Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Hà Nội cấm bán tại chỗ: Doanh nghiệp, lao động ngành ăn uống 'kêu cứu'

(VTC News) -

Vốn gặp khó vì COVID-19 suốt hai năm qua, đến nay, nhiều doanh nghiệp, người lao động ngành F&B càng khốn đốn bởi những quy định phòng chống dịch của Hà Nội.

Những quy định về hình thức phục vụ thường xuyên thay đổi theo diễn biến dịch bệnh khiến nhiều chủ hàng ăn, uống ở Hà Nội phải buôn bán trong bất an. Đặc biệt, việc cấm bán hàng ăn uống tại chỗ ở từng phường, quận mà không mang tính đồng bộ thời gian gần đây bị cho là tạo nên sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, khiến ngành F&B (Food and Beverage - thực phẩm và đồ uống) càng thêm kiệt quệ.

Đóng nhà hàng, giảm nhân sự để chạy theo quy định

Ông Nguyễn Việt Cường, Giám đốc chuỗi nhà hàng bún chả Hà Thành cho biết, dưới tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, đơn vị cũ là Công ty TNHH tinh hoa ẩm thực Hà Thành không thể duy trì hoạt động. Vì thấy việc tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 tại Hà Nội đã được phủ rộng khắp, thành phố cũng cho phép các cửa hàng được phục vụ tại chỗ nên ông Cường đã mạnh tay mua lại chuỗi 4 cửa hàng bún chả Hà Thành vào tháng 7/2021.

Tuy nhiên, sau một thời gian, đơn vị đã buộc phải thu gọn quy mô để giảm chi phí nhân sự, thuê nhà và điện nước bằng việc cắt giảm 2 cửa hàng ở số 1 Yên Xá, Hà Đông và lô D5, Cụm làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì. Hiện đơn vị chỉ tập trung vào 2 cửa hàng kinh doanh chính là ở CT1-2 Mễ Trì, Nam Từ Liêm và 9B Nguyễn Cảnh Dị, Đại Kim, Hoàng Mai. 

"Khách chưa nhiều, hoạt động chưa ổn định, nay lại phải dừng phục vụ ăn uống tại chỗ theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, việc chỉ được bán mang về, bán hàng online đã gây thêm nhiều khó khăn cho hoạt động của nhà hàng", ông Cường nói.

Cửa hàng bún chả Hà Thành cơ sở Mễ Trì đóng cửa vì không được phục vụ khách ăn tại chỗ.

Trong khi đó, theo đại diện của chuỗi cửa hàng bún chả Sinh Từ, các mặt hàng bún, bánh cuốn và phở, cafe thường hợp với việc thưởng thức tại chỗ để khách cảm nhận được hương vị ấm nóng và không gian chia sẻ thông tin. Do vậy, quy định cấm bán hàng phục vụ tại chỗ đã khiến cho lượng khách vốn đã ít ỏi nay tiếp tục giảm đến hơn 80%. Điều đáng bàn là Hà Nội không ban hành quyết định này một cách thống nhất trên toàn thành phố mà chỉ dừng tại một số địa bàn nên hoạt động kinh doanh của nhà hàng, doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ thị phần.

Khảo sát của VTC News tại cửa hàng cafe Highland ở 18 Tam Trinh, Hoàng Mai trong hai buổi chiều 4/1 và sáng 5/1/2022 cho thấy, cửa hàng đã thu dọn bàn ghế không phục vụ khách tại chỗ. Để cắt giảm chi phí, từ 8 nhân viên, đơn vị này chỉ còn lại 3 người chuyên phục vụ bán hàng mang đi và cũng chỉ đạt chưa đến 50 đơn hàng mỗi ngày.

Ông Lê Anh Dũng, Giám đốc bán hàng café Highlands tại khu vực Hà Nội cho biết, Highlands hiện có 150 cửa hàng rải đều tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mức thuê mặt bằng có giá dao động từ 20-80 triệu đồng/cửa hàng/tháng. Đơn vị đã chuẩn bị kỹ các phương án, tích luỹ kinh nghiệm phòng chống dịch trong suốt thời gian qua và đã có khả năng kinh doanh linh hoạt để thích nghi với tình hình dịch bệnh trong dài hạn.

Tuy nhiên, quyết định của thành phố Hà Nội đã có tác động rất lớn tới tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Để thực hiện nghiêm quy định, đơn vị phải đóng cửa 80% cửa hàng và cho nghỉ việc hơn 80% trong số hơn 4.000 lao động đang làm việc cho Highlands.

“Chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng cho nhân sự trong ngành khi đã cận kề Tết mà còn bị giảm thu nhập, mất việc làm trong khi họ mới quay trở lại làm việc không lâu”, ông Dũng bày tỏ.  

