Thông tin này được Bệnh viện Thanh Nhàn báo cáo với Đoàn Kiểm tra số 2 của Bộ ,Y tế do TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm Trưởng đoàn.
Trong hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn, 946 người đã ra viện, 89 ca phải chuyển viện. Đây cũng là cơ sở đã điều trị thành công ca bệnh chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) sau gần 50 ngày điều trị.
Bệnh viện Thanh Nhàn được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 thuộc tầng 3. Khu điều trị cách ly được phân làm 3 khu riêng biệt: Khu giành riêng cho người bệnh nặng nguy kịch 250 giường; khu cho người bệnh trung bình hoặc có bệnh lý nền nặng (50 giường bệnh); khu cho người bệnh nghi nhiễm theo đề án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực vùng.
Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh minh họa)
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị hệ thống oxy cho 250 giường ICU, các loại máy thở, xây dựng danh mục thuốc và dự trù số lượng thuốc phục vụ công tác điều trị.
Ngoài việc điều trị F0 thuộc tầng 3, Bệnh viện còn phụ trách 7 bệnh viện tầng 2, 7 Trung tâm y tế, chỉ đạo công tác chuyên môn, kiểm tra, giám sát, điều tiết bệnh nhân trong công tác chuyển tuyến…
Kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Gia Lâm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái đề nghị Bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn sinh học phòng xét nghiệm; bố trí nhân lực hợp lý đảm bảo công tác chống dịch lâu dài, tính toán đảm bảo nguồn cung cấp oxy…
Bệnh viện thực hiện kết nối khám chữa bệnh từ xa đối với các bệnh viện tuyến trên, thực hiện đặt lịch khám, triển khai quản lý theo dõi bệnh nhân mạn tính…Bệnh viện Gia Lâm được Sở Y tế Hà Nội giao điều trị F0 thuộc tầng 2 với quy mô 500 giường bệnh.
BSCK II Trần Bùi Quang Dương, Giám đốc Bệnh viện Gia Lâm cho biết, bệnh viện bám sát hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, do đó trong 2 tháng qua không có tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, phải chuyển lên tầng 3.
TS Cao Hưng Thái đánh giá cao công tác sẵn sàng điều trị của Bệnh viện Gia Lâm và Bệnh viện Thanh Nhàn.
Đối với Bệnh viện Thanh Nhàn, Đoàn Công tác đề nghị cơ sở này thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo trang thiết bị, phương tiện phòng hộ, nhân lực cho khu điều trị hồi sức tích cực; phân tích chuyên sâu các ca tử vong để tìm ra các giải pháp giảm thiểu tử vong.
Bệnh viện đảm bảo thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực theo định hướng của Bộ Y tế để bảo đảm cho điều trị tuyến cuối của thành phố.
Mục tiêu cuối cùng của các biện pháp là giảm bệnh nhân nặng, giảm tử vong, do đó các bệnh viện tiếp tục cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công tác chống dịch để đảm bảo chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Theo số liệu của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến 17h chiều 25/12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.879 ca bệnh COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh từ đầu vụ dịch là 37.513 ca, tăng 45 ca so với ngày hôm trước.
Hà Nội hiện có 17.686 trường hợp F0 đã khỏi bệnh, 108 trường hợp đã tử vong. Sở Y tế Hà Nội cho biết còn 19.730 ca F0 đang theo dõi và điều trị, trong đó 10.034 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà, 4.840 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly, 4.845 ca đang điều trị tại 11 bệnh viện.
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện có 332 ca phải thở oxy, bao gồm 30 ca phải thở máy. So với trung bình 7 ngày trước, số ca bệnh mới tăng 0,16%, số ca khỏi giảm 0,18%, số ca tử vong giảm 0,38%, số ca đang điều trị tăng 0,41%, số ca nặng tăng 0,52%.