Yếu tố tiên quyết giúp HAGL đang đứng trên đỉnh bảng V-League là khả năng phòng thủ. Trong chiều dài lịch sử hơn 20 năm của V-League, các đội bóng vô địch đều có thành tích phòng ngự nằm trong top 3 của giải đấu. Điều đó cho thấy HAGL đang đi đúng lộ trình, với tuyến phòng ngự chỉ thủng lưới 6 bàn sau 9 trận.
Khi nhận chức vụ HLV trưởng HAGL, Kiatisak Senamuang tuyên bố đội bóng cần điều chỉnh, đặc biệt ở cự ly đội hình và khả năng di chuyển của cầu thủ. Những tinh chỉnh chiến thuật (đổi sơ đồ, phân chia vai trò) của "Zico Thái" đã giúp đội bóng phố Núi phòng ngự tốt hơn hẳn.
Thống kê cho thấy HAGL của Kiatisak đang là đội để đối thủ bắn phá khung thành ít thứ hai giải đấu, chỉ sau CLB Viettel. Hệ thống chiến thuật 3 hậu vệ giúp đội bóng phố Núi sở hữu cùng lúc hai lợi thế.
Video: Những điều thú vị về cặp đấu HAGL - Hà Nội FC. (Nguồn: Next Sports)
Thứ nhất, HAGL có thể cắt cử một hậu vệ dâng cao áp sát, bắt bài đối thủ mà không lo lộ khoảng trống sau lưng, bởi luôn có ít nhất 2 trung vệ còn lại bọc lót phía sau.
Nhờ hệ thống phòng thủ khoa học và có phân chia nhiệm vụ rõ ràng, HAGL chỉ nhận trung bình 0,67 bàn thua mỗi trận, giảm hơn ba lần so với tỷ lệ gần 2 bàn thua/trận trong 150 trận trước đó. Sai sót của hậu vệ cũng được giảm xuống đáng kể, với chỉ 2 bàn thua từ đầu mùa đến từ lỗi cá nhân.
Khi HAGL bị khoét ở biên, đội bóng này luôn có ít nhất 3 cầu thủ nữa cùng có mặt trong vòng cấm để làm chủ tình hình. Do đó, HAGL mới thủng lưới 1 bàn ở mùa giải này từ bóng bổng (ít nhất giải), đối lập với tình cảnh đối thủ cứ tạt bóng là khung thành chao đảo như các mùa giải trước.
Thứ hai, sơ đồ 3 hậu vệ giúp HAGL giải phóng sức tấn công cho Vũ Văn Thanh và Nguyễn Phong Hồng Duy - những cầu thủ hợp với vai trò cầu thủ chạy cánh hơn là hậu vệ cánh thuần túy, nhờ khả năng sử dụng kỹ thuật, tốc độ và khả năng xuyên phá để bù lấp cho điểm yếu về phòng ngự.
Văn Thanh vừa là điểm mạnh, vừa là điểm yếu của HAGL.
Văn Thanh, Nguyễn Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn đã hợp thành tam giác tấn công mang về hơn một phần ba số bàn thắng của HAGL từ đầu mùa.
Tuy nhiên, sơ đồ 3-4-3 có thiếu sót rất lớn nằm khoảng trống giữa trung vệ lệch cánh và cầu thủ chạy cánh. 2/3 bàn thua của HAGL trước CLB Nam Định xuất phát từ việc đội bóng của Kiatisak bị khai thác ở hành lang trái, nơi Hồng Duy dâng lên rất cao, bỏ lại khoảng trống mà Nguyễn Hữu Tuấn không thể bù đắp.
Khu vực hành lang trong (tiếp giáp giữa đường biên và trung lộ) là "không gian vàng" để các đội bóng thực hiện những pha phối hợp có sức đe dọa trực tiếp đến đối thủ, bởi đây là khoảng không mà không cầu thủ nào được phân công chuyên trách để phòng ngự. Để bịt kín được hành lang trong, các cầu thủ cần phối hợp, liên lạc tốt với nhau.
