Theo tờ WSJ, 3 nhà mạng lớn ở Mỹ là Verizon Communications, AT&T và Lumen Technologies nằm trong số các công ty viễn thông bị xâm nhập mạng và đánh cắp dữ liệu.
Tờ báo cho biết hacker có thể đã truy cập vào cơ sở hạ tầng mạng của các công ty trên trong nhiều tháng. Thông tin nghe lén bị thu thập là loại dữ liệu được tòa án Mỹ cấp phép. Ngoài ra, tin tặc cũng xâm nhập cả vào các đợt truy cập internet khác.
Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời hôm 6/10 rằng họ không biết về cuộc tấn công được mô tả trong báo cáo và cho biết Mỹ từng "bịa ra một câu chuyện sai sự thật" để "gán tội" Trung Quốc trong quá khứ.
"Vào thời điểm an ninh mạng đã trở thành thách thức chung đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, cách tiếp cận sai lầm này sẽ chỉ cản trở những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc cùng nhau giải quyết thách thức thông qua đối thoại và hợp tác", Bộ này cho biết trong một tuyên bố gửi tới Reuters.
Truyền thông Mỹ cho biết dữ liệu nhạy cảm của một số nhà mạng lớn nước này đã bị xâm nhập. (Ảnh: WSJ)
Bắc Kinh trước đây đã lên tiếng phủ nhận tuyên bố của chính phủ Mỹ và các bên khác rằng họ sử dụng tin tặc để đột nhập vào các hệ thống máy tính nước ngoài.
Tờ WSJ cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi một nhóm tin tặc Trung Quốc với mục đích thu thập thông tin tình báo. Các nhà điều tra Mỹ đã gọi nhóm này là "Salt Typhoon".
Đầu năm nay, cơ quan thực thi pháp luật Mỹ đã phá một nhóm hacker lớn của Trung Quốc có biệt danh là "Flax Typhoon", nhiều tháng sau khi đối thoại với Bắc Kinh về hoạt động gián điệp mạng trong chiến dịch có tên là "Volt Typhoon".
Trong tuyên bố của mình, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết các cơ quan an ninh mạng Bắc Kinh đã tìm thấy và công bố bằng chứng cho thấy Volt Typhoon được dàn dựng bởi "một tổ chức ransomware quốc tế".
Trong khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC phủ nhận tin tặc được Bắc Kinh hậu thuẫn đã xâm nhập vào các công ty viễn thông Mỹ, gọi thông tin đó là "bóp méo sự thật". Người phát ngôn của Đại sứ quán Lưu Bằng Vũ cáo buộc Mỹ "chính trị hóa các vấn đề an ninh mạng để bôi nhọ Trung Quốc".
Theo CNN, các công ty viễn thông Mỹ nắm giữ khối lượng lớn dữ liệu người gọi và người dùng. Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ có thể yêu cầu quyền truy cập thông qua lệnh tòa án vào các phần cụ thể của dữ liệu đó nhằm điều tra tội phạm và phục vụ an ninh quốc gia.
Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ đã đưa ra cáo buộc đối với các đặc vụ của chính phủ Trung Quốc về việc quấy rối công dân Trung Quốc trên đất Mỹ.
Những người điều tra vụ tấn công này thậm chí bị ấn tượng bởi kỹ năng, sự kiên trì và khả năng xâm nhập vào mạng máy tính của tin tặc, các nguồn thạo tin cho biết.