Chiều qua (13/5), vừa từ cơ quan về đến nhà, chị Nguyễn Thu Ngọc (Linh Đàm, Hà Nội) nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm của cậu con trai đang học lớp 6: "UBND thành phố Hà Nội cho học sinh nghỉ hè sớm từ 15/5. Do đó, những khối lớp chưa hoàn thành việc kiểm tra học kỳ, trường sẽ tổ chức kiểm tra sau bằng hình thức thi trực tiếp tại lớp trong điều kiện dịch COVID-19 ổn định, học sinh có thể đi học trở lại. Trường không tổ chức kiểm tra trực tuyến".
Chị Ngọc bất ngờ trước quyết định trên, bởi từ hơn tuần nay, giáo viên luôn gửi bài tập ôn luyện các môn để chuẩn bị cho bài kiểm tra học kỳ II. Cả phụ huynh và học sinh đều xác định sẵn sàng tâm lý, tinh thần tham gia thi học kỳ trực tuyến.
Hầu hết phụ huynh trong lớp con chị Ngọc đều chung thắc mắc tại sao Sở GD&ĐT Hà Nội không tổ chức thi học kỳ trực tuyến để các con có thể kết thúc năm học yên tâm và an toàn. Việc nghỉ hè trước rồi kiểm tra học kỳ sau có vẻ khá ngược đời, chưa từng diễn ra trong các năm học trước. Điều này khiến phụ huynh lo lắng con sẽ sinh ra tâm lý chểnh mảng việc học và ảnh hưởng kết quả kiểm tra khi trở lại trường.
Giống chị Ngọc, anh Lê Văn Dương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa phương án như vậy là chưa chặt chẽ. Nếu từ ngày 16/5 đến 28/5 học sinh vẫn chưa thể đến trường để học, kiểm tra bù thì lịch sẽ lùi tới khi nào.
Với quyết định này, tự nhiên học sinh và giáo viên bị treo lơ lửng trên đầu là "món nợ" kiểm tra học kỳ II, luôn bị động không biết chính xác thời gian kiểm tra sẽ diễn ra khi nào. Trọng số điểm bài kiểm tra học kỳ II là quan trọng nhưng không nên quá cứng nhắc, Sở GD&ĐT nên để các trường chủ động đề xuất phương án thi. Trường nào đủ điều kiện thi trực tuyến thì cho thi trực tuyến, trường nào chưa đủ điều kiện thì làm bài dự án, làm đánh giá tư. Chúng ta có nhiều cách để lấy điểm, không nhất thiết phải thi trực tiếp tại lớp.
Vị phụ huynh này cũng bức xúc, sau 15/5 học sinh được nghỉ hè, nhưng cả kỳ nghỉ hè đó có lẽ nhiều gia đình không dám cho con đi đâu. Bởi, nhỡ nhà trường hay Sở GD&ĐT thông báo kiểm tra cuối kỳ đột xuất, học sinh, phụ huynh trở tay không kịp.
Học sinh học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)
Trong khi đó, chị Trần Thanh Nga (Mỹ Đình, Hà Nội) đồng tình với quyết định của UBND thành phố. Chị cho rằng, dịch đang có diễn biến phức tạp, đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh là điều quan trọng nhất, kết quả thi chỉ là thứ yếu. Nếu phụ huynh lo lắng con bị quên kiến thức khi trở lại trường làm bài kiểm tra thì có thể thường xuyên bám sát, nhắc nhở con ôn tập bài.
Vị phụ huynh này thẳng thắn, việc cho học sinh nghỉ hè sớm, không phải học online là điều tốt. Vốn dĩ việc dạy học trực tuyến vẫn đang tồn tại nhiều bất cập từ đường truyền đến kỹ thuật, phần mềm, không đạt hiệu quả như mong đợi. Ví dụ, một tiết học online 45 phút mà học sinh ra vào liên tục gây mất trật tự, gián đoạn lớp học, kiến thức học không đảm. Nếu đó là tiết kiểm tra, học sinh đang làm bài kiểm tra có thể bị out ra khỏi hệ thống trực tuyến thì chắc chắn chất lượng điểm số cũng không đảm bảo.
Vì chưa rõ khi nào học sinh có thể trở lại trường để kiểm tra học kỳ II, do đó, đại diện nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, trường lựa chọn phương án gửi đề ôn tập nhờ phụ huynh in cho con làm tại nhà, tránh quên kiến thức, sau đó gửi lại cho giáo viên chấm, nhà trường kiểm soát chất lượng.
Trong thời tới nếu học sinh có thể đến lớp trở lại, các trường sẽ tổ chức học ôn, củng cố kiến thức trước khi làm bài kiểm tra để đảm bảo đánh giá đúng thực chất và công bằng cho các em.
Vì sao không kiểm tra trực tuyến?
Giải thích về lý do Sở GD&ĐT đề xuất chưa tổ chức việc kiểm tra, đánh giá định kỳ bằng hình thức trực tuyến, ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên chỉ được thực hiện từ ngày 16/5 khi Thông tư này có hiệu lực.
Việc kiểm tra định kỳ được thực hiện khi đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về đường truyền internet và thiết bị kết nối, máy tính, thiết bị đầu cuối và có cấu hình phù hợp để cài đặt hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến; bảo đảm cho giáo viên và học sinh truy cập, khai thác sử dụng, quản lý các chức năng của hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến để thực hiện hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá trực tuyến theo đúng những quy định của Thông tư 09.
Đồng thời, việc kiểm tra trực tuyến phải có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, các quy trình về dữ liệu và bảo mật thông tin cá nhân theo quy định khi tổ chức dạy học trực tuyến. Cơ sở giáo dục phổ thông phải có nơi lắp đặt các thiết bị đáp ứng yêu cầu về tính khoa học, sư phạm để sử dụng phục vụ hoạt động dạy học trực tuyến của giáo viên...
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố, việc bảo đảm các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tới 100% giáo viên, học sinh ở từng cơ sở giáo dục còn nhiều bất cập; điều kiện thiết bị của nhiều học sinh còn khó khăn, chưa bảo đảm việc tổ chức kiểm tra trực tuyến, đánh giá chính xác, công bằng, khách quan, trung thực đối với từng học sinh. Do đó, Sở GD&ĐT quyết định tạm thời chưa tổ chức kiểm tra trực tuyến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Ông Đại cho biết thêm, nếu thời gian tới dịch ổn định, các trường có thể tổ chức ôn tập, kiểm tra trực tiếp trong khoảng thời gian học sinh nghỉ hè sớm so với kế hoạch năm học đã quy định trước đó (số ngày nghỉ hè sớm 14 ngày, từ ngày 15/5 đến 28/5).
Chiều 13/5, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT, cho phép điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021, các cấp học nghỉ hè sớm, bắt đầu từ ngày 15/5.
Nhiệm vụ năm học 2020-2021 còn lại trong thời gian nghỉ hè sớm sẽ thực hiện vào thời gian nghỉ hè khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường học tập.