Để thực hiện theo đúng quy hoạch phát triển đô thị “5 có 3 không”, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã giải tỏa hàng chục nghìn mét đất công ích bị lấn chiếm để xây các công trình phúc lợi.
Trong thời gian tới, huyện Đông Anh sẽ cưỡng chế nhiều ki ốt xây trên đất công tại xã Nam Hồng để triển khai dự án tiểu công viên. Đây là thách thức lớn với UBND xã Nam Hồng cũng như huyện Đông Anh, nhưng cũng sẽ dễ dàng thực hiện nếu nhận được sự ủng hộ của người dân để thay đổi diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh…
“5 có 3 không” là nội dung Nghị quyết số 250-NQ/HU nhấn mạnh vào những vấn đề cụ thể của huyện Đông Anh, trong đó có quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500 đối với các xã nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu đô thị.
Ngay sau khi ban hành nghị quyết, huyện Đông Anh đã tổ chức quán triệt đến cán bộ, đảng viên trên toàn địa bàn, để các cấp ủy, chính quyền nhận thức rõ được ý nghĩa của việc thực hiện Nghị quyết, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
Việc triển khai “5 có, 3 không” tại các thôn làng, tổ dân phố của huyện Đông Anh bao gồm: Có Quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500 đối với các xã nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu đô thị, các xã nằm ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị thì phải hoàn thành quy hoạch Trung tâm xã tỷ lệ 1/500.
Trong đó “5 có là”: Có nhà văn hóa, có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh. 3 "không” bao gồm: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo.
Một số hộ dân đang sử dụng ki ốt đã chủ động di dời tài sản, trả lại mặt bằng cho dự án.
Từ Nghị quyết này, huyện Đông Anh đã tiến hành giải tỏa hàng chục nghìn m2 đất công ích bị lấn chiếm từ nhiều năm nay để xây các công trình phúc lợi như công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, kè ao hồ... Hiệu quả đã có, tuy nhiên huyện Đông Anh vẫn còn một số địa phương đang gặp vướng mắc trong thực hiện tiêu chí “5 có, 3 không”.
Cụ thể tại xã Nam Hồng, từ năm 2022, xã Nam Hồng được huyện Đông Anh phê duyệt Dự án xây dựng tiểu công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng (bao gồm sân bóng, sân thể dục thể thao, bãi đỗ xe tĩnh) tại thôn Đìa và cải tạo, nạo vét ao khu vực Nhà văn hóa thôn Đoài. Mục đích của 2 dự án trên nhằm nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe; tạo không gian công cộng dùng chung cho cả cộng đồng, đáp ứng các tiêu chí từ xã lên phường.
Để thực hiện dự án này, xã Nam Hồng đã triển khai trình tự các bước chuẩn bị đầu tư đúng theo quy định, tuyên truyền công khai tới đông đảo nhân dân, tiến hành thông báo tới các hộ dân 2 thôn kể trên về việc Ủy ban Nhân dân xã sẽ giải tỏa các ki ốt do lãnh đạo thôn cho người dân mượn từ những năm 1990 để sử dụng để kinh doanh và buôn bán. Theo đó, mỗi ki ốt khoảng 15m2, tại vị trí mặt đường, các hộ dân tự đầu tư vật liệu để xây dựng thành các ki ốt theo quy định chung.
Sau thời gian dài vận động, làm công tác tư tưởng với các hộ dân, chỉ có 5 hộ trong tổng số 42 ki ốt ở cả 2 thôn thu dọn tài sản hoàn trả lại đất để thực hiện dự án, số ki ốt còn lại vẫn đang kinh doanh hoặc tạm thời đóng cửa.
Mới đây, tại hội nghị đối thoại giữa UBND xã Nam Hồng và các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ki ốt tại thôn Đìa và thôn Đoài, một số hộ dân bày tỏ những khúc mắc về tính pháp lý khi UBND xã thu hồi đất của người dân; đồng thời mong muốn được bồi thường, hỗ trợ tài sản; thậm chí có nguyện vọng được cấp quyền sử dụng đất cho các ki ốt này.
UBND xã Nam Hồng tổ chức đối thoại với người dân đang sử dụng ki ốt.
