Nhận định trên được đưa ra tại buổi Toạ đàm định hướng nghề nghiệp cho sinh viên với chủ đề “Transform you – Transform career” do Tập đoàn FPT phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức mới đây.
Ông Đinh Tiến Dũng (GS Cù Trọng Xoay, bên phải) chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm việc làm với sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia chỉ ra một nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam nhiều năm qua và đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Trong khi đó, theo dự báo năm 2020, Việt Nam cần cung ứng mới tới 78.000 lao động.
Một trong những nguyên nhân được chuyên gia lý giải là do sinh viên còn thiếu và yếu các kỹ năng mềm hỗ trợ công việc, cũng như chưa nhạy bén với các xu hướng nghề nghiệp mới.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Đinh Tiến Dũng, Giám đốc sáng tạo truyền hình FPT đưa ra nhận xét, thế hệ 9X có nhiều bạn thực dụng hơn và quan tâm đến đãi ngộ nhiều hơn là việc mình sẽ học được gì.
“Thực ra, sau khi tốt nghiệp mới là lúc các bạn trẻ mới bắt đầu học thực sự. Việc bạn được trả lương bao nhiêu phụ thuộc vào việc khi mới ra trường bạn đã học được những gì!”, ông Dũng lý giải.
Sự kiện mang tới cho sinh viên Bách Khoa cơ hội cập nhật xu hướng phát triển nghề nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, học hỏi thêm các kỹ năng khi tham gia ứng tuyển.
Tương tự, PGS.TS Đinh Văn Hải - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong môi trường đại học, các bạn sinh viên không chỉ phải học các kiến thức chuyên môn mà còn cần phải định hướng những tư duy, nhận thức đầy đủ về ngành nghề, con đường tương lai, những xu hướng nghề nghiệp.
Tham gia toạ đàm, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, công nghệ thông tin là một trong những ngành nghề được xã hội ưa chuộng nhất trong tương lai ít nhất 5 đến 10 năm tới. Theo số liệu của Vietnamworks, công nghệ thông tin còn thuộc top 3 ngành có mức thu nhập hấp dẫn nhất với các bạn trẻ.
Với sinh viên mới ra trường, tốt nghiệp các khối ngành công nghệ thông tin có thể đạt mức lương khởi điểm gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi một số ngành nghề khác. Đặc biệt, các nghề liên quan đến công nghệ mới như AI, Big data, robotics... sẽ đảm bảo mang lại thu nhập tốt nhất cho giới trẻ trong vòng 10 năm tới.
Tuy nhiên, để tăng điểm cạnh tranh trên thị trường nhân lực công nghệ thông tin, theo ông Tiến, việc thành thạo Tiếng Anh như một ngôn ngữ, học thêm một đến hai ngoại ngữ khác, cùng với kỹ năng tự học và học tập suốt đời sẽ trở thành lợi thế rất lớn cho sinh viên.
“Thế hệ của tôi là thế hệ cả đời chỉ cần học một lần rồi sử dụng các kiến thức đó cho suốt phần sự nghiệp của mình. Thế hệ các bạn sinh từ sau năm 1996 nói chung và các bạn đang theo học ngành công nghệ thông tin nói riêng là thế hệ “học tập suốt đời”. Các bạn cần liên tục trau dồi các kiến thức và kỹ năng mới nếu không các bạn có thể bị đào thải bất cứ lúc nào", ông Hoàng Nam Tiến nhấn mạnh.
Leader Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học khối công nghệ trên toàn quốc do FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giúp sinh viên tìm hiểu cơ hội việc làm và con đường phát triển trong tương lai.
Đồng thời đưa ra định hướng nghề nghiệp trong ngành CNTT từ kinh nghiệm của lãnh đạo tập đoàn, giúp sinh viên tiếp cận những góc nhìn khác nhau, từ đó có sự đầu tư phát triển bản thân và lựa chọn phù hợp nhất.
Dự kiến, năm 2020, sự kiện sẽ được tổ chức tại các trường đại học lớn trên cả nước như Đại học Bách Khoa, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghiệp, Đại học Giao thông Vận tải...