Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch đang được điều trị ở Hà Nội thuộc nhóm nào?

(VTC News) -

Những ngày giữa tháng 1/2022, phóng viên VTC News có mặt tại một số bệnh viện tại Hà Nội đang điều trị bệnh nhân COVID-19.

Video: Bên trong những khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng ở Hà Nội

"Bệnh nhân N.T.T. SpO2 giảm xuống còn 88%, đề nghị kiểm tra ngay", cán bộ y tế trực trung tâm điều hành khu điều trị R14, Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 điện đàm vào khu phòng bệnh, nơi chỉ ngăn cách bằng một vách kính trong suốt với trung tâm điều hành.

Ngay lập tức, hai nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ bên trong bước nhanh đến chỗ bệnh nhân, kiểm tra các chỉ số sinh tồn và đường thở. Họ vừa xử lý xong tình trạng tụt SpO2 của bệnh nhân T., lại có một bệnh nhân khác cần cấp cứu.

Có những bệnh nhân nằm 1 tháng, thậm chí hơn 2 tháng, khi ra viện vẫn phải thở ô xy

Khu điều trị R13 và R14 của Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) hiện có 40 bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy xâm nhập. Hai tuần nay, các khu điều trị này chật kín bệnh nhân.

Tại khu điều trị R14, ông H.Đ.Đ, 90 tuổi là một trong những ca bệnh nặng. Bệnh nhân nhập viện ngày 1/1/2022 trong tình trạng nguy kịch, xuất huyết tiêu hóa, phì đại tiền liệt tuyến. Bệnh nhân phải thở máy ngay khi nhập viện. Hiện bệnh nhân bị suy hô hấp, phải đặt ống thở máy.

Cũng trong khu điều trị này, bệnh nhân N.T.H, 64 tuổi (Hoàng Mai, Hà Nội) nhập viện ngày 1/1 trong tình trạng nguy kịch. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị tăng huyết áp, đái tháo đường. Hiện bệnh nhân phải an thần thở máy, duy trì vận mạch, thở máy xâm nhập.

Khu điều trị F0 nặng, nguy kịch của bệnh viện được lắp hệ thống camera giám sát dày đặc để đảm bảo trung tâm điều hành có thể quan sát mọi bệnh nhân, kịp thời phản ứng nhanh với tình huống khẩn cấp.

Bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19

BS Nguyễn Minh Nguyên cho biết, các bệnh nhân điều trị tại khu vực hồi sức luôn cần theo dõi 24/24 giờ vì diễn biến xảy ra liên tục, khó lường.

“Ngày nào cũng có 2-4 bệnh nhân COVID-19 nặng có nguy cơ tử vong”, BS Nguyên nói.

Cũng theo bác sĩ Nguyên, điều trị cho các bệnh nhân này không phải chỉ vài ba ngày là xong. Bệnh nhân chủ yếu nằm lưu cữu, thời gian điều trị dài, có khi vài tuần hoặc vài tháng mới có thể ra viện. Đây là thách thức lớn với nhân viên y tế.

Chỉ về phía một bệnh nhân COVID-19 nặng, BS Nguyên nói, người này 86 tuổi, nằm trong khu điều trị 2 tuần nay. Tuần trước, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tuy nhiên trong quá trình điều trị lại có diễn biến xấu hơn, suy hô hấp nặng. Thở ô xy qua mặt nạ, thở ô xy dòng cao HFNC, thở máy không xâm lấn,  bệnh nhân đều không đáp ứng. Các nhân viên y tế đang chuẩn bị phải đặt ống nội khí quản.

Chủ yếu là người cao tuổi

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, cho hay, số F0 tại Hà Nội ngày càng tăng nên số bệnh nhân nặng cũng nhiều lên. Những ngày gần đây, ngày nào bệnh viện cũng có 20-30 trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng. Hiện bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 200 bệnh nhân từ nặng đến nguy kịch. Tuy nhiên, các bệnh nhân nặng và tử vong chủ yếu là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

Tại khu điều trị R13 và R14 có 40 bệnh nhân COVID-19 nặng phải thở máy xâm nhập nhưng tại mỗi khu điều trị chỉ có 4 bác sĩ và 9 điều dưỡng. Vì thiếu nhân lực nên các bác sĩ, nhân viên y tế phải làm việc tới 12 giờ/ca trực.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Phương, điều dưỡng trưởng, sắp tới, nếu số F0 tiếp tục tăng cao, "chúng tôi sẽ cần chi viện từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Sở Y tế".