Các hậu vệ HAGL chưa thi đấu đủ hay để bảo vệ tốt khoảng không gian này. Theo BLV Ngô Quang Tùng, Damir Memovic hay Hữu Tuấn thi đấu chưa thực sự hiệu quả. HLV Nguyễn Văn Sỹ nói Nam Định ghi 3 bàn vào lưới HAGL nhờ khoan thủng hành lang trong của đối thủ.
Nam Định (áo vàng) 3 lần khoan thủng hàng thủ HAGL.
Hà Nội FC sẽ mang lại mối nguy hiểm lớn hơn nữa, khi đội bóng Thủ đô có những cầu thủ giỏi săn tìm khoảng trống và xuyên phá như Nguyễn Văn Quyết, Nguyễn Quang Hải, Geovane Magno hay Bruno Cunha.
Lối chơi tấn công bằng bóng ngắn ở tốc độ cao của Hà Nội FC dễ kéo các hậu vệ HAGL ra khỏi vị trí phòng ngự, gây ra xáo trộn đội hình để mở ra khoảng trống.
Nếu phần đông các đội V-League khoán trắng nhiệm vụ tấn công cho ngoại binh, Hà Nội FC lại pressing mạnh, gây sức ép tốt và có thể "xoay" nhiều bài tấn công trong khoảng thời gian ngắn nhất V-League.
Cựu HLV Phạm Minh Đức của Hà Tĩnh từng mô tả học trò của ông "sợ hãi và lo lắng đến mức không dám chơi bóng" khi đối diện với áp lực của Hà Nội FC. Tình cảnh tương tự từng xảy ra với HAGL suốt 4 năm qua, minh chứng là những thất bại đau đớn với 3 bàn thua trở lên mỗi trận.
HLV Kiatisak khẳng định nghiên cứu kỹ lối chơi và điểm mạnh của Hà Nội FC để bày binh bố trận. Để chặn đứng đối thủ, trước tiên HAGL phải phòng ngự chủ động bằng cách gây áp lực trực diên lên các mũi tấn công. Đội bóng phố Núi cần áp sát, đá rắn, phạm lỗi khi cần như cách Viettel, Nam Định hay Đà Nẵng khiến Hà Nội FC chùn chân.
Hà Nội FC (áo trắng) rất giỏi khai thác khoảng trống.
Nếu chỉ phòng ngự theo kiểu "chịu đựng", HAGL khó tập trung suốt 90 phút. Chơi pressing ở tuyến giữa là cách tốt nhất để đội bóng của Kiatisak ngăn những pha tấn công của Hà Nội FC từ trong "trứng nước". 6 trận thua gần nhất của đội bóng Thủ đô ở V-League đều diễn ra khi đối thủ mạnh dạn đẩy cao đội hình và chơi rát mặt.
Yếu tố sau đó, quan trọng hơn cả, là HAGL phải giữ cự ly đội hình. Dưới thời Kiatisak, HAGL luôn di chuyển đội hình theo khối thống nhất, với khoảng trống giữa các tuyến được bó hẹp tối đa. Sự bối rối và chủ quan ở 30 phút cuối trận gặp Nam Định không được phép lặp lại.
Hà Nội FC rất mạnh ở khả năng kéo giãn đội hình đối thủ bằng những đường chuyền và khả năng hoán đổi vị trí, nên HAGL cần một cự ly ổn định và bọc lót cần thiết giữa các tuyến. Nhiệm vụ nặng nề này được giao cho Lương Xuân Trường - "kiến trúc sư trưởng" hàng tiền vệ và Kim Dong-su, trung vệ đá thấp nhất ở hàng phòng ngự.
Nếu duy trì được cự ly tốt và luôn đặt mình ở thế chủ động, HAGL đủ sức quật ngã Hà Nội FC. Đội bóng của HLV Hoàng Văn Phúc về cơ bản sẽ không đổi cách chơi, bởi trong khoảng thời gian ngắn, Hà Nội FC không thể chuyển ngay sang cách tiếp cận mới. Bài toán đã được bày sẵn, chờ xem Kiatisak có lời giải thích hợp hay không.