).
Các đội bóng ở V.League đổi tên và trong đa số trường hợp thì sự thay đổi ấy kéo theo chuyển biến về bản sắc của đội bóng. Nhà tài trợ mới vào muốn tạo ra dấu ấn của riêng họ, và đập đi xây lại gần hết. Như vậy, sự thay đổi kéo theo việc đánh mất bản sắc. Đây mới là điều mấu chốt.
Ở V.League, hiếm có đội bóng nào thực sự giữ cho mình được một cái tên riêng, đủ mạnh, đủ độc lập để không cần đứng chung với bất kỳ yếu tố nào khác. Hoàng Anh Gia Lai đến thời điểm này cũng không còn đủ sức. Dù vậy, đó là thực tại mà bóng đá Việt Nam phải chấp nhận, trong bối cảnh khách quan.
Với bóng đá Việt Nam, bóng đá vẫn chưa được coi là một ngành kinh doanh. Các đội bóng không kiếm ra tiền từ hoạt động bóng đá và các nhà tài trợ không đổ tiền vì lợi nhuận trực tiếp mà các CLB đem lại.
Trước nay và cả sau này, CLB V.League và nhà tài trợ luôn gặp nhau vì những quyền lợi khác bên ngoài sân cỏ. Họ không tới vì sức hút nội tại của đội bóng, không tới vì giá trị đơn thuần của bóng đá.
Nhà tài trợ mới liệu có thể giúp HAGL "tồn tại mãi"?
Cũng bởi vì nhà tài trợ không đến vì sức hút nội tại của đội bóng, những “cuộc tình” ấy đa số sớm nở chóng tàn.
Hầu hết đơn vị tài trợ thường chỉ gắn bó với đội bóng trong vài năm. Khi doanh nghiệp trải qua các thăng trầm kinh doanh, nguồn tài trợ cho đội bóng luôn là khoản đầu tiên bị cắt đi. Hoặc có khi, nhà tài trợ đơn giản chỉ là không thích "chơi" bóng đá nữa, không cảm thấy những nguồn lợi gián tiếp còn đáng để đầu tư nữa.
Bóng đá Việt Nam đã chứng kiến vô vàn ví dụ như vậy, khi đến thì trống rung cờ mở, hứa hẹn dài lâu, lúc đi thì đi bất thình lịch, rút lui toàn bộ. Không phải lúc nào các CLB cũng tìm ngay được nhà tài trợ khác với "túi tiền" tương đương để thay thế.
Chính vì thế, càng đổi tên nhiều thì càng chứng tỏ đội bóng bất ổn. Khi bản sắc chưa đủ lớn, khi tên tuổi chưa đủ mạnh, một CLB bóng đá mới phải gắn tên cùng nhà tài trợ. Nhưng, điều đáng ngại là sự phụ thuộc không chỉ xảy ra trên phương diện tài chính.
Nói thế để thấy, một lần đổi tên chưa chắc đã đảm bảo cho HAGL "tồn tại mãi" như mong muốn của bầu Đức. HAGL hôm nay có thể tạm ổn khi có tài trợ mới, có thể sống tiếp với cái tên biến thể của thương hiệu HAGL.
Nhưng, liệu trạng thái này kéo dài trong bao lâu và bầu Đức có phải đổi tên đội bóng thêm lần nữa?