Trả lời ý kiến của người dân, ông Nguyễn Tiến Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết, theo các hồ sơ, văn bản còn lưu giữ tại xã, thời điểm những năm 1990, các hộ nhận ki ốt đều có văn bản xin mượn đất với cam kết: “Khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng phải trả lại mặt bằng theo kế hoạch mà không bồi thường”.
Thế nhưng qua thực tế hàng chục năm sử dụng, một số hộ dân đã tự sang nhượng, xây dựng kiên cố và có biểu hiện lấn chiếm diện tích nhiều so với diện tích đất được bàn giao.
Ngay từ đầu năm 2022, UBND xã Nam Hồng đã họp để thông tin rộng rãi đến người dân về các nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Trong đó, nhiều lần tổ chức hội nghị đã thông tin đầy đủ về nội dung, quy mô của dự án, kế hoạch thực hiện, công tác tuyên truyền, vận động các hộ ủng hộ và phối hợp bàn giao trả lại diện tích đất ki ốt để thực hiện dự án theo đúng kế hoạch.
Thế nhưng đến nay 36 hộ dân đang sử dụng ki ốt vẫn chưa chịu di dời tài sản, bàn giao mặt bằng sạch cho địa phương để chuẩn bị tiến hành thực hiện dự án. UBND xã Nam Hồng đã tiến hành lập biên bản đối với các hộ xây dựng vi phạm.
Ông Nguyễn Tiến Dương cũng nêu rõ: “Khu vực xây dựng 2 dãy ki ốt tại 2 thôn trên bản đồ địa chính thể hiện là đất công ích do UBND xã quản lý nên các ý kiến, kiến nghị về hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và cấp “sổ đỏ" cho người sử dụng ki ốt là không có cơ sở thực hiện. UBND xã đã tổ chức công khai rộng rãi tới người dân về đề án xây dựng công trình phúc lợi, được đông đảo Nhân dân đồng tình.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, sau khi tuyên truyền vận động, nếu các hộ đang sử dụng kiốt ở 2 thôn trên không bàn giao mặt bằng, thời gian tới, xã sẽ thiết lập hồ sơ, xin ý kiến để tiến hành cưỡng chế, giải tỏa, tháo dỡ các ki ốt theo thẩm quyền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công".
Dãy ki ốt sắp được giải tỏa để thực hiện dự án xây dựng công trình phúc lợi cho người dân.
Cũng tại buổi đối thoại với người dân, ông Vũ Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, việc giải tỏa 2 dãy ki ốt tại xã Nam Hồng để xây dựng công trình phúc lợi là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu xã Nam Hồng thực hiện sai quy định của pháp luật, sẽ có những cơ quan chức năng kiểm tra giám sát, xử lý. Do vậy, người dân đang sử dụng ki ốt cần sớm bàn giao mặt bằng cho xã vì mục đích chung, đảm bảo quy định của pháp luật.
“Xã Nam Hồng đã rất quan tâm và tiếp nhận ý kiến của người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật và đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất thì khu vực ki ốt của người dân không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận sử dụng đất cũng như nhận tiền đền bù tài sản trên đất.
Để phát triển huyện Đông Anh thành quận và xã thành phường thì cần có những khu sinh hoạt cộng đồng. Các quy hoạch đó đã được xin ý kiến Nhân dân. Khi thực hiện, không chỉ có xã Nam Hồng mà huyện Đông Anh cũng giải toả nhiều diện tích đất công, đất lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích, phục vụ cho việc xây dựng các công trình phúc lợi…”, ông Vũ Văn Thanh nhấn mạnh.
Cuối buổi đối thoại với người dân, ông Nguyễn Tiến Dương cũng chia sẻ về những tiếc nuối khi phải thu hồi khu ki ốt, từng là nơi mưu sinh, gắn bó với nhiều kỷ niệm của người dân. Lãnh đạo xã cũng chia sẻ với hàng chục hộ dân vì không thể thực hiện đền bù khi người dân xây dựng không đúng theo quy định của pháp luật, mong người dân vì mục tiêu chung mà chia sẻ và ủng hộ để xây dựng huyện Đông Anh không chỉ xanh, sạch và đẹp hơn mà còn phát triển hơn về kinh tế, xã hội.