Mới đây trên trang cá nhân, Hoa hậu Hà Kiều Anh chia sẻ niềm tự hào của mình đối với tổ tiên nội ngoại. Cô không chỉ có ông nội là nhà ngoại giao nổi tiếng - ông Hà Văn Lâu, từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Pháp - mà còn có bà nội là con vua cháu chúa, thuộc dòng dõi Minh Mạng.
Vậy Hà Kiều Anh có quan hệ thế nào với vị vua thứ hai của triều Nguyễn? Theo chia sẻ của hoa hậu trên trang cá nhân, cô là hậu duệ của Tuy Lý Vương, hoàng tử thứ 11 của vua Minh Mạng. Trong số các con trai của Tuy Lý Vương có ông Hường Nhã. Một trong 3 con gái của ông Hường Nhã là Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh, người sinh ra bà nội của Hà Kiều Anh - bà Nguyễn Tăng Diệu Hương, phu nhân của ông Hà Văn Lâu.
Bà nội của Hoa hậu Hà Kiều Anh.
Hà Kiều Anh viết: "Ông Hường Nhã đẻ ra 4 con trai và 3 cô con gái, trong đó có bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh - là bà cố nội của mình. Bà Công Tằng Tôn Nữ Truyền Kinh là vợ thứ 3 của ông Nguyễn Tăng Lộc, cũng là một ông quan trong triều đình nhà Nguyễn. Bà là một người cực kỳ xinh đẹp, có thể nói là đẹp nghiêng nước nghiêng thành với làn da trắng muốt không tì vết. Chỉ tiếc là bà mất rất trẻ khi mới 36 tuổi và mất vì bệnh đậu mùa. Nhưng bà đã sinh được 2 người con, 1 nam, 1 nữ và nữ là bà Nguyễn Tăng Diệu Hương - bà nội của mình".
Nếu những chia sẻ của hoa hậu là chính xác thì Hà Kiều Anh chính là cháu đời thứ bảy của vua Minh Mạng.
Hoa hậu Hà Kiều Anh và con gái.
Về phần Tuy Lý Vương, vị hoàng tử là tổ tiên của Hà Kiều Anh, ông có tên là Nguyễn Phúc Miên Trinh, nổi tiếng uyên bác, rất sành về thơ và thạo cả nghề thuốc. Cùng với anh trai là Tùng Thiện Vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm (hoàng tử thứ 10 của Minh Mạng), ông sáng lập Mạc Vân thi xã - hội thơ nổi tiếng của Huế. Thi xã này tập hợp nhiều danh sĩ đương thời như Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Hà Tôn Quyền, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đăng Giai... và được ví với Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông.
Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Trinh - con trai thứ 11 của vua Minh Mạng.
Bản thân hai ông hoàng Miên Thẩm, Miên Trinh là nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm được ca ngợi. Họ được gọi là Nhị Tô, ngầm ý so sánh với hai anh em Tô Triệt, Tô Thức, những danh sĩ lừng lẫy thời Tống (Trung Quốc).
Sau khi Hoa hậu Hà Kiều Anh chia sẻ về dòng dõi trâm anh thế phiệt của mình, trên mạng xã hội có khá nhiều tranh cãi. Nhiều người chỉ trích Hoa hậu rằng cô tự nhận "công chúa đời thứ 7" là không đúng. Đối với triều Nguyễn, các con gái vua được gọi là hoàng nữ, chỉ gọi là công chúa đối với những người được sách phong danh hiệu này, thường là khi hoàng nữ hạ giá lấy chồng. Cụ của hoa hậu là công tằng tôn nữ, nghĩa là bậc cháu của hoàng nữ, chắt của vua, bản thân cụ không phải công chúa nên các nữ hậu duệ của cụ cũng không thể là công chúa được.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng cho rằng khi nói mình là "công chúa đời thứ 7", Hà Kiều Anh không hề có ý tự phong tước hiệu, mà đó chỉ là cách nói uyển chuyển rằng cô là hậu duệ đời thứ 7 của vua mà thôi.