Theo quyết định ban hành ngày 31/3, UBND Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 với quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000 người.
Mạng lưới giao thông trong đồ án quy hoạch này được xác định từ cấp đường khu vực trở lên với tổng diện tích đất giao thông khoảng 532 ha (chiếm 19,12%), mật độ khoảng 7 km/km2.
Mục tiêu được thành phố đặt ra là phát triển hệ thống giao thông theo hướng hiện đại, kết nối với các khu vực. Trong đó tập trung vào hệ thống đường trục và mạng lưới đường ven sông; cầu/hầm nối kết đô thị hai bên sông, tạo điều kiện và động lực phát triển mới.
Theo đồ án quy hoạch, ở giai đoạn 1, Hà Nội sẽ xây mới 6 cây cầu bắc qua sông Hồng. Trong đó, cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở trên đường vành đai 4 (quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn hỗn hợp).
Cầu Thượng Cát và cầu Ngọc Hồi trên đường vành đai 3,5 (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Cầu Tứ Liên kết nối trục đường chính đô thị dọc hành lang 2 bên sông Hồng (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Cầu Trần Hưng Đạo kết nối đường Trần Hưng Đạo sang khu vực quận Long Biên (quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp).
Ngoài ra, thành phố cũng xác định xây dựng bổ sung giai đoạn 2 của cầu Vĩnh Tuy và nghiên cứu bổ sung, mở rộng cầu Thăng Long.
Tám cây cầu dự kiến được xây mới qua sông Hồng theo quy hoạch. (Đồ họa: Như Ý)
Tuyến đường sắt quốc gia hiện có (gồm tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi và tuyến vành đai Hà Đông - Bắc Hồng) sẽ được dỡ bỏ, thay thế bằng tuyến đường sắt đô thị số 1 và 6.
Thành phố cũng sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt vành đai đi dọc theo vành đai 4, cắt qua sông Hồng tại cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở. Việc bố trí đường sắt đi chung hoặc đi riêng với cầu đường bộ sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư.
Tuyến đường sắt qua cầu Long Biên sẽ không còn trong tương lai. (Ảnh: Hoàng Hà.)
Về đường sắt đô thị, phạm vi lập quy hoạch có 6 cầu đường sắt kết nối khu vực phía bắc với nam sông Hồng.
Trong đó, tuyến số 1 đi qua sông Hồng tại vị trí cầu Long Biên mới cách cầu hiện có 75 m về phía thượng lưu. Tuyến số 2 đi qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Nhật Tân khoảng 1,3 km về phía thượng lưu. Tuyến số 4 qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Vĩnh Tuy khoảng 1,2 km về phía hạ lưu.
Tuyến số 6 qua sông Hồng tại cầu Thăng Long. Tuyến số 7 qua sông Hồng tại cầu Thượng Cát và tuyến số 8 qua sông Hồng tại vị trí cách cầu Thanh Trì khoảng 1,4 km về phía hạ lưu.
Hà Nội xác định 2 tuyến trục chính đô thị dọc sông Hồng được xây dựng mới. Trong đó, trục phía trung tâm thành phố từ cầu Hồng Hà tới cầu Thanh Trì quy hoạch với quy mô mặt cắt ngang tối thiểu 4 làn xe cơ giới và 2-4 làn hỗn hợp.
Trục bờ tả sông Hồng từ cầu Thượng Cát đến cầu Thanh Trì được quy hoạch với quy mô mặt đường rộng 40-60 m (6-10 làn xe).
Phương án cụ thể của hai tuyến trục chính đô thị dọc sông sẽ được xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư xây dựng. Yêu cầu đặt ra là đảm bảo phòng chống lũ.
Hai bờ sông Hồng sẽ có 2 tuyến đường trục chính với quy mô lớn. (Ảnh: Hoàng Hà - Hồng Quang)
Tuyến đường chính khu vực xây dựng trên cơ sở nâng cấp các đoạn tuyến đê hiện có như đê tả sông Hồng, đê hữu sông Hồng đoạn Liên Mạc - Thượng Cát, đoạn phía nam cầu Thanh Trì có quy mô 4-6 làn xe (bao gồm đường gom chân đê).
Tuyến phố, ngõ xóm đi qua khu vực dân cư hiện có, khi xây dựng cải tạo mở rộng tuân thủ nguyên tắc: Tận dụng tối đa đường hiện có, xem xét quy mô vỉa hè tối thiểu nhưng vẫn đảm bảo mật độ mạng lưới đường chung, đảm bảo phòng cháy chữa cháy theo quy định.