Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

GS Việt tại ĐH Harvard: Nhiều nước thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết

GS Ngô Như Bình của ĐH Harvard cho rằng một số nước đã cải cách chữ viết của họ thành công, thậm chí thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết.

Video: Tác giả đề xuất viết 'Tiếq Việt' nói gì khi nhận nhiều ý kiên trái chiều?

Trao đổi với về đề xuất cải tiến chữ viết thành "záo zụk", "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền, GS Ngô Như Bình - Chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á của ĐH Harvard - cho rằng một số nước đã cải cách chữ viết của họ thành công, thậm chí thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết.

Chữ viết mang tính bảo thủ, khó chấp nhận cải cách

- Gần đây, dư luận quan tâm đề xuất cải tiến phụ âm tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền. Là  chuyên gia về ngôn ngữ, giảng dạy tiếng Việt ở ĐH Harvard, Mỹ, nhiều năm, xin giáo sư đưa ra nhận định về vấn đề này?

Chữ viết phản ánh truyền thống văn hóa và lịch sử của một dân tộc. Bản thân chữ viết tiếng Việt cũng trải qua một số lần thay đổi để chúng ta có dạng chữ viết như ngày nay.

Chữ viết bao giờ cũng mang tính bảo thủ nên cải cách khó được chấp nhận. Do đó, phản ứng ban đầu của người dân (những người sử dụng chữ viết) bao giờ cũng tiêu cực đối với bất cứ sự thay đổi nào.

Thực tế, không chỉ người dân mà ngay cả một số nhà ngôn ngữ cũng khó chấp nhận. Điều này xảy ra không chỉ ở Việt Nam. Điển hình, thủy tổ của ngành âm vị học là N. Trubetskoy (nhà ngôn ngữ học người Nga) cũng không đồng tình với cải cách chữ viết tiếng Nga vào những năm 1918-1920. Trong khi đến bây giờ, kết quả tích cực của cải cách đó là không thể phủ nhận.

Không chỉ dừng lại ở nước Nga, cải cách chữ viết từng xảy ra ở Đức cách đây không quá lâu. Một số người Đức lớn tuổi vẫn dùng cách viết cũ dù chuẩn chính tả mới do 3 nước nói tiếng Đức là Đức, Áo và Thụy Sĩ và một số vùng ở các nước khác nói tiếng Đức đưa ra và áp dụng đã gần 20 năm.

 GS Ngô Như Bình cho rằng chữ viết mang tính bảo thủ nên cải cách sẽ khó được chấp nhận. Ảnh: NVCC.

- Như vậy, giáo sư đồng tình với đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền?

Về cơ bản, tôi đồng ý với những đề xuất của PGS Bùi Hiền. Đương nhiên, một số đề nghị cụ thể cần bàn thêm. Chẳng hạn, PGS Bùi Hiền đề nghị chữ viết chuẩn dựa hoàn toàn vào phương ngữ Hà Nội. Điều đó đúng về mặt lý thuyết nhưng là vấn đề tế nhị. Về âm đệm và nguyên âm chính cũng như bán nguyên âm cuối cũng có một số điểm thiếu nhất quán là điều tôi chưa thấy nhắc đến.

 Cách đây tròn một năm, tại hội thảo quốc tế lần thứ ba về Việt Nam học và Đài Loan học tổ chức tại Đại học Thành Công (Đài Loan, Trung Quốc), tôi cũng đưa ra đề nghị về việc thay đổi một số con chữ trong bảng chữ cái tiếng Việt và một số quy tắc chính tả.

Khi viết báo cáo đó, tôi không biết PGS Bùi Hiền đã nghiên cứu vấn đề này một thời gian dài. Tôi rất mừng khi ông Hiền đã đặt ra những vấn đề này ở trong nước.

Tiếng Việt thuộc họ ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) đã tồn tại từ rất lâu ở vùng đồng bằng sông Hồng. Nó trở thành ngôn ngữ riêng biệt sau khi tách ra khỏi tiếng Mường trong tiểu nhóm ngôn ngữ Việt - Mường cách đây khoảng 1.300 năm. Trước khi chữ Nôm ra đời vào thế kỷ 13, Việt Nam chỉ có một thứ chữ viết là chữ Hán.

Cách đây khoảng 400 năm, các nhà truyền giáo châu Âu, trong khi tạo ra chữ quốc ngữ, đã cố gắng tuân thủ mối tương quan một đối một giữa chữ viết và âm. Họ là những nhà ngôn ngữ tài năng.

Tuy nhiên, khi đó ngành âm vị học chưa ra đời nên có những điều bây giờ chúng ta thấy bất hợp lý. Mặt khác, do ảnh hưởng tiếng mẹ đẻ của các nhà truyền giáo (là các ngôn ngữ thuộc nhóm Romance), những bất hợp lý thuộc dạng khác cũng sinh ra.

Ở Việt Nam, vấn đề cải cách chữ quốc ngữ đã được đem ra thảo luận từ những năm 1970. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện vẫn chỉ dừng lại ở những lời bàn.

Các nhà ngôn ngữ, giáo dục và khoa học cần nghiên cứu thấu đáo những đề nghị cải cách về mặt khoa học ngôn ngữ, đồng thời nhìn ra thế giới bên ngoài để thấy việc cải cách chữ viết là việc có thể làm được và cần làm.

 GS Bình cho rằng cải cách tiếng Việt là một việc cần làm. Ảnh: Vietnam Plus.

Sau mấy chục năm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, tôi thấy cải cách là việc cần làm và làm càng sớm càng tốt. Khi giới thiệu chính tả tiếng Việt cho sinh viên ở Liên Xô (trước đây) và Mỹ (hiện nay), tôi phải giải thích những điểm thiếu nhất quán. Điều này khiến sinh viên rất khó nhớ và kết quả là viết sai chính tả.

