Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

GS Nguyễn Ngọc Châu: 'Mua bài báo quốc tế là phản khoa học, thiếu đạo đức'

(VTC News) -

GS Nguyễn Ngọc Châu lo ngại, nếu để lọt những ứng viên gian lận thì chức danh GS, PGS mất đi danh giá, bởi họ đi lên bằng tiền, không bằng trí tuệ, bác ái.

“Những dữ liệu so sánh tôi đưa ra không phải là tố cáo. Tôi chỉ giúp Hội đồng Giáo sư Nhà nước có thêm tư liệu tham khảo trong quá trình đánh giá và xét duyệt công nhận chức danh. Không riêng tôi, bất kỳ chuyên gia nào phát hiện bất thường đều có thể đưa ra ý kiến và đề xuất Hội đồng Giáo sư Nhà nước kiểm tra", GS Nguyễn Ngọc Châu chia sẻ.

GS Châu là người vừa gửi đơn kiến nghị lên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ GD&ĐT thể hiện nghi ngờ của ông đối với 15 ứng viên giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) ngành Dược và Y học.

Vấn nạn nghiên cứu

GS Nguyễn Ngọc Châu thẳng thắn, với những ứng viên sở hữu đăng từ 3 - 5 bài trên cùng một tạp chí, cùng một thời gian, thậm chí trên cùng một số báo là không khả thi và bất hợp lý. Đó là những tạp chí “dởm”, đăng bài theo giá tiền.

Các tạp chí chính thống và uy tín trên thế giới đều kiểm duyệt, kiểm đếm và đánh giá chất lượng bài báo, công trình nghiên cứu của các chuyên gia rất khắt khe. Không bao giờ có chuyện, một tác giả có quá 2 bài báo, công trình nghiên cứu trong cùng một số báo.

Theo GS Châu, một nhà khoa học chân chính sẽ không thể “đẻ” ra nhiều sản phẩm như vậy và đăng trong cùng một số báo. Đồng thời, một nhà khoa học chân chính không bao giờ thiếu bài báo nghiên cứu khoa học để phải gian dối, “chạy tang” dồn toa đăng như vậy.

Đây được coi là hành động gian lận và nếu đúng như phản ánh thì cần xem xét lại đạo đức của người làm khoa học”, vị GS nói và cho hay đã xác định làm khoa học thì phải minh bạch, chân chính và đàng hoàng.

Về nguyên nhân một số ứng viên ngành Y- Dược “mua” bài báo quốc tế, GS Nguyễn Ngọc Châu cho rằng, rất có thể họ mong đốt cháy quá trình được xét công nhận chức danh, phục vụ công tác.

Ở ngành Y, Dược có nhiều quy định đặc thù như trong quá trình công tác mỗi chức danh từ tiến sĩ, phó giáo sư đến giáo sư sẽ được phân công vị trí, vai trò thăm khám bệnh nhân khác nhau. Việc thăm khám gắn liền với chức danh chính là lý do dẫn đến tình trạng “mua” bài báo quốc tế trên các tạp chí “dởm”.

Việc cố tình làm sai đó sẽ xảy ra hệ luỵ rất nguy hiểm. Trước tiên, sự gian lận sẽ ảnh hưởng đến tiến bộ xã hội và uy tín của Hội đồng Giáo sư Nhà nước. "Chúng ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, nghiên cứu để phát triển mà một số ứng viên lại làm việc phản quốc tế, phản khoa học như vậy là không thể chấp nhận", GS Châu nói.

Nếu vô tình để lọt những ứng viên này sẽ khiến chức danh GS, PGS mất đi danh giá trong xã hội vì họ đi lên bằng tiền, bằng con đường không bằng trí tuệ, bác ái. Ngành Y-Dược liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, thì càng phải đúng chuẩn. “Trong nghiên cứu mà họ còn gian lận như vậy thì đối với bệnh nhân họ sẽ thủ thuật, tiểu sảo đến đâu khó rất lường trước?”, ông lo ngại.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước. (Ảnh minh hoạ: Hà Cường)

Theo GS Châu, chúng ta nên coi đây vấn nạn trong nghiên cứu khoa học và chạy đua xét chức danh. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cần rà soát lại toàn bộ ứng viên hai ngành Y, Dược và có trách nhiệm giải trình bằng kết quả trung thực, không gian lận.

Nếu cần thiết, Hội đồng Giáo sư Nhà nước có thể lùi ngày công nhận chức danh lại để dành thời gian rà soát lại toàn bộ các ứng viên của 14 ngành/hội đồng cở sở để có kết quả đúng, thật sự trong sạch.

Đây là lần đầu GS Châu công bố những kết quả đối sánh này. Ngoài 16 ứng viên dính nghi án gian lận bài báo quốc tế, ông còn vừa nhận được thêm 2 đơn thư tố cáo 2 ứng viên chức danh giáo sư liên quan tới ngành Y và Dược. Ông sẽ tiếp tục kiểm tra trong những ngày tới.

16 ứng viên bị tố gian lận

Trong đơn kiến nghị lên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Thanh tra Bộ GD&ĐT, GS Châu phản ánh 16 ứng viên tham gia xét duyệt chức danh GS, PGS ngành Y và ngành Dược đều có các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng có tên chung là Open Access, viết tắt là OA (những tạp chí thu tiền, in bài, không có hệ thống kiểm duyệt tốt nên thường có chất lượng thấp).

Trong 16 ứng viên bị tố cáo, thì một ứng viên ngành Dược do không đủ số lượng công bố quốc tế nên bị loại từ Hội đồng GS ngành. Số còn lại đều được hội đồng thông qua và đề nghị lên Hội đồng Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS năm nay.

Tuy nhiên, sau khi tự kiểm tra theo nội dung bức thư tố cáo, GS.TS Nguyễn Ngọc Châu nhận thấy không chỉ có 1 ứng viên bị “trượt” mà 12/15 ứng viên khác được hội đồng ngành thông qua cũng không đạt yêu cầu về công bố quốc tế; chỉ có 4/16 ứng viên bị tố cáo (đều là ứng viên PGS) có đủ số bài báo quốc tế theo yêu cầu đối với ứng viên PGS (trong đó có 1 ứng viên GS và 3 ứng viên PGS).

Những ứng viên mà GS Châu cho rằng không đạt điều kiện về bài báo khoa học do hầu hết các bài của các ứng viên này đều đăng trên các tạp chí OA (thường được gọi là tạp chí mở) chất lượng thấp; người đăng bài đóng nhiều tiền là được đăng.

Trước đó GS Châu và GS Phạm Đức Chính (Hội đồng ngành Cơ học) nhận được 11 thư điện tử tố cáo 16 ứng viên gian dối các bài báo trên các tạp chí kém chất lượng.

Liên quan vụ việc trên, ngày 22/10, ông Trần Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết Hội đồng nhận được thư tố các ứng viên ngành Y, Dược thông tin gian dối về bài báo quốc tế. Hội đồng đã yêu cầu Hội đồng ngành Y, Dược rà soát và báo cáo lại.

GS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng ngành Y cũng cho biết, sau khi nhận được đơn thư phản ánh, Hội đồng Giáo sư ngành Y sẽ xem xét lại hồ sơ của ứng viên đúng sai như thế nào, đánh giá ra sao và để thẩm định kỹ, việc xét GS năm nay chắc chắn sẽ phải lùi lại (không kịp trước 20/11 như mọi năm). 

Hà Cường

Tin mới