Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hà Nội: Vừa đề xuất xây sân bay ở Ứng Hòa, giá đất đã 'sốt xình xịch'

Các chuyên gia BĐS khuyến cáo, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những tin đồn "thổi" giá đất khi chưa có quy hoạch cụ thể.

Đất Ứng Hòa, Hà Nội tăng từng ngày sau đề xuất xây sân bay, các chuyên gia cảnh báo rủi ro khi "cầm đèn chạy trước ô tô".

Giá tăng từng ngày

Sau thông tin Hà Nội đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Ứng Hoà, Hà Nội, giới môi giới BĐS lan truyền thông tin về “cơ hội vàng” đầu tư BĐS tại đây và kêu gọi khách hàng gom đất số lượng lớn, chờ đất lên giá, hoặc hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng khiến cho thị trường BĐS tại đây trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Trong vai một khách hàng tìm cơ hội đầu tư, PV Báo Giao thông tìm hiểu một lô đất đấu giá phân lô có diện tích hơn 80m2 trong ngõ (ô tô vào được) nằm trung tâm thị trấn Vân Đình, Ứng Hòa, được chủ nhà phát giá 28 triệu/m2. Dù PV mặc cả "gãy lưỡi" nhưng ông chủ nhất quyết không giảm giá, với thái độ thờ ơ: "Chú có chốt thì chốt nhanh chứ nay mai chắc không còn. Ngày nào chẳng hai ba người đi qua hỏi".

Ông Hoàng Anh Tuấn, một cò đất có thâm niên tại địa phương xác nhận tình trạng "thổi giá" trong thời gian gần đây. Ông Tuấn cho hay, giá đất phân lô nằm trung tâm Thị trấn Vân Đình có giá trung bình khoảng 20 triệu/m2. Thế nhưng mấy ngày nay đang tăng giá từng ngày, có nơi lên đến ngoài 30 triệu/m2. Ông Tuấn dự đoán, nếu cứ đà này sẽ còn tăng tiếp trong thời gian tới.

Về giao dịch thực tế, ông Tuấn cho biết, cũng có một vài thương vụ nhưng không nhiều và đây cũng có thể là thời kỳ đầu "sốt giá". "Phải hai ba tuần nữa mới khẳng định được lượng giao dịch thực sự", vị này nhận định.

Nhiều "trái đắng" khi vội vã đầu tư ăn theo hạ tầng

Ông Bùi Đình Duy, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội cho biết, so với nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường BĐS Ứng Hòa trầm lắng trong thời gian dài. Thế nhưng, chỉ với một thông tin chưa được xét duyệt đã thay đổi cục diện, khiến thị trường BĐS tại đây dậy sóng.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn chục năm hoạt động trong ngành BĐS, nhà đầu tư này cho rằng, rót vốn vào thời điểm này là vội vàng và chứa đựng nhiều rủi ro.

Việc xây dựng sân bay Ứng Hòa mới chỉ là đề xuất, chưa được UBND Hà Nội thông qua. Thậm chí, ví trí xây dựng sân bay vẫn còn là ẩn số, nên đầu tư bây giờ là mạo hiểm”, vị này nói.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cho rằng, xu hướng “đón đầu dự án” nở rộ trong vài năm gần đây. Một số trường hợp đã mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội, ví dụ như “đón đầu dự án” sân bay Long Thành ở Đồng Nai, hoặc “đón đầu” các dự án nghìn tỷ tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên).

Song cũng không ít trường hợp nhà đầu tư phải nhận “trái đắng” khi “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Ông Tuấn lấy ví dụ, vào đầu năm 2017, sau khi xuất hiện thông tin một dự án xây dựng sân golf cao cấp được phê duyệt tại Quảng Ninh, hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ phía Bắc đã dồn vốn tại đây, khiến giá đất tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn.

Thế nhưng, 3 năm sau, dự án này bị hủy bỏ do chủ đầu tư chủ động rút lui. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư ôm đất trước đó bị “vỡ mộng”, đối mặt với thua lỗ hàng tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, tại huyện Thạch Thất, cơn sốt đất cũng đã nhanh chóng diễn ra và chìm xuống, trước và sau khi có thông tin một tập đoàn bất động sản lớn sẽ đầu tư dự án tại đây. Hiện nay, giá đất giảm 3-4 lần so với lúc sốt.

Không chỉ Quảng Ninh, Thạch Thất, nhiều nhà đầu tư có tâm lý “ăn xổi”, ăn theo hạ tầng cũng đã phải vỡ mộng ở nhiều dự án bị hủy, bị chậm tiến độ nhiều năm hoặc các dự án treo. Điều này cho thấy, ngay cả khi dự án đã được chính quyền địa phương phê duyệt và công bố rộng rãi cũng phải có rủi ro”, ông Tuấn nói.

Do đó, ông Tuấn khuyến cáo, với xu hướng đầu tư BĐS “ăn theo hạ tầng”, nhà đầu tư cần phải đảm bảo được 2 yếu tố: Thứ nhất, thông tin quy hoạch dự án được chính quyền địa phương công bố. Thứ hai, ngay cả khi đã được công bố quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư vẫn nên chờ thời điểm dự án chính thức khởi công. Tuyệt đối không nên nghe theo lời mời chào, dụ dỗ của những "cò đất" để xuống tiền mà không tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng.

Trước đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã đề nghị chính quyền thành phố xem xét quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai của Hà Nội ở huyện phía Nam Ứng Hòa và bổ sung vào quy hoạch các sân bay của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến Trúc, Ứng Hoà kết nối giao thông thuận tiện với trung tâm Hà Nội: Thông qua đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A và tiếp giáp với đường trục phía Nam (đang được xây dựng). Về lâu dài sẽ kết nối với đường cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5B (nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 5B) và các trục đường chính của Hà Nội (đường Đỗ Xá - Quan Sơn, trục Bắc Nam, Ngọc Hồi - Phú Đường Xuyên).

Nguồn: Báo Giao thông

Tin mới