Tại Lễ phát động, ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Tết trồng cây là hoạt động mang lại lợi ích to lớn cho đất nước, trở thành tập quán tốt đẹp của người dân mỗi dịp đầu năm mới.
Ông cũng khẳng định, nhờ duy trì thường niên với sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và người dân, nhiều năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng của Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sáng 21/2, TP Hà Nội tổ chức lễ phát động Tết trồng cây xuân Tân Sửu 2021 và hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, thành phố hoàn thành Chương trình 1 triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây đô thị, cây bóng mát, phủ kín trên hơn 250 tuyến đường, tuyến phố và khu vực, tạo cảnh quan xanh và chống bụi, ồn trên nhiều tuyến đường.
Theo ông Chu Ngọc Anh, ngay từ đầu năm 2021, TP Hà Nội hoàn thành tốt việc trang trí cây xanh chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và ngày thành lập Đảng 3/2, tạo tiền đề cho việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chỉnh trang, phát triển hệ thống cây xanh đô thị, hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng phát động.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa, lợi ích và giá trị nhân văn của việc trồng cây; quán triệt tinh thần tổ chức phát động tiết kiệm, thiết thực, tránh phô trương; tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân đều hăng hái tham gia trồng nhiều loại cây tại các địa điểm khác nhau.
Bí Thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ông Trần Hồng Hà trồng cây tại lễ phát động.
"Mục tiêu phấn đấu năm 2021 trồng được hơn 300 nghìn cây các loại, đến năm 2030 mỗi người dân Hà Nội trồng một cây xanh”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết đã trình Thủ tướng đề án phục hồi, phát triển hệ thống cây xanh trong 5 năm tới nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ cây Việt Nam thông qua ứng dụng công nghệ 4.0 trên điện thoại thông minh nhằm quản lý và đánh giá hiện trạng phân bổ cây xanh, xác định điểm trồng cụ thể, giám sát quá trình sinh trưởng của cây.
Nhờ bản đồ này mà cơ quan quản lý cũng xác định được các khu vực cần phục hồi hệ sinh thái, yêu cầu phòng hộ, hỗ trợ công bố bản đồ quy hoạch hạ tầng cây xanh và chỉ tiêu hạ tầng cây xanh địa phương.