Tại khu điều trị R2 hiện có 39 bệnh nhân thuộc tầng 2, chủ yếu là những người có độ tuổi từ 70-100 tuổi. Một phần trong số bệnh nhân đang điều trị đã được tiêm 1 mũi vaccine, còn lại là chưa tiêm mũi nào.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, hiện tại bệnh nhân ở khu điều trị là 194 người. 100 người ở mức độ trung bình nặng; còn lại là nặng nguy kịch.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn, đa số bệnh nhân COVID-19 nặng tại đây là những người cao tuổi, chưa tiêm vaccine và có bệnh lý nền nặng.

“Việc chăm sóc y tế cho các bệnh nhân này rất khó khăn”,  BS Nguyễn Thị Lan Hương nói.

Theo thống kê của Bệnh viện Thanh Nhàn, bệnh nhân COVID-19 tử vong thường là những trường hợp trên 82 tuổi, 100% có bệnh lý nền, trên 90% chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đầy đủ.

BS Hương thông tin thêm, người dân test nhanh có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đến đây, bệnh viện vẫn tiếp nhận. "Qua các xét nghiệm cần thiết, chúng tôi sẽ tiến hành phân tầng điều trị. Nếu bệnh nhân ở tầng 1, chúng tôi sẽ thông báo đến trung tâm y tế. Trung tâm y tế sẽ cách ly tại nhà nếu bệnh nhân đáp ứng đủ điều kiện. Trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện cách ly tại nhà, bệnh nhân sẽ được cách ly ở cơ sở thu dung tuyến quận huyện", bà Hương nói. “Tùy theo mức độ bệnh, chúng tôi sẽ điều chuyển phân tầng phù hợp”.

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, tại bệnh viện này có 97-98% số ca tử vong chưa tiêm vaccine, chủ yếu là các cụ già U90, hãn hữu có vài trường hợp dưới 70, có nhiều bệnh nền.

Chưa quá tải

ThS.BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương nói, số bệnh nhân COVID-19 trong thời gian gần đây tuy tăng nhanh nhưng không có chuyện bệnh viện không còn chỗ để tiếp nhận bệnh nhân.

“Chúng tôi có 500 giường thở máy nhưng hiện mới chỉ có khoảng 200 bệnh nhân nguy cơ thở máy hoặc đang thở máy. Như vậy là vẫn còn giường trống để tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 nặng vào điều trị”, ThS.BS Trần Thị Hải Ninh nói.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Sở Y tế Hà Nội phân công bố trí 350 giường điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng số bệnh nhân đang được điều trị chưa đến 200 người. Vì vậy chưa có hiện tượng quá tải.

“Bệnh nhân ở tầng 2 sau khi điều trị 5-7 ngày, có tiến triển tốt chúng tôi sẽ chuyển về tầng 1 hoặc chuyển bệnh nhân về bệnh viện tuyến quận huyện để tiếp tục điều trị. Những bệnh nhân nhân mới nặng hơn chúng tôi tiếp nhận để giảm tải cho tuyến dưới”, lãnh đạo Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội từ 29/4/2021 đến thời điểm tối 12/1/2022 là 79.615 ca. Toàn thành phố có 53.315 F0 đang được điều trị và cách ly.

Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương  có 133 ca, Bệnh viện Đại học Y có 218, tại các bệnh viện của Hà Nội có 3.157, cơ sở thu dung điều trị thành phố có 1.335, cơ sở thu dung quận, huyện có 5.820 ca. Số ca theo dõi, cách ly tại nhà là 42.652.

Thanh Hải - Trần Quang

Tin mới