Nêu ý kiến về việc TP Hà Nội thí điểm hỗ trợ kinh phí đổi xe gắn máy cũ, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, chương trình này sẽ khó thực thi nếu không được làm bài bản và được phân tích, điều tra sâu.
Nhiều xe máy hết hạn sử dụng vẫn đang lưu thông trên đường. (Ảnh: Vietnamnet)
Trả lời VTC News, PGS Chu Công Minh (chuyên gia về giao thông) cho rằng, trước khi thực hiện thí điểm, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần phỏng vấn và khảo sát xem có bao nhiêu % người dân muốn đổi từ xe cũ sang xe mới.
Việc này sẽ thực tế hơn thay là việc thành phố bỏ ra khá nhiều tiền thực hiện thí điểm mà không lấy ý kiến người dân. Với 5.000 xe thí điểm được hỗ trợ từ 2 triệu – 4 triệu đồng thì Hà Nội sẽ phải bỏ ngân sách từ 10 tỷ đồng- 20 tỷ đồng.
“Nếu muốn làm như thế, thì thành phố phải tính toán được nếu thay 5.000 xe cũ bằng 5.000 xe mới thì tỉ lệ khí thải ảnh hưởng đến môi trường giảm được bao nhiêu %, và sau tính toán này thì phải xem có đáng để thành phố đầu tư hay không”, ông Minh chia sẻ.
Cũng theo PGS Minh, nếu Hà Nội muốn làm thì cần làm bài bản ngay từ những bước đầu như khảo sát, điều tra, phỏng vấn người dân rồi mới lên kế hoạch, chứ không nên làm theo kiểu nửa vời và phải có những nghiên cứu rất sâu cho câu chuyện này.
Cùng quan điểm với PGS Chu Công Minh, TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải) cho rằng, nếu lãnh đạo TP Hà Nội cấm những phương tiện quá hạn lưu thông thì những người nghèo sẽ không có phương tiện mưu sinh.
Tuy nhiên theo ông Thủy, phương án hỗ trợ từ 2 triệu đến 4 triệu đồng/xe vẫn còn ít, vì bây giờ một chiếc xe máy rẻ cũng có giá khoảng 18 triệu đồng. Với sự hỗ trợ ít như thế thì nhiều người chắc chắn sẽ không mua xe mới.
“Nếu chúng ta tăng số tiền hỗ trợ cho người dân lên khoảng 6-8 triệu đồng thì tính khả thi sẽ cao hơn. Tuy nhiên quá trình làm phải có sự chắt lọc chứ không thể làm đại trà được. Nếu chúng ta làm đại trà thì số tiền sẽ quá lớn và vấn đề thực hiện sẽ rất khó khăn”, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ.
Theo chuyên gia, trước tiên thành phố cần phải xử lý những xe xả khói đen gây ô nhiễm khi lưu thông trên đường. Với những xe này, lực lượng chức năng phải có phương án thương lượng và hỗ trợ người dân để đổi sang xe mới. Như vậy, bước đầu sẽ loại được những xe xả thải ô nhiễm môi trường, việc thực hiện sẽ khả thi hơn.
Ông Thủy cũng đóng góp thêm phương án là những xe cũ nào còn phục hồi được thì nên đưa vào xưởng để phục hồi, việc này nhằm giúp những xe cũ giảm bớt khí thải ô nhiễm ra môi trường và giảm bớt chi phí hỗ trợ người dân.
Cũng chia sẻ với PV VTC News, một cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội cho biết, nếu muốn giảm lượng xe máy cũ cũng như lượng khí thải từ những xe này ra môi trường, thì trước hết nên quan tâm nhiều đến các vấn đề hạ tầng giao thông cũng như các phương tiện công cộng.
“Khi phương tiện công cộng tốt, người dân sử dụng các phương tiện này nhiều hơn, thì không chỉ xe máy mà ngay cả ô tô tham gia lưu thông trên đường cũng sẽ giảm đi đáng kể. Nếu chúng ta không đồng bộ hóa hạ tầng giao thông, cũng như phương tiện công cộng, thì những thay đổi này cũng khó có tính khả thi cao”, vị cảnh sát giao thông nêu quan điểm.
Hà Nội hiện tại có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 nghìn ô tô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Hiện chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe môtô, xe gắn máy.
Năm 2017, khi xây dựng đề án quản lý phương tiện cá nhân, thành phố đã lấy ý kiến việc thu hồi xe máy cũ nát trong giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, nội dung trên đã được bỏ khi đề án trình ra HĐND TP tại kỳ họp giữa năm 2017.
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, quận và đơn vị liên quan thống nhất đề xuất chương trình "nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố"; báo cáo lãnh đạo thành phố trước ngày 15/9.
Theo đó, cơ quan chức năng TP Hà Nội dự kiến lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, phục vụ việc đo khí thải tại 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông.
Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300 nghìn đồng mỗi trường hợp.
30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố sẽ thí điểm tham gia chương trình đổi môtô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước 2002); nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng.
Thời gian triển khai chương trình dự kiến từ tháng 9 đến tháng 12 với khoảng 5.000 môtô, xe máy (ước tính) được đo kiểm khí thải.