Chẳng hạn, cùng một âm vị /k/ được viết ba cách khác nhau là “ký”, “cá” và “quá”. Nếu dùng con chữ để biểu thị phụ âm đầu này thì chúng ta có thể viết “ká” và “kwá”(“ký” vẫn là “ký”).

Hay như âm đệm /w/, cùng là một âm đệm nhưng khi được viết là như trong “hoa”, lúc lại được viết là như trong “huệ”. Nếu nhất luật dùng con chữ biểu thị âm đệm /w/ thì sẽ viết “hwa” và “hwệ”, như người Hàn Quốc dùng con chữ để phiên âm âm đệm khi cần viết bằng con chữ Latinh.

Nên đổi mới nhưng phải hết sức thận trọng

- Quá trình thay đổi cách viết mới nên diễn ra như thế nào?

Trước hết, các nhà khoa học phải tổ chức cuộc hội thảo để bàn bạc trên tinh thần xây dựng và đưa ra những đề nghị hợp lý về mặt lý thuyết ngôn ngữ và về mặt sử dụng. Quá trình này có thể tiến hành từng bước, nhưng cũng không nên làm quá nhiều lần để tránh gây rối loạn.

Sau đó, chính quyền ở cấp cao nhất cần tham gia. Một khi đã thành luật, lĩnh vực đi đầu là truyền thông và sau đó đến trường học. Ngành giáo dục đòi hỏi nhiều thời gian hơn để thay đổi nên đi sau một bước.

 
Một số nước đã cải cách chữ viết của họ thành công, thậm chí thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết như Indonesia (1972), Hà Lan (1980 và 2005), Pháp (1990), Na Uy (1981 và 2005), Đức (1996), Áo (1996) và Thụy Sĩ (1996).

GS Ngô Như Bình

Một điều nữa cũng cần phải làm là sau khi các nhà khoa học thuộc mọi lĩnh vực đưa ra kiến nghị, nên lấy ý kiến của toàn dân. Nhưng cũng phải lường trước phản ứng tiêu cực vì chữ viết vốn bảo thủ.

Đương nhiên, các bước phải thực hiện hết sức thận trọng, có thể làm từng bước như một số nước đã làm. Một số nước đã cải cách chữ viết của họ thành công, thậm chí thay đổi toàn bộ hệ thống chữ viết như Indonesia (1972), Hà Lan (1980 và 2005), Pháp (1990), Na Uy (1981 và 2005), Đức (1996), Áo (1996) và Thụy Sĩ (1996).

Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với tiếng Nga và tiếng Đức. Việc cải cách chữ viết và chính tả tiếng Nga bắt đầu được thảo luận vào năm 1904. Năm 1917, chữ viết mới chính thức định hình và được sử dụng vào năm 1918. Tức là khởi thảo và thực hiện dưới hai chế độ khác nhau, để người Nga có được bảng chữ cái và quy tắc chính tả hiện nay.

Tất nhiên, một số điểm các nhà Nga ngữ học còn tranh luận, nhưng chính tả tiếng Nga hiện hành về cơ bản tiện lợi hơn cách viết trước đó.

Về tiếng Đức, sau khi Đế quốc Đức được thành lập vào năm 1871, hội nghị đầu tiên về việc thống nhất chính tả tiếng Đức diễn ra tại Berlin vào năm 1876 dẫn đến một số thay đổi. Hội nghị lần thứ hai diễn ra vào năm 1901 tiếp tục thay đổi một số cách viết.

Nước Đức tái thống nhất năm 1989 thì năm 1996, ba nước nói tiếng Đức là Đức, Áo và Thụy Sĩ cùng một số vùng nói tiếng Đức ở một số nước khác họp hội nghị tại Vienna (Áo). Họ đưa ra một số quy tắc chính tả mới đang được áp dụng.

Thậm chí, chúng ta có thể nhìn lại lịch sử nước ta khi Toàn quyền Đông Dương ra lệnh dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán. Trong một khoảng thời gian nhất định, người Pháp vẫn cho phép sử dụng đồng thời bốn hệ thống chữ viết là chữ quốc ngữ, chữ Pháp, chữ Hán và chữ Nôm.

Một kinh nghiệm nữa tôi muốn các đồng nghiệp tham khảo, đó là đơn giản hoá một số chữ vuông tiếng Trung Quốc vào những năm 50 của thế kỷ trước, được gọi là chữ giản thể.

Chữ viết cũ song song tồn tại với chữ giản thể là chữ phồn thể. Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để một khoảng thời gian cho người Trung Quốc thích nghi dần. Những người Việt Nam học ở Trung Quốc vào giữa những năm 1950 chia sẻ vào thời ấy, khi lên lớp, giảng viên dùng cách viết mới trong khi vẫn chấp nhận sinh viên sử dụng cách viết cũ. Đương nhiên, sinh viên được khuyến khích dùng chữ giản thể.

Hiện nay, chữ phồn thể vẫn được dùng ở một số nơi. Các lớp tiếng Hoa ở nước ngoài, trong đó có ĐH Harvard, giới thiệu cả hai.

- Quá trình này sẽ kéo dài trong khoảng bao lâu? Liệu những thay đổi có gây ra những hệ lụy xấu cho giáo dục, kinh tế, xã hội?

Không có hệ luỵ nghiêm trọng nào đối với kinh tế cả. Thời gian có thể chuyển tiếp trong 4-5 năm, đồng thời, chấp nhận để người dân viết hai cách trong một khoảng thời gian mươi năm, đặc biệt là những người lớn tuổi suốt cả cuộc đời gắn liền cách viết cũ. Học sinh các lớp dưới phải học cách viết mới ngay từ đầu.

Nguồn: Zing News

Tin mới