Đại diện một chuỗi cửa hàng cà phê khác thì lo lắng cho hành trình phục hồi sau đại dịch của đơn vị mình. "Sau nhiều ngày đóng cửa vì Hà Nội giãn cách xã hội, rồi nhiều lần chỉ được bán mang về, đến nay chúng tôi đang nỗ lực từng bước để phục hồi kinh tế. Cứ nghĩ rằng với việc phủ mạnh tiêm vaccine cùng tâm lý sẵn sàng thích ứng, "sống chung" với dịch bệnh, chúng tôi sẽ được yên tâm kinh doanh. Nhưng chỉ vừa hoạt động ít lâu thì lại có quy định mới, vậy chúng tôi sẽ phục hồi kiểu gì? Bây giờ dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu cứ thay đổi theo dịch bệnh liệu có phải là biện pháp tốt nhất không, chạy theo đến bao giờ?", vị này chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều nhà hàng buộc phải cắt giảm nhân sự đã khiến hàng loạt lao động tạm thời không có việc hoặc phải chuyển việc làm. Không ít người bày tỏ sự lo lắng khi Tết Nguyên đán cận kề.

Chờ Hà Nội mở cửa, ngóng gói cứu trợ

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Hà Nội dù đang có số ca mắc COVID-19 tăng cao nhưng việc cấm các quán ăn, nhà hàng, ăn uống phục vụ tại chỗ là không cần thiết, bởi đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản đã hoàn thành.

Trong khi đó, quy định này có thể sẽ tác động đến khoảng 200.000 cơ sở kinh doanh và gần 4 triệu người lao động trong ngành F&B, đây là con số rất lớn. Do đó, theo ông Doanh, Hà Nội cũng nên mở cửa như TP.HCM để các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống giảm bớt khó khăn, nhất là sau khi đã quá khốn khổ vì chống chọi với đại dịch.

“Quy định cấm bán hàng ăn, uống tại chỗ còn tạo ra sự bất tiện cho người dân khi họ phải di chuyển xa hơn để ăn sáng hay uống cà phê, trong khi không chứng minh được việc này có giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm như kỳ vọng thành phố. Việc này cũng có thể gây ra hệ lụy giảm nguồn thu thuế do các doanh nghiệp dịch vụ phải đóng cửa”, ông Doanh phân tích thêm.

Cửa hàng Highland coffee (18 Tam Trinh, Hoàng Mai) vắng tanh khách vì chỉ được bán mang về.

Chia sẻ với VTC News, ông Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, khi Chính phủ đã chấp thuận mở lại thí điểm các đường bay thương mại quốc tế vào cuối năm nay và đầu năm sau thì việc Hà Nội cấm bán hàng tại chỗ có thể sẽ cản trở việc thu hút thực khách quốc tế, làm sụt giảm doanh thu của các doanh nghiệp dẫn đến thu ngân sách và thuế cũng bị giảm theo.

"Việc sống chung với COVID-19 trong trạng thái bình thường mới theo chủ trương của Đảng và Chính phủ sẽ có thể kéo dài trong cả năm 2022, thậm chí sang năm 2023. Vì vậy các thành phố, quận, huyện cần thận trọng khi đưa ra các quyết định hạn chế hoạt động kinh doanh vượt cấp độ cảnh báo. Thay vào đó, cần thực hiện đúng và tuân theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Điều kiến nghị.

Ngoài ra, theo ông Điều, để ứng phó với bài toán "sống còn", hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong ngành thực phẩm đồ uống vốn có năng lực tài chính yếu kém đã buộc phải tái cơ cấu sản xuất và mạng lưới phân phối để thích ứng với khủng hoảng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động chuyển hướng từ bán hàng offline sang việc ứng dụng công nghệ số để bán hàng qua app, trên trang web của doanh nghiệp...

Tuy vậy, các doanh nghiệp F&B cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống nói riêng và doanh nghiệp nói chung nhanh chóng phục hồi. Trong đó chú trọng đến chính sách hỗ trợ cho người lao động khi thu nhập mất hoặc suy giảm do mất việc làm; việc giãn, hoãn nghĩa vụ tài chính với doanh nghiệp...

"Chúng tôi cũng đã có những kiến nghị làm thế nào để có thêm chính sách miễn thuế thu nhập, giảm thuế VAT, chi phí điện nước… cho doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống nói riêng, doanh nghiệp của hiệp hội nói chung", ông Điều khẳng định.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021 trong tổng số 49,9 triệu lao động có việc làm thì ngành dịch vụ (bao gồm du lịch, khách sạn, F&B) chiếm 39,5%. Cả nước có khoảng 550.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, quán bar với số lao động trực tiếp chiếm khoảng 10% dân số.

PHẠM DUY

Tin mới