Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hà Nội chìm trong sương mờ dày đặc từ sáng đến trưa

(VTC News) -

Sương mù dày đặc bao phủ nội thành Hà Nội suốt từ sáng đến trưa, chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức xấu, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tiếp xuất hiện sương mù ô nhiễm vào sáng sớm. 

Theo ghi nhận của PV, từ sáng đến trưa 11/11, sương mù trắng đục bao phủ khắp khu vực nội thành, nhiều tòa nhà cao tầng ở phía bờ bên kia của Hồ Tây bị màn sương “nuốt trọn”.

Khoảng 7h, lớp sương mù mờ ảo khiến tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế. Nhiều tài xế phải bật đèn, thậm chí bấm còi để việc lưu thông trên đường được đảm bảo an toàn.

Khoảng 7h30, cầu Nhật Tân ẩn hiện trong lớp sương khói mờ ảo.

Theo bản đồ chất lượng không khí, khu vực Hà Nội sáng nay nhiều điểm có mức ô nhiễm cảnh báo màu đỏ (mức nguy hại cho sức khỏe). Chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) vượt ngưỡng trên 160 (chất lượng không khí không lành mạnh). Nồng độ PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 15.6 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.

Nguyên nhân của hiện tượng sương mù là do độ ẩm không khí cao, mây nhiều nên nắng yếu, kết hợp ít gió làm lớp không khí ẩm lòng vòng ở tầng thấp sát mặt đất, không thể tan được.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị còn xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác.

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là "tử thần" trong không khí khí có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.

Đến khoảng 10h trưa, dù bầu trời hửng nắng nhưng không khí vẫn mờ đục.

Trên cầu Nhật Tân, người đi đường vẫn bị hạn chế tầm nhìn, không thấy bóng các toà nhà cao tầng phía sau.

Trước tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra nghiêm trọng nhiều năm qua, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí. Người dân nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Ngọc Hân - Minh Đức

Tin mới