Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý 1 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý 2/2024, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường kiến nghị được tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô.
Lý giải đề xuất này, ông Thường cho rằng, hiện nay phương tiện cá nhân trên địa bàn tăng nhanh. Năm 2023, thành phố có 6.000 ô tô mới đăng ký, tốc độ tăng bình quân trên 5%.
Hà Nội tiếp tục kiến nghị được sử dụng gầm cầu cạn làm điểm trông giữ ô tô. (Ảnh: Thế Bằng)
Theo thống kê, hiện trên địa bàn Thủ đô có trên 7,86 triệu phương tiện giao thông các loại. Để đáp ứng lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng, tổng diện tích đất cho giao thông tĩnh tại TP Hà Nội theo quy hoạch phải đạt 4% diện tích đất đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Thường, diện tích dành cho giao thông tĩnh ở Hà Nội mới chỉ đạt 0,6% nên đang thiếu trầm trọng điểm đỗ ô tô.
Trước đó, năm 2020, UBND TP Hà Nội chấp thuận phương án thí điểm của Sở GTVT sử dụng 4 gầm cầu: Chương Dương, Ngã Tư Vọng, Mai Dịch và Vĩnh Tuy để tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời.
Đến tháng 5/2023, UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất với thành phố về việc tiếp tục tạm thời tổ chức trông giữ xe tại 4 gầm cầu nói trên để phục vụ nhu cầu gửi xe ngày càng tăng của người dân.
Phản hồi đề xuất của Hà Nội, Bộ GTVT cho rằng, căn cứ quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, bãi đỗ xe thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, không thuộc công trình đường bộ.
Ngoài ra, bãi đỗ xe không thuộc danh mục công trình được phép xây dựng trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Do vậy, về nguyên tắc không được tổ chức các điểm kinh doanh dịch vụ bãi đỗ, dừng xe trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, trong điều kiện hiện nay, giao thông tĩnh tại các thành phố lớn đang thiếu thì sử dụng tạm thời gầm cầu cạn làm bãi trông giữ xe sẽ là một giải pháp.
Tuy nhiên, khi gầm cầu được trưng dụng làm bãi đỗ xe thì ô tô vào, ra sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, có thể xảy ra tình huống cháy nổ, ảnh hưởng đến kết cấu công trình cầu. Do đó, chỉ nên cho phép sử dụng trong thời hạn nhất định 5-7 tháng hoặc 1-2 năm.
Theo một chuyên gia giao thông khác, không gian gầm cầu cạn nên sử dụng trồng cây xanh. Vỉa hè, lòng đường cũng nên trả lại vai trò của nó đó là dành cho người đi bộ và phương tiện lưu thông.
“Lâu nay Hà Nội sử dụng một số lòng đường, vỉa hè làm nơi đỗ ô tô, xe máy. Việc này phần nào gây ùn tắc giao thông nội đô trong khi không khuyến khích được người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng. Do đó, tôi nghĩ rằng, Hà Nội cần xây dựng bãi đỗ xe tĩnh hơn là kiểu chắp vá tận dụng gầm cầu cạn, lòng đường, vỉa hè làm nơi trông giữ xe”, vị chuyên gia này phân tích.
Đối với thực trạng khó thu hút nhà đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, các chuyên gia đề xuất Hà Nội đứng ra xây dựng sau đó tiến hành đấu thầu cho tư nhân quản lý.
Theo quy hoạch, đến năm 2025, Hà Nội ưu tiên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 122 vị trí với quy mô diện tích khoảng 168ha. Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, xây dựng bãi đỗ xe ở 115 vị trí với quy mô diện tích khoảng 58ha.