Chương trình lễ giới thiệu sẽ được truyền trực tiếp trên youtube kênh Viện nghiên cứu cao cấp về toán (cơ quan mà GS Ngô Bảo Châu hiện là Giám đốc khoa học) và được chia sẻ trên fanpage của tạp chí.
Tại sự kiện, GS Ngô Bảo Châu cùng ban biên tập tạp chí sẽ thực hiện một cuộc tọa đàm và giao lưu với độc giả.
GS Ngô Bảo Châu là người khởi xướng việc ra tờ tạp chí Pi. Theo GS Ngô Bảo Châu, đã từ lâu ông có ước nguyện có một tờ báo toán dành cho học sinh và sinh viên yêu toán mà những nội dung được đăng tải trong đó mang tinh thần như của báo Toán học tuổi trẻ (ở Việt Nam) ở giai đoạn cách đây khoảng 40 năm, hoặc như báo Kvant của Liên Xô cũ, tờ Math Monthly của Mỹ. Vì thế, Pi sẽ là tạp chí có sứ mệnh mang tải kỳ vọng này.
Tuy nhiên, quá trình thai nghén và ra đời của Pi không hề suôn sẻ. Nguyên việc xin giấy phép xuất bản đã mất 3 năm. “Anh Trần Nam Dũng (Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM) chờ giấy phép mãi sốt ruột quá, đã làm ra tờ Epsilon, một tờ báo có định hướng gần giống với Pi, nhưng chỉ xuất bản ở định dạng pdf.
Epsilon đã khá thành công, hiện đã ra đến số 12, những số cuối có trên 10.000 lượt bạn đọc tải về. Thành công bước đầu của Epsilon, nhờ vào sự quả cảm của anh Nam Dũng và sự hỗ trợ thiện nguyện của những người hỗ trợ anh ấy, là một sự cổ vũ lớn cho chúng tôi. Nếu tổ chức, đầu tư tốt hơn, có lẽ chúng ta sẽ ra được một tờ báo có chất lượng như mong muốn và được bạn đọc chào đón”, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ.
GS Ngô Bảo Châu cũng cho biết, cơ chế tài chính của tạp chí Pi là tự chủ chứ không dưạ vào ngân sách của cơ quan chủ quản là Hội toán học Việt Nam. Trong thời gian đầu, ban biên tập sẽ làm việc hoàn toàn trên cơ sở thiện nguyện, các chi phí của tạp chí sẽ được trang trải nhờ vào sự tài trợ của một số cá nhân với khởi đầu là 15.000 USD khoản tiền thưởng đi kèm huy chương Fields mà GS Ngô Bảo Châu được nhận năm 2010.
GS Ngô Bảo Châu và ban biên tập tạp chí hy vọng Pi sẽ đạt đến sự cân bằng về tài chính sau 2 năm.