Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 chuyển đổi toàn bộ sang xe buýt điện

(VTC News) -

Theo Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trước năm 2035 chuyển toàn bộ sang xe buýt điện.

Chiều 21/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì hội nghị giao ban công tác khối kinh tế ngành 9 tháng năm 2024, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, định hướng nhiệm vụ năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thu nhập của người dân Thủ đô hiện nay so với nhiều quốc gia trong khu vực vẫn còn xa. Điều này đặt ra bài toán về phát triển kinh tế, bởi nếu không đạt mức bình quân của thế giới thì thành phố không thể nói chuyện đi xa.

“Nếu không tập trung sản xuất, không tạo ra của cải xã hội thì không tạo được nền tảng, động lực, sức mạnh cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế là yêu cầu, đòi hỏi đặt ra cấp thiết…” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Từ nay đến năm 2030 và năm 2045, thành phố phải tập trung thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư; tăng tốc lấp đầy các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề…

“Đối với nhiệm vụ phát triển giao thông đô thị, thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, trước năm 2035 chuyển đổi toàn bộ sang xe buýt điện. Xây dựng thương hiệu các hãng xe buýt đáp ứng các tiêu chí xanh, sạch, phục vụ người dân và du khách”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nêu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.

Trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, hiện nay thành phố vẫn ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong nước có điều kiện phát triển thương mại, dịch vụ. Đồng thời, ông Quyền đề nghị Sở Công Thương tích cực phối hợp cùng các sở ngành, địa phương sớm triển khai 2 dự án chợ đầu mối quốc tế tại huyện Gia Lâm và trung tâm mua sắm cấp vùng trên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Đây là những điều kiện quan trọng thúc đẩy du lịch, thương mại.

Với lĩnh vực nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu đặt trọng tâm vào xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng; mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh gắn với thương hiệu của Thủ đô, kết hợp với du lịch. Đồng thời, phát triển nông nghiệp đa lĩnh vực, đa mục tiêu và mang lại giá trị cao nhất.

Về lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch tiếp tục hình thành các tour, tuyến, sản phẩm du lịch liên kết, đồng bộ; tập trung thu hút du khách quốc tế…

Cùng với việc thực hiện hoạt động đối ngoại kinh tế thiết thực, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn với các địa phương, gắn sản xuất với du lịch để thu hút du khách, phát triển kinh tế làng nghề, phát triển các hoạt động mang tầm quốc tế…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đinh Quốc Hùng cho biết, 9 tháng năm 2024, GRDP của Hà Nội tăng 6,12%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,99%). Ngoài dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng thấp hơn cùng kỳ, các ngành còn lại đều tăng cao hơn cùng kỳ.

Thông tin thêm về kết quả trên một số lĩnh vực, ông Đinh Quốc Hùng cho biết, Hà Nội tiếp tục phát triển các loại hình thương mại, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa; tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đến tháng 10/2024, thành phố khởi công được 28/43 cụm công nghiệp (thêm 8 cụm trong 9 tháng đã qua của năm 2024). Hiện, có 3 khu công nghiệp được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra, Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội đã được Thủ tướng ký quyết định thành lập và Khu công nghiệp Bắc Thường Tín đã được Bộ KH&ĐT thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, hoạt động đối ngoại được quan tâm toàn diện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường và mở rộng trên cả ba kênh đối ngoại đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết hợp với các hoạt động đối ngoại, kết nối giao thương, quảng bá giới thiệu sản phẩm đạt được kết quả nhất định.

Minh Tuệ

Tin mới